Thu gom, tái chế rác thải nhựa
Theo Hiệp hội nhựa Việt Nam, chỉ số tiêu thụ nhựa hiện nay trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh, khoảng 50 kg/năm/người. Sản phẩm nhựa Việt Nam được chia làm các nhóm chính, gồm nhựa bao bì (39%), nhựa gia dụng (32%), nhựa vật liệu xây dựng (14%), nhựa công nghệ cao (9%) và nhóm còn lại (5%).
Mặc dù nhận thức và ý thức trách nhiệm của cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân đã có những chuyển biến tích cực, cùng với đó tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn tăng dần theo các năm, trong đó có chất thải nhựa và túi ni-lông, tuy nhiên Việt Nam vẫn tạo ra khoảng 1,83 triệu tấn nhựa không được quản lý hàng năm.
Chất thải nhựa dùng 1 lần và túi ni-lông phát sinh từ sinh hoạt, tiêu dùng, cùng với nhựa phế liệu phát sinh từ cơ sở sản xuất đang là mối đe dọa lớn đến môi trường. Trong khi đó, hiện việc phân loại, thu gom rác chưa được thực hiện tốt tại nguồn; đặc biệt những chất thải nhựa không có hoặc có giá trị tái chế thấp như túi ni-lông, hộp xốp, ống hút… khó phân hủy đang được xả thải ra môi trường.
Thống kê dân số của 5 quốc gia Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan có khoảng 3 tỉ người, trong đó gần 1 tỉ dân sống gần sông, hồ, biển… và thải khoảng 176.000 tấn rác thải nhựa mỗi ngày, tương đương với 64 triệu tấn/năm. Rác thải nhựa trên biển đã trở thành một vấn đề toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Bà Cao Lê Phương Thanh, đại diện Công ty Vietnam Lee & Man Paper MFG. LTD cho rằng, việc xả rác thải nhựa là yếu tố tất yếu trong đời sống con người, nên vấn đề là thu gom. Trong bối cảnh khan hiếm nguồn nguyên vật liệu cho sản xuất, tận dụng rác thải nhựa phục vụ sản xuất, theo xu hướng nền kinh tế tuần hoàn là yêu cầu cấp thiết đối với nhiều quốc gia.
Dẫn chứng cụ thể, bà Cao Lê Phương Thanh cho hay, bên cạnh tăng cường giám sát hoạt động sản xuất từ khâu nguyên liệu đến quy trình sản xuất, hiện nay công ty này đang sử dụng 95% nguyên liệu sản xuất giấy từ nguồn giấy tái chế. Đáng chú ý, sản phẩm của công ty đều là hàng hóa cao cấp, đáp ứng tiêu chuẩn nhiều thị trường xuất khẩu (hơn 40 nước).
Còn theo ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, rác là nguồn tài nguyên, nhưng nếu rác thải không được phân loại và tái chế hợp lý sẽ nguy hại cho môi trường và chất lượng sống của người dân. Do đó, trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực cải thiện chất lượng môi trường, công ty cũng chuyển đổi hoạt động theo hướng hiện đại hóa trang thiết bị để nâng cao chất lượng công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố.
Không dừng lại ở hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn, hoạt động thu gom và xử lý chất thải y tế cũng được công ty đầu tư công nghệ, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu xử lý ngày càng cao của thành phố. Cụ thể, với trang thiết bị phục vụ công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn, công ty đã đầu tư xe ép kín chuyên dụng. Việc đưa xe ép kín chuyên dụng vào hoạt động sẽ từng bước giúp giảm ô nhiễm thứ cấp trong quá trình thu gom rác thải.
Tiếp sức người dân phân loại rác
Từ năm 2013 đến nay, mô hình Khu phố Xanh kiểu mẫu, hỗ trợ người dân thực hiện và duy trì thói quen phân loại rác tại nguồn đã được triển khai tại quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, đã có hơn 2.000 hộ gia đình tại đây thường xuyên thực hiện phân loại rác tại nguồn và chuyển giao đúng lịch hẹn cho đội ngũ vệ sinh thu gom.
Mặt khác, mô hình Khu phố Xanh kiểu mẫu đã hỗ trợ người dân ở các tuyến đường Độc Lập, Lê Lư, Lê Khôi, Tân Sơn Nhì, Cây Keo, Trần Hưng Đạo và 9 lốc chung cư Tây Thạnh, quận Tân Phú, thực hiện phân loại rác tại nguồn trước khi chuyển giao. Trong năm 2019, mô hình tiếp tục được mở hoạt động tại 5 trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn quận Tân Phú và kế đến là quận Bình Tân.
Chị Nguyễn Thanh Ngân, Điều phối chính Tình nguyện viên của dự án mô hình Khu phố Xanh kiểu mẫu cho hay, điểm mới trong năm 2019 là ngoài việc hỗ trợ hướng dẫn người dân thực hiện phân loại rác thải thành ba loại (rác hữu cơ, rác tái chế và rác còn lại) để đổi quà, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cũng đưa vào ứng dụng phần mềm MGREEN (app mgreen) sử dụng trên điện thoại thông minh. Đây là phần mềm đầu tiên về môi trường được thiết kế để hướng dẫn phân loại rác thải, quy đổi điểm lấy quà hoặc liên hệ điện thoại để được hỗ trợ chuyển giao rác thải… Hình thức mới này sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực hơn cho người dân khi tham gia thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường.
Từ đầu tháng 8/2019, các cơ quan nhà nước đã chính thức khai tử các mặt hàng nhựa dùng 1 lần như chai nước, hộp thức ăn, túi đựng… trong khuôn khổ sinh hoạt từng đơn vị chính quyền. Bên cạnh đó, các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, trường học, cơ sở y tế không dùng ly nhựa, ống hút nhựa... sử dụng một lần trong tất cả hoạt động hàng ngày, tại hội nghị, hội thảo, cuộc họp.
Ông Nguyễn Như Khuê, Giám đốc Công ty Công nghệ hóa nhựa Bông Sen cho rằng, các đơn vị cần tập trung cho hoạt động giám sát quản lý thải nhựa, năng lực thu gom tái chế, công nghệ xử lý và quan trọng hơn hết là chấm dứt xả rác bừa bãi, cũng như phải phân loại rác từ nguồn. Nếu làm được điều này, sẽ giải quyết được triệt để vấn nạn ô nhiễm chất thải và còn thu hồi được nhiều nhóm nguyên liệu tái sinh cho sản xuất.
Căn cứ vào hợp tác quốc tế, Tiến sĩ Michael Parsons, chuyên gia Tư vấn chính sách cho biết, dự báo tại Việt Nam sẽ thành lập Trung tâm Nghiên cứu quốc tế, nhằm cung cấp cơ sở mang tính khu vực. Trong đó, Trung tâm sẽ hướng đến một số mục tiêu như nâng cao năng lực, tăng cường nhận thức của nhà sản xuất và người tiêu dùng, mở rộng phạm vi trách nhiệm của nhà sản xuất để hạn chế ô nhiễm rác thải nhựa. Song song đó, Trung tâm còn là nơi chia sẻ thông tin liên quan về nhựa và ô nhiễm rác thải nhựa; chính sách và công cụ liên quan đến rác thải nhựa.