Đảm nhận công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang từ năm 2016, thời điểm đó, chị Sùng Thị Dính đã có các buổi tuyên truyền, vận động chị em dân tộc thiểu số chăm sóc sức khỏe thai sản định kỳ.
Ba năm trở lại đây, thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, chị cùng các hội viên đã tích cực tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động, hình thức tuyên truyền, vận động chị em.
Thông qua Chiến dịch Dân số, các buổi sinh hoạt chi hội, họp thôn, hay chia thành các nhóm nhỏ cùng khu vực sinh sống, chị Sùng Thị Dính tuyên truyền, vận động các chị em DTTS, các gia đình có chị em mang thai... hiểu được vai trò, tầm quan trọng của việc chăm sóc thai kỳ đều đặn.
Trong đó, hình thức vận động theo từng nhóm đã mang lại hiệu quả tốt. Trong các buổi tuyên truyền theo nhóm, chị Sùng Thị Dinh đưa ra những ví dụ, câu chuyện của các chị đều đặn đi khám thai, con cái sinh ra khỏe mạnh... hoặc mời những chị em đều đặn đi khám thai, chăm sóc sức khỏe sinh sản, con cái sinh ra khỏe mạnh... để trò chuyện, chia sẻ lại câu chuyện, trải nghiệm của mình. Nhiều chị khi đi khám thai về vui vẻ “khoe” em bé khỏe mạnh, đi khám được nhận thêm quà mang về...
“Tôi đặc biệt chú ý đến những chị lớn tuổi đang trong thai kỳ, tôi đến tận nhà thăm, hỏi han công việc làm nương, chăn nuôi… sau đó dẫn dắt vào việc chăm sóc sức khỏe thai kỳ. Các chị ngại ngùng vì mang thai khi lớn tuổi, các lần mang thai trước không đi khám thai kỳ... nên không dễ để thuyết phục, thậm chí rủ các chị em khác không cần đi khám thai… Cùng với đó là việc làm sao thuyết phục gia đình các chị em mang thai tạo điều kiện cho họ đi khám, vì gia đình cho rằng các lần trước không đi khám, con cái sinh ra cũng không có vấn đề gì, nên không cần thiết đi khám thai, tốn thời gian, tiền bạc... Trong trường hợp như vậy, tôi nhờ những cô bác có uy tín ở thôn, xã, những người họ tin tưởng để phân tích, thay đổi nhận thức của họ", chị Sùng Thị Dính cho biết.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động chị em khám thai định kỳ, thì với những chị em lần đầu mang thai, chị Sùng Thị Dính làm thêm công tác chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc con và bản thân trước thai kỳ, trong thai kỳ và sau thai kỳ.
Chị kể, có những lần đi xe máy hơn 30 km, chở chị em đi khám thai, vì chồng của chị em đi nghĩa vụ quân sự. Hay những lần đến nhà vận động, chị em không có nhà, phải đi lại đến lần thứ 3, 4 mới có cơ hội gặp mặt, nhưng họ không trò chuyện, thậm chí đóng cửa nhà không tiếp… Dù tốn nhiều thời gian, công sức, nhưng chị Sùng Thị Dính cùng các hội viên phụ nữ xã Pả Vi vẫn cố gắng chia sẻ, động viên chị em khám thai định kỳ. Nhìn số chị em chủ động đi khám ngày càng tăng, chị Sùng Thị Dính cảm thấy vui mừng.
“Hiện, xã Pả Vi có hơn 300 chị em trong độ tuổi sinh sản, thống kê 6 tháng đầu năm 2024 có 55 chị mang thai (trong đó, 27 chị em đang trong thai kỳ). Tôi đều đặn tuyên truyền, vận động chị em trong 6 thôn, thu hút 427 người tham gia. Tín hiệu tích cực là có 46 trong số 55 chị em đi khám sức khỏe đầy đủ định kỳ, đạt 83,63% (tăng 11,14% so với cùng kỳ năm 2023), mỗi chị em đi khám ít nhất 3 lần trong thai kỳ. Tôi đang phấn đấu sẽ vận động được tất cả chị em sẽ khám thai định kỳ”, chị Sùng Thị Dính chia sẻ.
Việt Nam đặt mục tiêu đến 2025, trên 80% phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế, hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế. Để đạt được mục tiêu này, những năm qua, Hội LHPN các tỉnh, thành phố không ngừng tuyên truyền, vận động giúp chị em DTTS hiểu được vai trò, tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe thai kỳ.
Thống kê trong năm 2023-2024, tỷ lệ phụ nữ tại tỉnh Hà Giang đến cơ sở y tế khám thai và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vẫn ở mức thấp. Theo đó, số lượt phụ nữ được khám thai tại cơ sở y tế là gần 69.900, trong đó số phụ nữ DTTS khám thai 3 kỳ là hơn 9.800; số phụ nữ sinh đẻ tại các cơ sở y tế là gần 18.900, số phụ nữ sinh đẻ tại nhà ở mức cao, trên 3.450 ca.
Bà Lù Thị Hà, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Giang cho biết, tính đến ngày 30/6/2024, triển khai thực hiện 4 gói chính sách hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em, các cấp Hội đã hỗ trợ 2.680 phụ nữ đi khám thai và sinh đẻ tại cơ sở y tế và hỗ lương thực, dinh dưỡng cho bà mẹ nuôi con với tổng kinh phí toàn tỉnh chi trả 4 gói hỗ trợ trên 4,5 tỷ đồng.
“Các cấp Hội Phụ nữ Hà Giang đã tích cực tuyên truyền, vận động qua các hội nghị, các buổi sinh hoạt chi hội, câu lạc bộ, hội thi tìm hiểu, truyền thông tại cộng đồng, trường học; tuyên truyền thông qua hệ thống loa phát thanh ở cơ sở, tuyên truyền trên nhóm Facebook, Zalo của Hội... Qua đó, đã tổ chức được 529 cuộc truyền thông cho trên 19.000 người nghe về kiến thức sinh đẻ an toàn, các gói hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; tổ chức 7 lớp tập huấn cho 384 học viên là cán bộ Hội các cấp, cán bộ y tế, chỉ hội trưởng, cán bộ y tế thôn bản và tuyên truyền viên về triển khai 4 gói chính sách tại cơ sở…”, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Giang chia sẻ.
Tương tự, tại Nghệ An, với 5 DTTS chính, gồm: Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu (chiếm 15,2% dân số toàn tỉnh), sinh sống tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An, năm 2023, tổng số ca sinh ngoài cơ sở y tế là 460 ca, 6 tháng đầu năm 2024 có 205 ca sinh ngoài cơ sở y tế, chủ yếu thuộc vùng đồng bào DTTS. Vì vậy, công tác vận động chị em chăm sóc sức khỏe thai kỳ đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực lớn.
Hội LHPN tỉnh Nghệ An đã triển khai gói hỗ trợ bà mẹ và chăm sóc trẻ em, đến ngày 10/5/2024, toàn tỉnh Nghệ An đã chi trả chế chế độ, chính sách cho 67 bà mẹ sinh con tại cơ sở y tế, với tổng số tiền 161 triệu đồng.
Đồng thời, hàng năm, các cấp Hội đã tổ chức hàng trăm buổi truyền thông về các vấn đề đặt ra trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng cao và nâng cao nhận thức làm mẹ an toàn, chăm sóc sức khỏe trẻ em và vận động phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế. Trong đó, cấp huyện thu hút 12.750 lượt hội viên, phụ nữ tham gia và cấp xã là 18.750 lượt hội viên, phụ nữ tham gia. Đặc biệt ra mắt các mô hình “Câu lạc bộ hỗ trợ kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ về làm mẹ an toàn, chăm sóc sức khỏe trẻ em tại nhà”.
Trong thời gian tới, các cấp Hội LHPN trong tỉnh Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng trên các kênh truyền thông trực tiếp và gián tiếp;...