Nỗ lực ‘thu hẹp thế giới trong lòng bàn tay’ của cán bộ kỹ thuật Thông tấn

Để dòng tin thông tấn luôn được liền mạch, thông suốt, lan toả đi xa hơn từ những ngày ác liệt bom đạn đến hôm nay là sự nỗ lực, sự sáng tạo không ngừng của lớp lớp thế hệ các kỹ thuật viên Thông tấn xã Việt Nam.

Chú thích ảnh
Thế hệ các kỹ thuật viên của Thông tấn xã trong thời chiến luôn nỗ lực, sáng tạo. Ảnh chụp tư liệu.

Bức ảnh phản chiến từ bên kia bán cầu và khả năng làm chủ kỹ thuật thu - phát

Cố Tổng giám đốc Thông tấn xã Đào Tùng đã từng nói: “Kỹ thuật phải có cái tai vạn dặm, để nghe được khắp, thu hẹp thế giới trong lòng bàn tay, Thông tấn xã khác với cơ quan báo là có cơ sở kỹ thuật”.

Đó cũng là sự ghi nhận về những đóng góp không nhỏ của đội ngũ kỹ thuật Thông tấn trong quá trình phát triển của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). Nhờ những nỗ lực của các thế hệ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật trong mọi hoàn cảnh, từ những ngày chiến tranh ác liệt, bom đạn tàn phá đến thời bình, khi công nghệ phát triển hoà nhập, những năm qua, Thông tấn xã Việt Nam luôn giữ vai trò đi đầu trong công tác thông tin.

Ông Nguyễn Tuấn Hùng, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn cho biết: “Hiện nay, các hệ thống kỹ thuật của Thông tấn xã Việt Nam đã được phát triển theo hướng hiện đại và phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, giúp cho việc trao đổi, hợp tác thông tin của TTXVN với khoảng 40 hãng thông tấn và báo chí quốc tế được thông suốt và khai thác thuận lợi. Những nỗ lực của Trung tâm đã góp phần quan trọng trong sự tăng trưởng mạnh mẽ về sản xuất và phân phối thông tin của TTXVN 5 năm qua, với 2,5 lần về số lượng thông tin và khoảng 5 lần về số lượng truy cập, vượt mốc 1 tỷ lượt năm 2019. Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn đã trở thành chỗ dựa đáng tin cậy cho đội ngũ phóng viên của TTXVN ở trong nước và nước ngoài, góp phần phát huy thế mạnh của TTXVN trong hệ thống báo chí cả nước”.

Những thành tựu đáng nể như ngày hôm nay, là sự tiếp nối liền mạch công lao gầy dựng, nỗ lực lao động, sáng tạo của các thế hệ kỹ thuật viên Thông tấn; nhất là thế hệ kỹ thuật viên trong những năm kháng chiến luôn nỗ lực đi đầu về kỹ thuật thu- phát, dù bom đạn tàn phá ác liệt nhưng những dòng tin vẫn không ngừng chảy.

Từ những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Thông tấn xã Việt Nam đã có được hệ thống thu phát ảnh (telephoto), là niềm tự hào rất lớn vì lúc đó chỉ có TTXVN mới xây dựng được hệ thống này, đặt nhờ tại tầng hầm của ĐH Tổng hợp Hà Nội để bảo đảm an toàn cho hệ thống máy móc trong thời điểm Mỹ bắn phá ác liệt. Hệ thống này có điểm mới là không thu phát tin bằng chữ, bằng phát thanh mà có thể phát ảnh qua các đường truyền sóng ngắn trong nước và ra thế giới. Đây cũng là công cụ truyền tin rất hiệu quả trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Là một trong những người đầu tiên tiếp cận, xây dựng hệ thống này, kỹ sư Trương Việt Cường (thuộc thế hệ kĩ thuật viên khóa 8 của TTXVN), không thể quên những khoảnh khắc nhờ telephoto ta đã thu được những bức ảnh giá trị, có tính tính chất lịch sử trong thời điểm đó, như bức ảnh Morison tự thiêu bên bờ sông Potomac để phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ.

Ông kể: “Ngay khi ngọn lửa bùng lên, ta đã có ngay bức ảnh phản chiến này do thu được ảnh của hệ thống thông tin phương Tây UPI, AP, Reteur phát ra. Telephoto cũng thu được những tấm ảnh khi Mỹ có kế hoạch cho máy bay B52 đánh phá miền Bắc và đã gửi ngay cho Bộ Quốc phòng để làm tin tham khảo. Thời kì này, TTX không chỉ có thông tin chính luận mà còn có thông tin tham khảo rất có ích với công tác chỉ đạo của Trung ương”.

Từ thời kỳ này, Thông tấn xã cũng tập trung phát triển thu- phát sóng, liên tục đặt ra những mục tiêu mới để hoà dòng thông tin ra ngoài thế giới.

Nhớ về những bước tiến vượt bậc của công nghệ thu-phát sóng trong những năm chiến tranh của Thông tấn xã Việt Nam, ông Phạm Lộc, người góp sức gây dựng công nghệ này từ những ngày đầu cho biết: “Ngay từ năm 1969, khi tôi được Thông tấn xã mời về làm việc tại Phòng kỹ thuật, tôi đã được cử sang Đức với nhiệm vụ với nhiệm vụ quan trọng là học hỏi để đưa kỹ thuật thu- phát ảnh F4 (digital - là kỹ thuật mới) về thay thế cho kỹ thuật A4 (analog) cũ. Lúc đó, nguồn thông tin từ châu Âu, châu Mỹ khó bắt được bằng kỹ thuật cũ do rất nhiễu. Nhiệm vụ trước tiên của chúng tôi là sử dụng máy móc, kỹ thuật để thu được dữ liệu từ các nước ở xa. Sang Đức, chúng tôi đặt vấn đề muốn dùng kỹ thuật F4 thay cho kỹ thuật A4 nhưng điều kiện là chỉ cải tiến trên hệ thống cũ. Sau khi về nước, khoảng cuối năm 1969- đầu 1970, tôi nghiên cứu, thay đổi một số mạch điện trong thiết bị thu của máy KMPU (Liên Xô) mà ta đang có để thu theo phương thức F4. Kết quả: Từ chỗ trước đây việc thu telephoto của hãng thông tấn các nước chỉ được từ 5-6 ảnh mỗi ngày, thì nhờ kỹ thuật mới, khả năng thu đã lên tới 50- 60 ảnh/ngày với chất lượng tốt”.

Chú thích ảnh
Ông Phạm Lộc, người kỹ sư với nhiều sáng kiến của đội ngũ Kỹ thuật Thông tấn.

“Tôi đã được cơ quan thưởng “nóng”, nâng vượt cấp lên 2 bậc lương một lúc, điều mà ít người có được. Đó cũng là "chiến công" đầu tiên khi tôi mới về cơ quan”, kỹ sư Phạm Lộc vui vẻ nhớ lại.

Nhờ kỹ thuật cải tiến, kỹ sư Phạm Lộc được cơ quan cử đi xây dựng đài thu- phát dự phòng T6 đặt ở huyện Quốc Oai, Hà Tây cũ (nay là Hà Nội), một trong các cơ sở thu- phát dự phòng chiến lược với kỹ thuật mới này, để sẵn sàng hoạt động nếu cơ sở chính bị bắn phá. T6 đã hoàn thành nhiệm vụ thu và phát tin ảnh dự phòng cho Thông tấn xã, đồng thời phát các bản tin của Việt Nam Thông tấn xã và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật cho các khu vực B1, B2, B3, B5 cùng các phân xã.

Đặc biệt trong trận "Điện Biên Phủ trên không" suốt 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội năm 1972, khi địch đánh vào Đài phát tín ở Đại Mỗ (cơ sở đài phát lớn của Tổng cục Bưu điện mà trước đó Thông tấn xã vẫn phát nhờ) khiến thông tin bị đứt đoạn, Đài T6 đã phục vụ đắc lực cho công tác tiếp nối thông tin.

Dựng trạm thu phát tin Thông tấn xã ngay trong doanh trại địch

Sau này, đội ngũ kỹ thuật của Thông tấn xã lại tiếp tục thành công trong nhiệm vụ cải tiến kỹ thuật phát, kịp thời phục vụ thông tin cho giai đoạn chiến tranh giải phóng miền Nam.

Ông Phạm Lộc nhớ lại: “Đầu năm 1975, tôi được giao nhiệm vụ gấp rút chuẩn bị để cải tiến kỹ thuật phát sau khi đã thành công với kỹ thuật thu F4. Lúc đó kỹ thuật phát vẫn đang dùng phương thức A4 với máy 10kW nên chỉ các nước gần trong khu vực châu Á mới thu được, còn xa như châu Âu, châu Mỹ không thu được. Cơ quan mời đồng chí Trưởng khoa Vô tuyến điện của Đại học Bách khoa Hà Nội sang cùng tôi nghiên cứu cải tiến máy phát để có thể phát được bằng phương thức F4”, ông Phạm Lộc nhớ lại.

Hai kỹ sư nghiên cứu ngày đêm và chỉ 10 ngày sau, đã làm ra được một bộ phụ, lắp trong chiếc hộp nhỏ có mạch điện nối sang phần kích thích của máy phát hiện tại để có thể phát F4. Khi chạy thử thành công thì cũng là lúc chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, kỹ sư Phạm Lộc mang kỹ thuật mới tăng cường cho Thông tấn xã Giải phóng, chuẩn bị làm thông tin giải phóng miền Nam.

Ngày 2/4, kỹ sư Phạm Lộc cùng đoàn phóng viên (trong đó có các phóng viên Lam Thanh, Văn Bảo, Phạm Vỵ, Trần Mai Hạnh, Nguyễn Hữu Chí và nhân viên vận hành sửa chữa máy nổ Phạm Văn Lược) do Tổng Giám đốc Đào Tùng dẫn đầu vào chiến trường miền Nam. Ông và các cán bộ kỹ thuật đã phát thử nghiệm tin, ảnh về Hà Nội và khẩn trương đào tạo cho đội ngũ kỹ thuật sử dụng thành thạo kỹ thuật phát mới F4.

Nhờ đó, những bức ảnh đầu tiên của phóng viên ảnh Văn Bảo cùng các bản tin của phóng viên Trần Mai Hưởng về giải phóng Sài Gòn đã kịp thời phát ra Hà Nội. Việt Nam Thông tấn xã là đơn vị đầu tiên truyền thông tin về giờ khắc chiến thắng đến với đồng bào cả nước.

Chú thích ảnh
Kỹ sư Trương Việt Cường trong những ngày làm công tác thông tin tại "Trại David". Ảnh chụp tư liệu.

Khi chiến sự vào lúc căng thẳng nhất, cũng là cũng là lúc các cán bộ kỹ thuật phải xả thân vào tận sâu trong lòng địch để ta có được những dòng tin nóng nhất phát ra trong và người nước.

Một sự kiện quan trong là khi tham gia làm thông tin cho phái đoàn LHQS bốn bên, hai bên ở “Trại David” (Doanh trại quân sự của Mỹ đặt trong căn cứ không quân Tân Sơn Nhất) vào cuối năm 1972 đầu 1973, kỹ sư Trương Việt Cường cùng các cán bộ phóng viên, kĩ thuật viên đã làm được những việc vượt quá sức tưởng tượng khi xây dựng thành lập hệ thống thu phát tin ngay tại trại David. Chỉ trong 24 giờ, hàng tấn máy móc thiết bị thông tin đã được các kỹ sư và kỹ thuật viên đưa vào sào huyệt của địch, lập trạm thu phát tin của ta.

Ông Trương Việt Cường nhớ lại: “Tôi phải trèo lên tháp nước của trạm lắp đường dây ăng ten. Đây là việc vô cùng nguy hiểm vì lính dù của địch ở các căn cứ xung quanh có thể bắn hạ bất cứ lúc nào. . Trong điều kiện bị cô lập, thiếu nhiều phương tiện, hệ thống thu phát tin của TTXVN tại ban Liên hợp quân sự đã hoạt động liên tục 483 ngày đêm cho tới ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.

Không những xây dựng cơ sở vật chất thông tin cho mình, ngay khi “ngơi tay” sau giải phóng, Thông tấn xã Việt Nam còn tiếp tục cử các cán bộ kỹ thuật đi xây dựng cho đất nước bạn Campuchia một cơ sở kỹ thuật thông tin hoàn chỉnh từ năm 1979 đến 1989. Khi được giao nhiệm các cán bộ kỹ thuật lại hăng hái lên đường.

Những năm qua, trên tuyến đầu thông tin, các cán bộ kỹ thuật của Thông tấn xã Việt Nam luôn nỗ lực, cống hiến hết mình. Mỗi thế hệ là những đóng góp không ngừng, không chỉ những ngày xây dựng cơ sở vật chất nền móng, mà cho đến sau này khi luôn bắt kịp công nghệ, liên tục cải tiến, đổi mới để hoà mình vào xu thế phát chung của thông tin với thế giới.

Theo ông Nguyễn Tuấn Hùng, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn, hiện nay Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thông tin, phát triển các loại hình thông tin mới như: Đồ họa, bảng thông tin điện tử và các loại hình đa phương tiện khác. Các hệ thống thông tin của TTXVN được bảo vệ vững chắc, trong bối cảnh diễn biến an ninh, an toàn thông tin trong nước và quốc tế diễn biến phức tạp. Quy trình quản lý an toàn thông tin theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 27001 tại Trung tâm đã được Viện tiêu chuẩn Anh BSI đánh giá và cấp chứng nhận năm 2019. Liên tục trong ba năm 2017-2019, Thông tấn xã Việt Nam được đánh giá là đơn vị dẫn đầu về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT ở Việt Nam trong số các cơ quan thuộc Chính phủ không có dịch vụ công.

Hiện nay, cơ sở kỹ thuật của Thông tấn xã Việt Nam đã đạt trình độ nhất nhì trong “làng Thông tấn” ở Đông Nam Á, xứng vai với các hãng Thông tấn quốc tế.​ Thông tấn xã đã trở thành ngân hàng tin ảnh và tư liệu báo chí của đất nước, giữ vai trò là trung tâm thông tin chiến lược, là nguồn thông tin chủ lực, chính thống, thể hiện quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, của nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với các vấn đề trong nước và quốc tế.

Theo ông Nguyễn Tuấn Hùng, trong thời gian tới, Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn xác định phương hướng phát triển là tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, phấn đấu đảm bảo hệ thống thông tin thông suốt, hạ tầng kỹ thuật an toàn, ổn định, ứng dụng các công nghệ thông minh để xây dựng, nâng cấp nền tảng kỹ thuật hiện đại, góp phần giữ vững và lan tỏa dòng chảy thông tin của TTXVN.

 

Tạ Nguyên/báo Tin tức
‘Hội sách trăng tròn - Nghênh lân phá cỗ’ tại Phố sách Hà Nội
‘Hội sách trăng tròn - Nghênh lân phá cỗ’ tại Phố sách Hà Nội

Với mong muốn tạo một không gian văn hoá dân gian trong dịp Tết Trung thu, tại Phố sách Hà Nội, Ban quản lý Phố sách sẽ tổ chức nhiều hoạt động truyền thống trong chương trình "Hội sách trăng tròn - Nghênh lân phá cỗ" vào ngày 26 và 27/9.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN