Phóng viên TTXVN đã đến thôn An Sơn, xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành đúng lúc chị em hội viên trong thôn tham gia sinh hoạt tổ góp vốn quay vòng.
Bà Lê Thị Thu (59 tuổi), Chi hội trưởng phụ nữ thôn, đồng thời là Tổ trưởng Tổ góp vốn quay vòng cho biết: Hầu hết hội viên đều sống bằng nghề nông, thu nhập bấp bênh và thường xuyên thiếu vốn nên Chi hội quyết định thành lập Tổ phụ nữ góp vốn quay vòng giúp chị em có vốn phát triển kinh tế.
Tổ góp vốn quay vòng thôn An Sơn ra đời năm 2018, lúc đầu, mỗi hội viên góp vài chục nghìn đồng/tháng và chỉ có một số hội viên tham gia. Đến nay (tháng 7/2024), thôn An Sơn đã có 3 tổ với 130 hội viên, số vốn quay vòng lên tới 130 triệu đồng, mức góp tăng lên vài trăm nghìn đồng/tháng, tùy điều kiện kinh tế của hội viên, mỗi tổ. Lúc đầu các chị em chưa hiểu được mô hình và chưa thấy hiệu quả nên còn e ngại tham gia. Chính những hội viên tham gia vào tổ đầu tiên trực tiếp đi vận động các chị em khác. Sau thời gian thực hiện, các chị em thấy hiệu quả do tổ mang lại nên mạnh dạn tham gia, bà Lê Thị Thu cho hay.
Số tiền tích góp hằng tháng sẽ đưa ra tập thể xét cho các thành viên vay với tinh thần tích lũy hàng năm, đồng vốn và lãi suất rất thấp (khoảng 10.000 đồng/triệu đồng/tháng). Số tiền được vay, các hội viên dùng để phát triển kinh tế hoặc sửa chữa nhà...
Chị Trần Thị Tùng, thôn An Sơn là một hội viên đã ổn định cuộc sống từ nguồn vốn quay vòng. Trước đây, gia đình chị thuộc diện hộ cận nghèo, hoàn cảnh rất khó khăn. Năm 2019, Hội Phụ nữ thôn đã cho chị vay 10 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay, chị mua lợn giống phát triển kinh tế, đồng thời mua máy xay xát lúa phục vụ gia đình cũng như bà con. Đến nay, kinh tế gia đình chị từng bước cải thiện, vươn lên thoát nghèo.
“Hồi đó, tôi cũng muốn vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế, nhưng sợ lãi cao, sợ thất bại không thể trả được nợ. Thật may mắn, khi đó tôi được Tổ góp vốn quay vòng của phụ nữ thôn xét cho vay vốn nhưng không thu lãi. Không những vậy, tôi còn được các chị em hướng dẫn cách làm ăn nên đến nay tôi đã có thu nhập ổn định”, chị Trần Thị Tùng nói.
Không chỉ hỗ trợ vốn, nhiều Hội Phụ nữ tại huyện Nghĩa Hành còn phát động phong trào giúp nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo bằng cách 5 người cùng giúp một người phát triển kinh tế. Việc làm này đã giúp hàng trăm chị em thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn.
Bà Ngô Thị Thứ (76 tuổi), thôn Nghĩa Lâm, xã Hành Nhân là hộ cận nghèo, tuổi cao, sức yếu, không có khả năng lao động nặng. Các chị em trong Tổ góp vốn quay vòng xét ưu tiên cho bà vay vốn trước. Đồng thời, 5 chị em khác cùng bàn giải pháp giúp bà Thứ phát triển kinh tế.
Tuổi cao, sức yếu, không có khả năng lao động nên các chị em đã khuyến khích bà mở tiệm tạp hóa phục vụ nhu cầu của bà con trong xóm. Đồng thời, tận dụng diện tích vườn để trồng cỏ, chăn nuôi bò. Nhờ đó bà đã có thu nhập ổn định và thoát nghèo.
Sau hơn 6 năm thực hiện, mô hình Tổ góp vốn quay vòng tại huyện Nghĩa Hành đã mang lại hiệu ứng tích cực. Mô hình không chỉ góp phần nâng cao đời sống vật chất mà còn hình thành ở hội viên phụ nữ ý thức tiết kiệm, tinh thần đoàn kết giúp nhau làm kinh tế, đem lại cuộc sống ấm no, đủ đầy.
Đến nay, tại Nghĩa Hành thành lập được 60 Tổ góp vốn quay vòng của phụ nữ tại 9/12 xã, thị trấn, số vốn gần 1,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hàng trăm lượt chị em được giúp đỡ với số tiền hàng tỷ đồng và cây, con giống các loại từ phong trào phụ nữ giúp nhau.
Tổ góp vốn quay vòng không chỉ góp phần nâng cao đời sống hội viên mà còn làm tăng thêm tình đoàn kết, tương thân, tương ái, phát huy nội lực của chị em để giúp nhau xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc. Đây cũng là động lực thu hút chị em tham gia vào tổ chức Hội, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh; góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen.
Thời gian tới, Hội sẽ nhân rộng mô hình này, góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu phụ nữ giúp nhau làm kinh tế do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đề ra - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nghĩa Hành Nguyễn Thị Kiều Hoanh cho biết.