Nỗ lực giải quyết chính sách cho người có công

Thời gian qua, Bộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) và các địa phương đã tập trung giải quyết những trường hợp người có công chưa được hưởng chính sách do hồ sơ không đầy đủ; nhằm đảm bảo những người có công đều được hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Từ kết quả đợt tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi với người có công (NCC) trong hai năm (năm 2014 - 2015), các cơ quan chức năng đã có sự điều chỉnh chính sách, nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng NCC đều được hưởng các chính sách phù hợp.

Kịp thời điều chỉnh

Theo Cục Người có công (Bộ LĐTBXH), đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC và kết quả cho thấy số đối tượng hưởng đúng, hưởng đủ chính sách là 1.982.108 người (chiếm 95,75%), số đối tượng hưởng chưa đầy đủ chính sách là 86.201 người (chiếm 4,16%). Số đối tượng hưởng sai chính sách là 1.872 người, chiếm tỷ lệ 0,09%. Bên cạnh đó, có 63.551 trường hợp kê khai chưa được xác nhận NCC để hưởng chế độ, trong đó có hơn 10.000 trường hợp chưa được xác nhận là liệt sĩ, thương binh; chủ yếu tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Bắc.

Lãnh đạo Phòng LĐTBXH huyện Phú Xuyên kiểm tra đối chiếu mộ ghi danh liệt sĩ tại nghĩa trang xã Chuyên Mỹ với hồ sơ sau rà soát. Ảnh: XC

Trên cơ sở kết quả cuộc tổng rà soát này, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc, giải quyết được hơn 54.000 trường hợp chưa được hưởng đầy đủ chính sách.

Việc sớm phát hiện và kịp thời điều chỉnh bổ sung cho các đối tượng hưởng chính sách này, đã mang lại nhiều ý nghĩa với các gia đình NCC. Ông Vũ Hảo Tống (sinh năm 1949) tại thôn Kim Đôi, xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương) đi bộ đội từ năm 1965, vào chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị. Trong thời gian chiến đấu, ông đã bị ảnh hưởng chất độc hóa học và di chứng tới các con. Trong ba người con của ông Tống, có người con trai út sinh năm 1988, bị bệnh trí nhớ kém, không học hành được bằng bạn bằng bè, đến nay đã 24 tuổi chỉ quanh quẩn trong nhà với bố mẹ. Năm 2008 ông bắt đầu được hưởng chế độ dành cho người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học với tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 61%, mức hưởng là 1,8 triệu đồng.

Sau đợt tổng rà soát việc thực hiện chính sách NCC năm 2014, đối chiếu lại hồ sơ và chế độ hiện hành, ngày 31/10/2014, Sở LĐTBXH Hải Dương đã có Quyết định điều chỉnh trợ cấp đối với ông Vũ Hảo Tống từ hơn 1,8 triệu đồng lên 2,172 triệu đồng/tháng để phù hợp với chính sách áp dụng cho người bị suy giảm 61% sức lao động.

“Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, mức trợ cấp cho những người bị nhiễm chất độc hóa học như chúng tôi đã được tăng dần trong những năm qua”, ông Tống bộc bạch.

Còn tại xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), ông Nguyễn Đình Tuân, cháu liệt sĩ Nguyễn Đình Chè hy sinh trong kháng chiến chống Pháp cho biết: “Sau đợt tổng rà soát, chính quyền xã và huyện đã hướng dẫn gia đình hoàn thiện thủ tục để lập hồ sơ công nhận bác tôi là liệt sĩ. Do khu vực Phú Xuyên lúc đó là vùng tạm chiếm, nên giống như nhiều người, bác tôi tham gia kháng chiến trên tinh thần yêu nước, không có lệnh nhập ngũ. Do đó, việc kê khai dựa theo nhân chứng còn sống, tài liệu lịch sử xã và bia mộ nằm trong nghĩa trang liệt sĩ xã. Bộ Tư lệnh Thủ đô thông báo cho gia đình đã hoàn thiện hồ sơ gửi lên đơn vị chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ LĐTBXH để bác Nguyễn Đình Chè sớm được công nhận liệt sĩ và được cấp bằng Tổ quốc ghi công”.

Trăn trở với những tồn đọng

Theo Sở LĐTBXH Hải Dương, tỉnh còn tồn đọng 440 trường hợp chưa được công nhận thương binh, liệt sĩ. Đơn cử như trường hợp ông Nguyễn Văn Sáo và ông Vương Văn Sìu (thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách) được đề nghị xác nhận liệt sĩ, nhưng cả hai trường hợp thiếu những giấy tờ để chứng minh.

Theo bà Nguyễn Thị Gái (con dâu ông Nguyễn Văn Sáo), lúc ông Nguyễn Văn Quyền (con trai cụ Sáo, chồng bà Gái) còn sống, ông Quyền cũng đã ngược xuôi tìm giấy tờ, xác nhận đề nghị truy tặng liệt sĩ cho bố. Tuy nhiên, năm 2006, ông Quyền mất, mà thủ tục vẫn chưa xong. Trong cuốn lịch sử Đảng bộ xã An Lâm (huyện Nam Sách) có lưu thông tin về ông Sáo. Ông Nguyễn Văn Sáo từng làm giáo viên, được kết nạp Đảng, sau đó tham gia du kích ở xã và bị địch bắt đi tù Hỏa Lò và chết trong tù. Gia đình đã xin mang xác ông về chôn tại quê. Theo bà Gái, giờ gia đình rất mong được Nhà nước công nhận bố chồng bà là liệt sĩ để ghi nhận một phần đóng góp công lao của ông Nguyễn Văn Sáo.

Còn trường hợp ông Vương Văn Sìu, gia đình có đề nghị công nhận ông là người đã tham gia kháng chiến chống Pháp, bị địch bắt và tù đày. Theo các thông tin người nhà thu thập được, cụ Sìu từng tham gia bộ đội những năm 1948 - 1949 và bị địch bắt ở động Kính Chủ (huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), chuyển đi nhiều nhà tù và sau đó giam lâu nhất ở nhà tù Hỏa Lò. “Về sau này sau khi ra tù, cụ Sìu tiếp tục tham gia cách mạng và được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì. Các tư liệu này đã được khu dân cư Đồng Khê tập hợp lại cùng với đơn đề nghị và khai báo của gia đình, gửi lên các cấp trong đợt tổng rà soát chính sách người có công. Tuy nhiên, đến nay, gia đình và khu dân cư vẫn chưa thấy hồi âm từ cấp trên”, bà Cao Thị Út, vợ ông Sìu cho biết.

Ông Lê Tiến Xuân, Trưởng phòng LĐTBXH huyện Phú Xuyên (Hà Nội), cho biết: Trong số 35 trường hợp NCC chưa được công nhận là liệt sĩ của huyện, đến nay chỉ còn 7 trường hợp do không có con cháu, hoặc đi làm ăn xa nên không thể liên hệ để lập hồ sơ xét công nhận là liệt sĩ. Các trường hợp còn lại đều được lập hồ sơ xét công nhận. Điểm chung của các hồ sơ này đều là liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, hy sinh còn trẻ. Do đó, để tìm người làm chứng cùng thời kỳ rất khó vì thời gian cũng 60 - 70 năm. Nhiều hồ sơ phải làm đi làm lại nhiều lần.

“Bộ sẽ tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội sửa một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2012. Quan điểm của Bộ LĐTBXH là chấp nhận quy trình giải quyết theo từng tình huống để tháo gỡ. Còn chỉ căn cứ theo những quy định hiện hành yêu cầu hồ sơ gốc thì mãi mãi không thể giải quyết hết. Nếu các trường hợp mất hồ sơ nhưng người dân địa phương và các tổ chức chính trị xã hội chấp nhận, được công bố công khai thì cần xem xét tháo gỡ”.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung



Xuân Cường - Mạnh Minh
Xây dựng quy trình giải quyết phù hợp
Xây dựng quy trình giải quyết phù hợp

Theo bà Đỗ Thị Hồng Hà, Phó Cục trưởng Cục Người có công, các trường hợp chưa được công nhận là NCC đang được các địa phương thống kê, phân loại cụ thể và đề xuất hướng giải quyết, báo cáo về Bộ LĐTBXH.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN