Nắng lá rơi đầy...

Ba nghìn ngày kháng chiến, một nghìn năm trăm ngày chống chọi bệnh tật; những gì Người vượt qua đều đáng để ta phải nghiêng mình.

 

Hà Nội tháng Mười nhiều nắng và nhiều gió. Nhiều cả sắc lá vàng rơi đón Thu sang. Thế mà Người xa Hà Nội, xa cuộc sống, sau hơn một ngàn năm trăm ngày kiên cường trên giường bệnh, giành giật từng hơi thở, từng tia sống cho mình.

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện với Anh hùng phi công Lâm Văn Lích, tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước, được tổ chức tại Hà Nội ngày 28/12/1966. TTXVN


Kháng chiến ba ngàn ngày Người đã cùng cả dân tộc trải qua, bền bỉ, miệt mài, "gan không núng, chí không mòn" cho đến ngày chiến thắng tới.


Ba ngàn ngày ấy, Người là ngọn đuốc soi sáng cho những đường hành quân, những đường hào, đường núi. Người là niềm tin, là sự sát cánh cho những chiến sĩ Điện Biên, những dân công hỏa tuyến để lạc quan vượt qua hành trình "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non...". Vậy nên đêm chiến thắng Điện Biên, khi "Đuốc chạy sáng rừng. Chuông reo tin mừng. Loa kêu từng cửa. Làng bản đỏ đèn, đỏ lửa...", thì điều người dân hô vang là tên Chiến sĩ Điện Biên và tên Người như trong những dòng thơ của Tố Hữu:


"Hoan hô chiến sĩ Điện Biên


Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp!"


Một ngàn năm trăm ngày ấy, Người vẫn luôn là nơi bao trái tim con dân Việt hướng tới, dẫu có những lúc trong cuộc sống bộn bề và hối hả, người ta có thể chợt quên, chợt lãng đi những cảm xúc về Người. Nhưng chỉ một cái tin thôi, là "hình như bác Giáp" mất, là tim ta thấy nhói, là phải hối hả gọi điện để xác nhận xem đúng hay sai. Nhớ những lần hóa ra chỉ là "tin đồn", và ta thở phào một cái. Thở phào bởi lẽ, dù Người nằm đó, dù là máy móc chăng dây, dù có thể những "chỉ đạo, quyết sách" chỉ còn là kỷ niệm trong những cuốn sách viết về Người, những cuốn sách của Người - mà năm nào các NXB cũng đều cho ra mắt; thì Người vẫn giống như một ngọn đuốc âm ỉ, giữ lửa cho cả dân tộc ta.


Ngọn đuốc và ngọn lửa ấy đã như ánh sao băng, vào giây phút vì sao tắt. Người ra đi, lòng ta hẫng hụt, nhưng lại cũng khiến lòng ta nở hoa. Nở hoa với một niềm tin vào tinh thần dân tộc, vào ý chí đồng bào, vào những điều tốt đẹp trong đạo lý làm người thì ra lâu nay chỉ ngủ quên chứ không phải biến mất. Ta chợt hiểu cuộc sống không phải chỉ có những mặt trái đầy rẫy, không phải chỉ có những con người đang ngày ngày ngủ trong giường chiếu hẹp, để "giấc mơ con đè nát cuộc đời con", niềm vui hàng ngày có khi chỉ là một bữa ăn ngon, một bữa nhậu có đông bè bạn, đếm từng năm qua mốc những ngày nghỉ và ngày làm việc, không khác gì một chiếc đồng hồ vô tri. Và thường xuyên chặc lưỡi, xã hội này loạn rồi, mà chẳng bao giờ nhìn xem mình đang ở đâu trong cái xã hội ấy và mình đã làm được gì cho dù chỉ là góp một hạt cát sạch cho xã hội mà thôi.


Người ra đi và lòng người ấm lên, cái lạnh lâu nay bỗng nhiên tan biến. Người ta bỗng nhiên hiểu mình không thể cứ vô tâm nữa, cứ sống mòn, sống nhạt nữa, cứ sống yên ổn và an phận nữa. Người ta chợt hiểu dù có thể thế giới đã tiến lên rồi, hiện đại đã thay thế nhiều thứ cổ xưa rồi, nhưng có những điều sẽ không bao giờ được phép cũ.


Không được phép cũ tình cảm giữa người với người. Không được phép cũ sự yêu thương, đùm bọc, sự sát cánh máu mủ của "con Hồng, cháu Lạc". Không được phép cũ ý chí đấu tranh cho một xã hội phải tốt đẹp lên, ít nhất hãy tốt đẹp như những gì cha ông ta đã làm khi đổ máu giành độc lập. Không được phép cũ cả tình yêu và sự tôn trọng với quá khứ, với những con người đã dám hy sinh bản thân mình, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, coi cuộc sống của mình chỉ là 1 viên gạch để xây ngôi nhà chung của dân tộc.


5 ngày để xếp hàng trước cửa nhà số 30, thêm 1 ngày để tưởng vọng và 2 ngày để đưa Người về nơi an nghỉ cuối cùng, triệu triệu trái tim hướng về nơi ấy, về Thủ đô mùa thu vàng nắng Ba Đình, về nhà số 30 nơi Người bao năm gắn bó, về viện 108 nơi Người trút hơi thở cuối cùng, về nhà số 5 Trần Thánh Tông nơi Người đang an nghỉ. Không bất ngờ khi người dân sẽ đứng dọc đường tiễn đưa Người về với quê hương Quảng Bình. Không bất ngờ khi nước mắt khóc Bác Hồ giờ sẽ được dành khóc Bác Giáp. Và cũng sẽ không bất ngờ khi từ nay người Việt Nam sẽ phải sống khác, sống khác đi nhiều sau khi đã có thể tự bứt mình ra khỏi cái vỏ bọc nhạt nhẽo lâu nay.


Thế nào là Anh Hùng, thế nào là Cách Mạng, thế nào là Lịch Sử Dân Tộc... Tất cả những điều "mù mờ" lâu nay, giờ giới trẻ dường như đã hiểu rất rõ.
Thế nào là Niềm Tin, thế nào là Hy Vọng... Tất cả những điều "phủ bụi" lâu nay, giờ giới già đã có thể an tâm về những tín đức cao cả sẽ trở lại.


Ta tin có những điều không thể chỉ là "khoảnh khắc". Ta tin có những ánh sáng mà khi người ta vươn lên tới đó rồi, thì sẽ không thể nào lại tiếp tục tự mình chìm trong bóng tối nữa.


Nên ta tin, với ngọn lửa Người đã thắp lên vào giây phút cuối, Dân Tộc Việt Nam sẽ lại Chuyển Mình!


P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN