37 bác sĩ, điều dưỡng, cấp dưỡng khoa Chăm sóc bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, được chăm sóc sức khỏe cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp hơn 4 năm qua thực sự là một niềm vinh dự rất lớn và đó là những ký ức mãi mãi không bao giờ phai mờ.
Dù nắng vàng và gió thu Hà Nội rất đẹp đầy ắp qua khung cửa sổ của phòng 207, khoa Chăm sóc bảo vệ sức khỏe cán bộ trung ương (khoa A11), nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp được chăm sóc sức khỏe hơn 4 năm qua, nhưng những chiến sĩ quân y vẫn cảm thấy một nỗi buồn nặng trĩu, không gian tĩnh lặng, trống vắng đến nao lòng. Chị Phạm Quỳnh Lan, Điều dưỡng trưởng khoa A11 nghẹn ngào chia sẻ: “1.599 ngày được chăm sóc sức khỏe cho Đại tướng, 37 y, bác sĩ của khoa A11 đều rất vinh dự, tự hào vì đã được kề cận, chăm sóc Người. Mỗi chúng tôi đều giữ cho riêng mình những kỷ niệm không thể nào quên về Bác”.
Kíp trực khoa A11 phục vụ chăm sóc điều trị cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ngày cuối cùng trước lúc Đại tướng lâm chung. dương ngọc - TTXVN |
Để che đi nỗi xúc động và dòng nước mắt nghẹn ngào, chị Lan chỉ tay về phía góc phòng. “Đó là chiếc ghế mây mà Đại tướng vẫn hay ngồi dùng cơm hoặc ngắm tán lá xanh, hít thở không khí qua khung cửa sổ. Đây là bình nước và chiếc cốc mà Bác vẫn sử dụng. Chiếc giường này cũng đã gắn bó với Bác suốt mấy năm qua. Vậy mà giờ đây…”, nói đến đây, chị Lan đã không cầm nổi nước mắt.
Với chị Lan, trong cuộc sống thường ngày, Đại tướng là người rất bình dị, gần gũi. Bữa ăn của Người thường rất đơn giản. “Những lúc Bác khỏe, bữa sáng chỉ đơn giản là bánh mì và một quả trứng ốp la, thậm chí có khi chỉ cần một quả trứng luộc. Sau này, khi sức khỏe của Bác yếu đi, chúng tôi chuẩn bị đồ ăn cho Bác theo đúng thực đơn dinh dưỡng mà bác sĩ kê. Song ăn gì, Đại tướng cũng hài lòng ăn hết khẩu phần, trừ khi quá mệt”.
Điểm đặc biệt ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà chị Lan và đồng nghiệp của mình rất khâm phục đó là dù tuổi cao, sức đã yếu nhưng Đại tướng luôn rất minh mẫn, lạc quan. Người luôn quan tâm đến tình hình đất nước và thường cập nhật thông tin qua báo chí, ti vi.
“Giai đoạn sức khỏe tốt, Bác thường xem hoặc nghe thông tin thời sự trên ti vi, nhất là những ngày tổ chức tường thuật trực tiếp Đại hội Đảng. Những khi Bác không thể ngồi dậy được, thư ký của Bác hoặc anh em điều dưỡng cũng vẫn đọc báo cho Bác nghe”, chị Lan kể.
Là người trực tiếp chăm sóc và chứng kiến giây phút cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, BS Đào Thị Vân Anh cho biết: “Ngày 4/10, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trút hơi thở cuối cùng. Trước đó hai tháng, sức khỏe của Đại tướng bắt đầu diễn biến xấu, mặc dù được các bác sĩ Bệnh viện 108 đã nỗ lực cố gắng hết sức nhưng tất cả đã vượt ngoài tầm của y học”.
“Chúng tôi đều biết rằng tuổi của Đại tướng đã cao, đến một lúc nào đó sẽ phải chứng kiến giây phút Bác ra đi. Nhưng khi giờ phút đó xảy ra, tôi và đồng nghiệp đều cảm thấy hụt hẫng, không tin được đó là sự thật. Người đã trở thành người thân, một người ông vô cùng đáng kính của chúng tôi. Khi Bác mất, chúng tôi đều lặng người đứng xung quanh và nghẹn ngào thương tiếc”, BS Vân Anh chia sẻ.
Vô cùng yêu mến và thương tiếc Đại tướng nên những ngày này, dù Đại tướng đã đi xa nhưng chị Vân Anh và nhiều đồng nghiệp khác vẫn thường vào phòng 207 chỉ để sang sửa lại ga, gối và lặng nhìn chiếc giường nhỏ giờ chỉ còn chút hơi hướng của Người. BS Vân Anh nhớ lại: “Đại tướng là một người rất tình cảm, ân cần. Dù khi khỏe, hay khi yếu, mỗi khi tôi đến thăm khám, Bác đều bắt tay chào, sau khi chúng tôi về lại được Người bắt tay thân mật. Tôi sẽ nhớ mãi, nhớ mãi những cái bắt tay ấm áp đó của Người”.
Với nữ điều dưỡng Dương Thị Hoa, kỷ niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp dường như còn đặc biệt hơn vì chị được đích thân Đại tướng đặt tên đệm. Chị Hoa chia sẻ: “Có lần, biết tôi quê ở Bắc Ninh nên Bác đã đồng ý nghe tôi hát một bài quan họ. Nghe xong, bác khen: “Cháu hát hay đó”. Rồi khi thấy tôi trả lời tên là Dương Thị Hoa, Bác đã nói: “Bác sẽ đặt lại tên đệm cho cháu, giờ cháu chọn là Mai Hoa hay Kim Hoa? Vì nghĩ rằng tỉnh Điện Biên, nơi ghi dấu công lao to lớn của Đại tướng, có hoa mai, nên tôi đã xin được nhận tên đệm là “Mai” mà Đại tướng đích thân đặt cho”.
Quá nhiều kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp nên như có linh tính mách bảo, từ sáng 4/10, chị Hoa thấy rất buồn, cứ đi đi lại lại như người mất hồn. “Cứ nghĩ đến lúc chăm sóc Bác, được Bác đặt tên, được Bác hỏi han hoàn cảnh gia đình… mà tôi không cầm nổi nước mắt. Đến chiều 4/10, khi Bác trút hơi thở cuối cùng, tôi chỉ biết dựa vào tường và khóc”, chị Hoa nhớ lại.
Vâng, khó có thể kể hết những tình cảm mà những chiến sĩ quân y khoa A11, Bệnh viện 108 đã dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với họ, Đại tướng không chỉ là một nhà chiến lược quân sự lỗi lạc mà còn là một người bác, một người ông vô vàn kính yêu. Mỗi khi kể về Đại tướng, chẳng một y, BS nào ngăn được dòng nước mắt nghẹn ngào, chan chứa tình cảm và sự nuối tiếc.
Ngày mai (13/10), Quảng Bình sẽ đón Đại tướng về với đất mẹ. Nhưng chắc chắn những kỷ niệm về Đại tướng, những công lao to lớn của Người sẽ còn mãi mãi trong lòng của mỗi chiến sĩ khoa A11 nói riêng và trong lòng người dân Việt Nam nói chung.
Phương Liên