Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Đền Bạch Mã (phường Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội) được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Vị trí hiện nay cũng là vị trí ban đầu xây dựng đền và được coi là trấn phía Đông của kinh thành Thăng Long xưa. Trải qua thời gian, ngôi đền được nhân dân, chính quyền thường xuyên tu sửa.
Đền Bạch Mã (Đông Trấn) cùng với đền Voi phục - Thủ Lệ (Tây Trấn), đền Kim Liên (Nam Trấn), đền Quán Thánh -Trấn Vũ (Bắc Trấn), tạo thành Tứ trấn của Thăng Long - Hà Nội.
Theo Viện nghiên cứu Hán Nôm, đền Bạch Mã xuất hiện khá sớm, gắn với truyền thuyết về việc xây La Thành của Cao Biển và đắp thành Thăng Long của vua Lý Thái Tổ qua sách Việt Điện u linh tập biên soạn vào cuối thời Trần, thế kỷ XIV. Tài liệu lịch sử cho biết đền được khởi dựng dưới thời nhà Đường, khi Cao Biền xây La Thành vào năm 866. Sau đó, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra xây thành Thăng Long vào năm 1010, đền được xây dựng lại, hiện chưa thể biết được diện mạo kiến trúc ban đầu của ngôi đền.
Tài liệu thư tịch cũng cho biết đền được dựng ở phía Đông thành, sau thành Đông Trấn như ở vị trí hiện tại. Trong quá trình tồn tại, ngôi đền đã được sửa chữa nhiều lần, được phản ánh khá rõ qua tư liệu văn bia và hoành phi, câu đối tại đền.
Dáng dấp kiến trúc đền Bạch Mã hiện nay là dấu ấn đặc trưng của phong cách kiến trúc thế kỷ XIX thời Nguyễn. Đền được xây theo hình chữ “tam”, bên ngoài là phương đình tám mái. Điểm đặc sắc của công trình kiến trúc này chính là hệ thống mái hình “vỏ cua” (hình mai con cua) liên kết giữa các hạng mục kiến trúc. Điều này tạo sự khép kín, liên hoàn, tăng thêm không gian cho di tích, tạo điểm nhấn khác biệt, hiếm thấy của di tích so với nhiều di tích vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Thần chủ thờ ở Đền Bạch Mã từ thời Lý là thần Long Đỗ - Đô Thành Hoàng của Kinh đô Thăng Long và của cả nước. Tượng Thần chủ Long Đỗ bằng đồng hiện đặt tại khám thờ ở Hậu Cung, có từ thời Nhà Lê, thế kỷ XVII.
“Gắn liền với di tích đền Bạch Mã được biết trước đây có lễ hội Nghênh xuân, vừa mang tính cung đình, vừa mang tính dân gian đặc sắc, có nguồn gốc từ thời Lý, được tổ chức vào mùa xuân hàng năm, mang đậm dấu ấn của văn hóa nông nghiệp, đồng hành cùng tín ngưỡng của đền Bạch Mã. Đây là một di sản văn hóa phi vật thể rất có giá trị của Đền Bạch Mã; nhưng do các nguyên nhân khác nhau, lễ hội Nghênh xuân không được duy trì nữa”, Giáo sư Lê Văn Lan nhận định.
Hiện đền còn giữ được nhiều hiện vật có giá trị mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XVII, có lẽ được bổ sung trong đợt tu bổ vào năm Chính Hòa thứ 8 (1687)… Đền Bạch Mã được xếp hạng di tích cấp quốc gia và được Nhà nước, Hà Nội quan tâm tôn tạo và bảo tồn nét đặc sắc di sản văn hóa nơi đây.
"Với những giá trị phi vật thể, di tích đền Bạch Mã xứng đáng là di tích cấp quốc gia đặc biệt", Giáo sư Lê Văn Lan đề xuất.
“Để phát huy những giá trị của di tích này, quận Hoàn Kiếm có kế hoạch toàn diện và cụ thể để bảo vệ, bảo quản tốt di tích đền Bạch Mã. phát huy vai trò cộng đồng, thực hiện tốt phương châm xã hội hóa trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Đồng thời, quận sớm có kế hoạch toàn diện, cụ thể, phong phú, đa dạng để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về di sản này” ông Trần Đình Thành cho biết.
PGS.TS Đỗ Văn Trụ cho biết: Từ những đóng góp của các nhà nghiên cứu có thể khẳng định: Đền Bạch Mã là di tích đặc biệt quý giá, có giá trị tiêu biểu về nhiều mặt: lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh trên cả 2 khía cạnh di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Với những ý nghĩa và giá trị nổi bật của đền Bạch Mã, di tích này cần được chuẩn bị xây dựng Hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Bảo tồn di tích Đền Bạch Mã phải gắn liền với việc phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô, của quận Hoàn Kiếm, đặc biệt là với Khu phố cổ Hà Nội.
“Với những lợi thế đó, di tích Đền Bạch Mã cần trở thành một điểm tham quan hấp dẫn thu hút đông đảo khách trong nước và quốc tế đến thăm Thủ đô và phố cổ Hà Nội, góp phần vào phát triển du lịch của địa phương. Quận Hoàn Kiếm cần có kế hoạch và biện pháp tổ chức nghiên cứu, khôi phục lại Lễ hội Nghênh xuân, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữ lại những yếu tố truyền thống tốt đẹp và phù hợp với bối cảnh xã hội mới” PGS.TS Đỗ Văn Trụ cho biết.