‘Nóng’ ngày 2/10: Họp Chính phủ thường kỳ tháng 9; Năm bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt tại vụ án Đồng Tâm

Trong ngày 2/10, dư luận quan tâm tới những đánh giá của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9; Năm bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt tại vụ án Đồng Tâm; Khởi tố một sinh viên về hành vi mua bán trái phép chất ma túy dạng ‘nước hoa quả’...

Thủ tướng: Tình hình kinh tế xã hội đang ngày càng tốt hơn

Sáng 2/10, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9 để đánh giá tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm 2020 trong bối cảnh nhiều dấu hiệu tăng trưởng khả quan và dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Trước khi bắt đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chúc mừng Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đảm nhận nhiệm vụ mới, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại tinh thần không chủ quan với dịch bệnh; đồng thời đánh giá việc kiểm soát tốt dịch bệnh 30 ngày qua không có ca lây nhiễm trong cộng đồng là cố gắng rất lớn của ngành y tế, quân đội, công an và các địa phương. Thủ tướng cũng đánh giá cao thành tích thi đua của các ngành, các cấp chào mừng Đại hội Đảng bộ; biểu dương ngành giáo dục đã tổ chức tốt 2 kỳ thi tốt nghiệp PTTH và nhất là việc thí sinh Việt Nam đạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế gần đây.

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Phiên họp lần này với quãng đường 2/3 năm 2020, Chính phủ chuẩn bị báo cáo trình trung ương và Kỳ họp Quốc hội sẽ khai mạc trong tháng 10 này, Thủ tướng đánh giá, tình hình kinh tế xã hội đang ngày càng tốt hơn, nhất là tháng 9 và quý III có sự tăng trưởng tốt. Đặc biệt các ngành quan trọng nông nghiệp, công thương, các lĩnh vực kinh tế tổng hợp, tài chính, ngân hàng, an sinh xã hội có xu hướng phục hồi mạnh mẽ, rõ nét, tạo tiền đề cho quý IV và năm 2020.

Thủ tướng cho biết, quý III tăng trưởng 2,62 %, là cơ sở để khẳng định năm 2020, Việt Nam tăng trưởng dương với mức từ 2%. Đây là cố gắng rất lớn trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực suy giảm kinh tế.

Thủ tướng cũng cho biết, xuất siêu trên 17 tỷ đôla là con số kỷ lục trong bối cảnh nhập khẩu bị hạn chế. Thu hút đầu tư nước ngoài mặc dù trong khó khăn nhưng với nhiều hình thức phù hợp đã đạt trên 21 tỷ đô la.

Việt Nam phục hồi tăng trưởng trong trong bối cảnh quốc tế đang suy thoái kinh tế nặng nề. Các chỉ tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, nhất là CPI tiếp tục giảm, chỉ còn 3,85 %. Tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định. Thị trường chứng khoán khởi sắc trở lại rất mạnh mẽ. Xuất khẩu tăng 10%, tăng 4,2 % so với cùng kỳ. Đặc biệt ấn tượng là doanh nghiệp của Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu trên 20%; trong đó ngành nông nghiệp phấn đấu vượt mức xuất khẩu trên 41 tỷ đô la Mỹ với nhiều nhà máy chế biến, nhiều mặt hàng nông sản và đặc biệt là khai thác, sử dụng hiệu quả, kịp thời Hiệp định EVFTA.

Giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 60% kế hoạch là mức cao nhất từ trước đến nay. Ba khu vực nhà nước, tư nhân và FDI trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động trong khó khăn.

Thủ tướng khẳng định vai trò bệ đỡ nền kinh tế của nông nghiệp trong khó khăn. Nguồn lương thực, thực phẩm của Việt Nam dồi dào, năng suất lúa tăng 0,9 tạ/ha bình quân cả nước. Nông dân Việt Nam từ Nam chí Bắc được mùa, được giá sản lượng nhiều loại nông sản tăng mạnh. Nhiều mặt hàng tăng rất cao như vải tăng 15% , điều tăng 18 %...Từ năm 2017 đến nay, đã có 60 nhà máy chế biến vào sản xuất. Năm 2020 này đã có 12 cơ sở nhà máy chế biến nông nghiệp đưa vào sản xuất chế biến lớn.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục được chú trọng, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân, làm tốt công tác an sinh xã hội, giảm nghèo. Đặc biệt số hộ thiếu đói giảm 75,5% so với cùng kỳ. Lao động việc làm quý III phục hồi tăng 1,5 triệu người là mức tăng kỷ lục. Mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh nhưng tình hình trật tự xã hội nhìn chung ổn định, các hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh.

Về một số những tồn tại, Thủ tướng cho biết, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực vẫn còn rất nhiều khó khăn như dịch vụ, đặc biệt là du lịch, hàng không, vận tải. Doanh nghiệp nhỏ và vừa còn rất nhiều khó khăn. Việc thực hiện hiệu quả, khả thi Nghị quyết 42 cũng là vấn đề cần được đặt ra.

Đáng chú ý, Thủ tướng cũng nhận xét mức tăng trưởng hiện nay là rất thấp so với tiềm năng và kỳ vọng.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ đóng góp các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đi liền với đó là tích cực chuyển đổi số trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra. Thủ tướng chỉ đạo cần tăng cường tính tự lực, tự cường trong phát triển đất nước, nhất là trong năm 2021.

Xét xử vụ án tại Đồng Tâm: Năm bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt

Sau hơn 2 tuần tuyên án phiên tòa xét xử 29 bị cáo trong vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội), Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã nhận được đơn kháng cáo của 5 bị cáo gồm: Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Bùi Viết Hiểu và Nguyễn Quốc Tiến.

Trong đơn kháng cáo, 5 bị cáo cho rằng mức hình phạt mà Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên đối với 5 bị cáo là nặng, đồng thời đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét các tình tiết trong vụ án nhằm giảm nhẹ hình phạt cho 5 bị cáo.

Trước đó, chiều 14/9, tại phiên tòa xét xử vụ án này, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt 5 bị cáo nói trên về cùng tội “Giết người”, trong đó: Lê Đình Công, Lê Đình Chức đều lĩnh án tử hình; Lê Đình Doanh bị phạt tù chung thân; Bùi Viết Hiểu 16 năm tù; Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù.

Ngoài ra, cùng bị tuyên án về tội “Giết người” còn có bị cáo Nguyễn Văn Tuyển bị Tòa tuyên phạt 12 năm tù.

23 bị cáo còn lại bị Hội đồng xét xử tuyên phạt các mức án từ 15 tháng tù treo đến 6 năm tù về cùng tội “Chống người thi hành công vụ”.

Bản án sơ thẩm nhận định, đây là vụ án hình sự nghiêm trọng, hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, bất chấp pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước, ngang nhiên xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của Nhà nước và chính quyền địa phương, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác, đặc biệt là những người đang thi hành công vụ.

Hội đồng xét xử cho rằng, các bị cáo thực hiện hành vi vô cùng dã man, tàn bạo và mất hết tính người, các bị cáo đã dùng xăng đốt làm 3 cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh. Nhóm 6 bị cáo bị Tòa tuyên phạt về tội “Giết người” gồm: Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Doanh, Lê Đình Chức và Nguyễn Quốc Tiến bị Tòa xác định là những bị cáo cầm đầu, vừa tổ chức chuẩn bị công cụ, phương tiện, phân công vị trí, nhiệm vụ cho các bị cáo khác, vừa trực tiếp thực hiện hành vi tấn công lực lượng chức năng.

Trong đó, Lê Đình Công là người giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, thường xuyên lôi kéo, kích động, kêu gọi chống đối, tổ chức các cuộc họp bàn, tung các video clip, ghi hình và phát trực tiếp trên các trang mạng xã hội tuyên bố giết chết từ 300-500 chiến sĩ công an… Công tích cực chuẩn bị công cụ, phương tiện và phân công vị trí, nhiệm vụ cho các bị cáo khác; là người chỉ đạo và góp tiền mua xăng, mua lựu đạn, hướng dẫn các bị cáo khác và trực tiếp làm bom xăng, bùi nhùi; đồng thời trực tiếp thực hiện hành vi ném bom xăng, lựu đạn về phía lực lượng chức năng.

Còn bị cáo Lê Đình Chức là người chỉ đạo Lê Đình Doanh đổ xăng ra chậu, cùng Doanh đẩy chậu xăng đang cháy xuống hố; trực tiếp đổ xăng thêm 3-5 lần xuống hố làm 3 cán bộ, chiến sĩ công an bị thiêu cháy. Hành vi của 2 bị cáo này là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 3 người đang thi hành công vụ hy sinh, thể hiện tính côn đồ, tàn ác, mất nhân tính và không còn khả năng cải tạo, nên cần thiết phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc nhất của khung hình phạt, loại bỏ vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

Khởi tố một sinh viên về hành vi mua bán trái phép chất ma túy dạng ‘nước hoa quả’

Ngày 2/10, cơ quan CSĐT Công an quận 5 (TP Hồ Chí Minh) cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam với Nguyễn Tiến Đạt (21 tuổi, quê An Giang) để điều tra về tội mua bán trái phép chất ma túy. Thời điểm bị bắt, Đạt là sinh viên của một trường đại học ở địa bàn quận 7.

Trước đó, khuya ngày 6/9, khi Đạt đang điều khiển xe máy lưu thông trên đường Hùng Vương (phường 9, quận 5) thì bị các trinh sát Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an quận 5 phát hiện bắt giữ.

Qua kiểm tra, công an thu giữ trong trong người của Đạt có một gói giấy ghi dòng chữ "Crispy Fruit Mango", bên trong có một gói nylon ghi dòng chữ "Crispy Fruit Mango"chứa chất bột màu vàng nghi là ma túy nên đưa về trụ sở để làm rõ.

Qua giám định, số chất bột màu vàng thu giữ được từ Đạt là ma túy ở thể rắn, thuộc loại Bromazepam có trọng lượng hơn 17,6 gram.

Đạt khai ngày 5/9, qua các mối quan hệ bạn bè ngoài xã hội thì quen người tên Th. (chưa xác định được lai lịch). Khi qua huyện Nhà Bè để gặp thì Th. giao cho 4 gói “Crispy Fruit Mango”. Sau khi nhận “hàng”, Đạt đi giao cho khách của Th. 3 gói. Còn 1 gói mang về cất tại chỗ ở trên địa bàn phường 2, quận 5. Theo Đạt, đây là loại ma túy tên là ‘nước xoài’, được pha vào nước để uống. Khi sử dụng thì người lâng lâng.

Đến khoảng 22 giờ ngày 6/9, Th. gọi cho Đạt kêu đi giao một gói "Crispy Fruit Mango" với giá 2 triệu đồng cho một khách nữ tại một khách sạn ở phường 9, quận 5. Khi nam sinh đến khách sạn thì bị công an kiểm tra, bắt quả tang.

Theo một cán bộ điều tra, loại ma túy này được sử dụng để uống nên được “ngụy trang” như một loại nước giải khát. Công an nghi ngờ ngoài ma túy “nước xoài” này còn có thể có những loại nước mang tên những trái cây khác nhắm vào lớp trẻ. Hiện Công an đang tiếp tục mở rộng điều tra, truy xét vụ việc.

Một học sinh lớp 9 tại Gia Lai tử vong do bệnh bạch hầu

Ngày 2/10, ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết: Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có thêm một trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu.

Đó là một học sinh lớp 9, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đak Ta Ley, huyện Mang Yang. Bệnh nhân tử vong có bệnh nền tim bẩm sinh.

Theo bệnh án, ngày 21/9, học sinh lớp 9 nói trên có biểu hiện ho, sốt nên được gia đình mua thuốc tự điều trị ở nhà. Đến ngày 24/9, em bị nặng nên được gia đình đưa đi khám và nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Mang Yang.

Tại trung tâm Y tế, các y bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu nên đã chuyển người bệnh đến Bệnh viện Nhi Gia Lai để tiếp tục điều trị. Tuy nhiên, bệnh diễn biến quá nặng và bệnh nhân tử vong ngay sau đó.

Theo Sở Y tế tỉnh Gia Lai, chiều 1/10, Ủy ban nhân dân huyện Mang Yang nhận được kết quả xét nghiệm bệnh nhân tử vong dương tính với vi khuẩn bạch hầu nên đã chỉ đạo các cấp, ngành, chính quyền địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp phòng - chống dịch bệnh tại xã Đak Ta Ley và các xã, thị trấn còn lại trên địa bàn huyện.

Đến đầu tháng 10, ngành Y tế tỉnh Gia Lai đã ghi nhận 41 bệnh nhân dương tính với vi khuẩn bạch hầu, 2 trường hợp tử vong. 38 trường hợp đã được điều trị khỏi bệnh cho xuất viện.

XC/Báo Tin tức
Kiến nghị xây dựng hồ sơ xếp hạng đền Bạch Mã là di tích quốc gia đặc biệt
Kiến nghị xây dựng hồ sơ xếp hạng đền Bạch Mã là di tích quốc gia đặc biệt

Ngày 2/10, UBND Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến “Giá trị di sản văn hóa đền Bạch Mã, di tích cấp quốc gia” nhằm phát huy những giá trị đặc sắc của di tích gắn với Thăng Long – Hà Nội và khai thác phục vụ du lịch trong tổng thể khu phố cổ Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN