Trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cũng đã làm việc tại một số địa phương như Thái Bình, Hà Nam... để tìm hiểu thực tế số hồ sơ tồn đọng và tìm hướng tháo gỡ khó khăn trong công tác làm thủ tục, hồ sơ công nhận NCC, tạo điều kiện cho những NCC được hưởng chính sách xứng đáng.
Thực tế những hồ sơ tồn đọng tại các địa phương nổi lên 2 vấn đề tồn đọng, gồm: Liên quan đến đối tượng thụ hưởng chính sách nhiễm chất độc da cam vướng trong việc xác định bệnh, tật, khám, giám định, phương pháp hoạt động và trách nhiệm của Hội đồng giám định y khoa; Các trường hợp tồn đọng đề nghị xác nhận NCC chủ yếu không có giấy tờ gốc hoặc chưa lập hồ sơ, phần đông là TNXP.
Với đối tượng là cựu TNXP, theo ông Nguyễn Cao Vãng, Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam: Thống kê của Hội, có 681 trường hợp TNXP hy sinh và 8.713 trường hợp bị thương nhưng chưa được công nhận là NCC. Một đặc điểm của cựu TNXP là không có giấy tờ gốc do khi hoàn thành nhiệm vụ, các đơn vị giải thể, không có cơ quan, đơn vị nào tiếp nhận bàn giao, quản lý hồ sơ, danh sách, giấy tờ liên quan... Do đó, việc yêu cầu các cựu TNXP khi tuổi đã cao, trí tuệ giảm sút phải cung cấp giấy tờ gốc hoặc tài liệu có liên quan chứng minh tham gia TNXP cho các cơ quan chức năng là điều rất khó.
Hội Cựu TNXP Việt Nam đề xuất quy trình giải quyết: Với những người có công là cựu TNXP, UBND xã ra quyết định thành lập Hội đồng thẩm định địa phương, thẩm định cụ thể từng trường hợp, có thể đưa đi giám định thương tật nếu có vết thương thực thể; đồng thời lấy xác nhận của Hội Cựu TNXP địa phương hoặc Ban liên lạc, sau đó công bố công khai tại địa phương để người dân cho ý kiến. Sau một thời gian nhất định, nếu không có ý kiến thì công nhận là thương binh.
Còn đối với đối tượng NCC là nạn nhân chất độc da cam, theo ông Lưu Hồng Sơn, Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐTBXH, Bộ LĐTBXH và Bộ Y tế đã họp bàn, thống nhất cách giải quyết theo các triệu chứng bệnh, quy trình thẩm định và sẽ sớm có hướng dẫn về các trường hợp này.
“Trước thực tế vướng mắc với những hồ sơ tồn đọng, Bộ LĐTBXH sẽ sớm sửa Thông tư 28. Bộ đang lấy ý kiến từ địa phương để xây dựng quy trình xử lý và đang triển khai áp dụng mô hình thí điểm; để ra văn bản hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ”, bà Đỗ Thị Hồng Hà, Phó Cục trưởng Cục Người có công, khẳng định.