Nỗ lực đảm bảo an toàn cho người dân vùng núi miền Tây Nghệ An

Đêm 26 và ngày 27/9, thời tiết diễn biến cực đoan trên địa bàn các huyện miền Tây xứ Nghệ như: Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Thanh Chương… khiến nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng, nhiều tuyến đường huyết mạch bị chia cắt do ngập lụt, sạt lở, hàng trăm hộ dân phải di dời, nhiều địa phương bị cô lập.

Hiện thiên tai chưa gây thiệt hại về người nhưng người dân nơi đây không thể quên hình ảnh lũ ống, lũ quét, nước sông dâng nhanh tràn vào nhà.

Chú thích ảnh
Nhà văn hóa trên địa bàn xã Châu Hội (huyện Quỳ Châu) bị ngập sâu hơn 1m.

Lũ về bất thường, nước sông dâng nhanh

Ảnh hưởng của những trận mưa lớn trong đêm 26, rạng sáng 27/9, nước lũ từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về cùng với việc các hồ chứa nước, hồ thủy điện trên địa bàn xả lũ điều tiết khiến nước sông Hiếu dâng nhanh bất thường trong đầu giờ chiều 27/9, khiến hàng chục hộ dân sinh sống dọc Quốc lộ 48 thuộc xóm Thái Lão, xã Yên Hợp, huyện Qùy Hợp (Nghệ An) bị ngập nặng.

Có mặt vào đầu giờ chiều 27/9, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam ghi nhận, suốt chiều dài hơn 1 km trên tuyến Quốc lộ 48 (nối huyện Qùy Hợp với các huyện miền núi Quỳ Châu, Quế Phong) rất nhiều tốp từ 5 - 7 người đang phụ giúp những gia đình bị nước ngập vào nhà khuân vác, vận chuyển, di dời đồ đạc, vật dụng, gia súc, gia cầm đi đến nơi khô ráo. Ngoài ra, lực lượng dân quân tự vệ của xã cũng tích cực tham gia giúp dân di chuyển đồ đạc, tài sản đến nơi an toàn.

Sau gần 1 giờ, nước lũ từ thượng nguồn đổ về càng nhiều, nước có chiều hướng dâng nhanh, tình trạng ngập sâu thêm, mọi người đều vội vã, tất bật. Những đồ đạc được người dân ưu tiên di dời, vận chuyển trước là tủ lạnh, ti vi, quạt điện, xe máy, nồi cơm điện, thóc gạo, chăn màn, quần áo…

Xóm Thái Lão (xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp) có hơn 200 hộ dân thì khoảng hơn 40 hộ có nhà ở cùng khu chăn nuôi, vườn cạnh nhà bị ngập nặng, buộc phải di dời người và đồ đạc, tài sản, vật nuôi của gia đình đến nơi an toàn. Có trường hợp nước ngập sâu trong nhà gần 2m, khu chăn nuôi nước ngập gần nóc chuồng. Nhiều nhà dân nước ngập sâu quá cửa sổ. Theo bà Trần Thị Minh ở xóm Yên Hợp (huyện Quỳ Hợp), nước lũ từ thượng nguồn đổ về sông Hiếu ầm ầm từ tối 26/9, rạng sáng đã dâng lên rất nhanh gây ngập úng nhà cửa, ruộng vườn khiến thóc, gạo đều bị ướt. May mắn, gia đình bà đã di dời được các cháu nhỏ đến nơi an toàn.

Đến cuối giờ chiều 27/9, nước lũ trên sông Hiếu vẫn đổ về, cuốn theo nhiều cành cây rừng, củi khô. Mực nước ngập tại khu dân cư xóm Thái Lão có chiều hướng tăng mạnh. Chủ động chạy lũ, nhiều hàng quán ngừng kinh doanh để di chuyển đồ đạc hoặc kê cao để “thoát” lũ. Những cơ sở xay xát gạo dọc Quốc lộ 48 đã thuê xe tải vận chuyển hàng chục tấn lúa, gạo đến nơi an toàn. Ông Chu Văn Ân (xóm Thái Lão, xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp) chia sẻ, từ nhiều năm qua, đợt ngập này là nặng nhất. Nước dâng nhanh, dâng cao bất thường khiến người dân bất ngờ. May mắn tình trạng ngập lụt xảy ra vào ban ngày nên người dân có thể chủ động, nếu vào ban đêm rất nguy hiểm.

Lũ ống bất ngờ, dân chạy “nạn” trong đêm

Chú thích ảnh
Người dân xã Yên Hợp (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) giúp nhau vận chuyển tài sản, đồ đạc để tránh lũ tại các gia đình đã bị ngập nặng. 

Khoảng hơn 3 giờ ngày 27/9, địa bàn miền núi xã Châu Hội (huyện Quỳ Châu) bất ngờ xảy ra lũ ống, lũ quét. Thời điểm xảy ra vào đêm tối, mất điện cục bộ nên nhiều hộ dân đã không kịp trở tay khiến nhiều tài sản, đồ đạc, vật dụng trong nhà bị lũ cuốn trôi, hỏng hóc. Đến sáng cùng ngày, lũ thượng nguồn đổ về mạnh làm mực nước sông Hiếu dâng cao, dâng nhanh khiến hàng chục nhà dân ở xã Châu Hội bị ngập sâu trong nước. Tuyến Quốc lộ 48 huyết mạch nối với huyện miền núi Quế Phong xuất hiện nhiều điểm ngập sâu, nước chảy xiết mang theo bùn đất khiến giao thông ách tắc nhiều giờ. Lũ ống, lũ quét cũng khiến nhiều diện tích hoa màu, công trình giao thông bị hư hại.  

Anh Lê Đức Huy (xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu) vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại, đến khoảng hơn 3 giờ ngày 27/9 thì lũ ống xảy ra. Nước, bùn, đất từ đâu đổ ầm ầm về trong lúc mưa đang rất to. Trước diễn biến quá bất ngờ, anh chỉ kịp hô hoán để mọi người trong gia đình tỉnh giấc, lao ra khỏi nhà. Khi lũ ống đi qua, ngôi nhà của anh bị ngập sâu gần đến mái, mực ngập cao hơn 2 m. Vật dụng, tài sản trong gia đình bị hư hỏng nặng. Chiếc xe máy để ngoài sân bị lũ cuốn trôi, được người dân tìm thấy nhờ những thân cây to chặn lại trước lúc trôi ra sông Hiếu.  

Anh Huy cho biết thêm, lũ ống xảy ra lúc đêm tối, cả khu vực mất điện nên rất khó khăn cho mọi người. Cống ngầm thoát nước sau nhà anh cũng bị lũ cuốn trôi, phá hỏng con đường khiến hai nhà dân phía trong chân núi đến chiều 27/9 vẫn bị cô lập. May mắn nhất là trường hợp một bà cụ có con trai đi làm ăn xa, ở nhà một mình bị lũ cuốn trôi ra hướng sông Hiếu nhưng may mắn ôm được vào thân cây. Người dân nghe được tiếng kêu đã cứu giúp kịp thời.

Dồn lực đảm bảo an toàn cho dân

Chú thích ảnh
Một điểm trên Quốc lộ 48 nối với huyện miền núi Quế Phong ngập sâu do nước lũ dâng cao khiến giao thông bị tê liệt. 

Thống kê sơ bộ của ngành Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp, đến chiều 27/9, toàn huyện có hơn 680 hộ dân bị cô lập vì cầu tràn bị ngập nước khiến 3 khu dân cư bị chia cắt. Cầu tràn bị ngập khiến bản Hợp Tiến (xã Châu Tiến) bị chia cắt; một cầu tạm bị sập khiến 3 bản của xã Châu Lý bị cũng chia cắt. Gần 190 hộ dân bị ngập nước; hơn 120 ha rau, 250 ha mía bị ngập úng; 70 ha ao hồ bị nước tràn bờ…

Ngay trong sáng 27/9, lãnh đạo UBND huyện Quỳ Hợp đã đi kiểm tra, chỉ đạo các lực lượng giúp dân di dời người và tài sản đến nơi an toàn; xử lý các điểm sạt lở trên các tuyến quốc lộ; lập rào chắn gác tại các điểm cầu tràn bị ngập lụt, các điểm bị sạt lở; triển khai công tác cứu trợ.

Tại huyện Quỳ Châu, đến chiều 27/9, hơn 1.000 hộ bị ngập. Các tuyến đường giao thông trọng yếu như 48A, 48B, 48D đều xuất hiện nhiều sạt lở. Hơn 440 ha lúa, hơn 90 ha mía bị ngập. 

Chiều 27/9, kiểm tra tình hình ngập lụt và chỉ đạo các phương án phòng, chống thiên tai trên địa bàn huyện Quỳ Châu cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ yêu cầu, chính quyền địa phương thực hiện tốt phương án 4 tại chỗ, bố trí lực lượng Công an, dân quân tự vệ hỗ trợ các điểm xung yếu, nhân dân di dời đến nơi an toàn và đảm bảo tài sản, kiên quyết di dời những hộ dân nằm trong vùng nguy cơ cao, ngập nặng; triển khai biện pháp xử lý các tình huống khi mưa lũ tiếp tục dâng cao, diễn biến bất thường. Huyện tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, cắm biển cảnh báo, hướng dẫn giao thông, nhất là ở những nơi cầu, tràn bị ngập và khu vực nước chảy xiết; tuyên truyền, vận động bà con tuyệt đối không đánh bắt cá trên các sông, suối khi trời đang mưa và nước sông đang chảy mạnh; khẩn trương kiểm tra, rà soát, thống kê thiệt hại để báo cáo kịp thời.

Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An yêu cầu, các địa phương bố trí lực lượng tại các điểm xung yếu 24/24 giờ; kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, tránh thiệt hại về người. Tại các vùng bị ngập, bên cạnh việc đảm bảo lương thực, thực phẩm nước uống cho nhân dân, địa phương cần tăng cường vệ sinh môi trường, phòng tránh dịch bệnh phát sinh.

Bài và ảnh: Xuân Tiến (TTXVN)
Nghệ An: Huyện miền núi Quỳ Châu thiệt hại nặng do lũ ống, lũ quét
Nghệ An: Huyện miền núi Quỳ Châu thiệt hại nặng do lũ ống, lũ quét

Khoảng hơn 3 giờ ngày 27/9/2023, trên địa bàn huyện Qùy Châu (Nghệ An) bất ngờ xảy ra lũ ống, lũ quét lớn. Vì lũ xảy ra trong đêm tối nên nhiều hộ dân không kịp trở tay khiến nhiều tài sản, đồ đạc, vật dụng trong nhà bị lũ cuốn trôi, hỏng hóc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN