Bỏ “phố về vườn”, cô gái trẻ Nguyễn Thị Thu Phương (sinh năm 1992, xã Phú Lộc, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) quyết tâm khởi nghiệp trên chính quê hương mình với khát vọng tìm đầu ra cho hạt mắc ca. Sau hơn 4 năm, mô hình khởi nghiệp của Phương ngày càng thành công, góp phần khẳng định thương hiệu sản phẩm, vừa truyền lửa cho phong trào khởi nghiệp lập nghiệp ở tỉnh Đắk Lắk vừa góp phần đưa mắc ca Việt Nam vươn ra thế giới.
Bại không nản
Thu Phương là con gái út trong gia đình có 4 anh chị em. Tốt nghiệp Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng vào năm 2014, Phương ở lại “thành phố đáng sống” làm đủ nghề với mong muốn lập nghiệp ở nơi đây. Tuy nhiên, cô tự nhận thấy bản thân không có "duyên" với Đà Nẵng. Trở về quê nhà đúng thời điểm người dân Krông Năng thu hoạch mắc ca, Phương trăn trở khi thấy nông dân phải loay hoay tìm đầu ra cho loại nông sản này. Qua tìm hiểu, Thu Phương nhận thấy, đây là cơ hội khởi nghiệp vì “ít người làm thì nhiều cơ hội”.
Nghĩ là làm, Phương mua máy dập hạt, máy sấy - hút chân không về khởi nghiệp. Thời gian đầu, máy móc, kỹ thuật sấy và khâu bảo quản chưa chuẩn nên sản phẩm bị hư hỏng, lỗ gần 60 triệu đồng, Phương hơi nản. Được người thân động viên tinh thần, Phương lại miệt mài vào công việc. Cuối cùng, thành công đã mỉm cười với Thu Phương khi các mẻ mắc ca thơm ngon, béo ngậy ra lò, nhận được phản hồi tốt. Thương hiệu “Mắc ca Nguyên Phương”, “Damaca Nguyên Phương” xuất hiện từ đó. Năm 2017, công ty hoạt động ổn định, xuất ra thị trường 25 tấn hạt mắc ca, trừ chi phí, lợi nhuận thu về 450 triệu đồng.
Năm 2018, Thu Phương tham gia cuộc thi "Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk lần thứ 1" và giành giải Nhất. Sau đó, cô tham gia chương trình "Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank Việt Nam" năm 2019 và kêu gọi được 5 tỷ đồng tiền vốn. Hai sự kiện này là “bước đệm” thành công của Phương, giúp doanh nghiệp có nguồn vốn ổn định để hoạt động và mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh; khẳng định thương hiệu trên thị trường, khách hàng tìm đến nhiều hơn.
Hai năm qua, cô gái trẻ Thu Phương không ngừng học hỏi, nghiên cứu, cho ra thị trường một số sản phẩm mới như nhân mắc ca trần, sôcôla mắc ca, dầu mắc ca và đang nghiên cứu cho ra sản phẩm sữa bột mắc ca. Đồng thời, Phương cải cách quy trình, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm. Phương cũng đã đầu tư 4 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị với công suất 300 tấn/năm. Sản phẩm của công ty được nhiều người biết đến, năm 2020 đã xuất ra thị trường khoảng 70 tấn hạt mắc ca. Hiện nay, sản phẩm của công ty mang thương hiệu "Damaca Nguyên Phương" đã xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada, Đài Loan, Pháp.
Theo ông Phạm Đông Thanh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk, Thu Phương là tấm gương sáng về khởi nghiệp, lập nghiệp ở tỉnh Đắk Lắk. Trong những năm qua, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk đã hỗ trợ Phương cùng công ty tham gia các hoạt động giao thương kết nối, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mạị. Phương là cô gái nhanh nhạy, am hiểu thị trường, biết tận dụng lợi thế sẵn có, tận dụng tốt các mối quan hệ và biết tìm tòi, chinh phục thị trường khó tính như châu Âu.
Không chỉ nhanh nhạy tìm kiếm thị trường và sử dụng hiệu quả các kênh để kinh doanh, trong những năm qua, Thu Phương còn là đại diện trẻ tiêu biểu của tỉnh Đắk Lắk tham dự nhiều sự kiện quan trọng của đất nước như: Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X (tháng 1/2021), Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp toàn quốc năm 2020, Hội nghị phát triển cây mắc ca Việt Nam... Năm 2019, Thu Phương vinh dự là một trong 34 thanh niên tiêu biểu toàn quốc nhận giải thưởng Lương Định Của.
Phương tâm đắc nhất với Hội nghị phát triển cây mắc ca do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, diễn ra tại tỉnh Đắk Lắk vào tháng 9/2020. Sự kiện có ý nghĩa quan trọng này đã góp phần tạo dựng thương hiệu, khẳng định vị thế của ngành mắc ca, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền, đơn vị truyền thông, chuyên gia với ngành mắc ca. Qua hội nghị, bản thân Phương và các doanh nghiệp khác dễ dàng vạch định đường đi, hoạch định định hướng phát triển của công ty trong thời gian tới. Phương cũng kỳ vọng, sau thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đảng lãnh đạo toàn diện sẽ giúp đất nước phát triển về mọi mặt, trong đó có phát triển sản xuất nền nông nghiệp công nghệ cao và nền nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển theo đúng vị thế đang có và ngày càng tăng trưởng cao.
Nỗ lực vượt bão dịch
Năm 2020 là năm khó khăn, năm thử thách đối với Phương và công ty bởi ảnh hưởng dịch COVID-19. Nhiều kế hoạch hoạt động của công ty, dự định mở rộng sản xuất và cho ra sản phẩm mới bị hoãn. Có những thời điểm, công ty phải cắt giảm chi phí hoạt động, đồng thời sử dụng kênh bán hàng online và phương thức kinh doanh phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.
Phương cho biết, giai đoạn diễn ra dịch bệnh có nhiều khó khăn nhưng cũng là cơ hội, tạo ra khoảng thời gian để doanh nghiệp nhìn nhận lại quá trình sản xuất kinh doanh, những điểm yếu cần cải tiến, xây dựng kế hoạch kinh doanh với nhiều kịch bản hơn. Phương tâm niệm: “Nếu đã chọn con đường kinh doanh, phải vững tin và vững tâm đi. Áp lực sẽ qua, dịch bệnh cũng sẽ hết. Cuộc chơi nào cũng vậy, ai kiên trì, người đó đi xa”. Trong bối cảnh dịch bệnh, sản phẩm của công ty Phương đã tiến sang thị trường Hàn Quốc, Pháp thành công trong năm 2020.
Bên cạnh đó, cô gái 9X trăn trở về thương hiệu sản phẩm hàng hóa nông nghiệp của Việt Nam, trong đó, thương hiệu của các sản phẩm mắc ca chưa mạnh; các doanh nghiệp, hộ kinh doanh không đăng ký kinh doanh và vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều, dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh trong ngành, gây ảnh hưởng chung đến thương hiệu về sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.
Chia sẻ về những dự định trong năm 2021, nữ doanh nhân 29 tuổi Nguyễn Thị Thu Phương cho biết, công ty sẽ liên kết với người dân địa phương xây dựng vùng nguyên liệu chuẩn khoảng 100 ha và liên kết với một số tập đoàn sản xuất các sản phẩm hữu cơ. Đồng thời, công ty mở rộng nhà xưởng, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nghiên cứu nhu cầu và hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tại châu Âu. Theo Phương, để đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU và xuất khẩu sản phẩm qua EU, mắc ca còn thiếu nhiều điều kiện, thách thức lớn và con đường rất dài. Các doanh nghiệp phải nỗ lực và tiến lên.
Bản thân là phụ nữ, Phương nhận thấy mình có nhiều lợi thế trong kinh doanh, có thể đàm phán nhẹ nhàng và khéo léo, nhận được nhiều sự ủng hộ, ưu đãi. Mặt khác, được gia đình, chồng, người thân ủng hộ, Phương có nhiều thời gian dành cho công việc, thoải mái làm việc bản thân thích và đam mê. Ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh, trong 4 năm nay, Phương còn đảm nhiệm chức danh Bí thư chi Đoàn thôn và Chủ tịch Chi hội Doanh nhân trẻ huyện Krông Năng. Cô gái năng động này đã luôn nhiệt huyết chia sẻ, tư vấn, hỗ trợ các bạn trẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, đồng thời tích cực tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương.
Theo Chủ tịch UBND huyện Krông Năng Trương Hoài Anh, "Damaca Nguyên Phương" là doanh nghiệp trẻ, năng động của huyện. Công ty không chỉ quy tụ thành viên, hợp tác xã thành vùng trồng mắc ca, đảm bảo đầu ra cho nông dân mà còn tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 30 lao động tại địa phương. Sản phẩm của "Damaca Nguyên Phương" vừa đạt chứng nhận "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP) hạng 4 sao. Đây là tin mừng không chỉ của doanh nghiệp mà còn là của ngành Nông nghiệp huyện trong phát triển bền vững cây mắc ca. Phương cũng đã có nhiều nỗ lực trong dìu dắt Chi hội Doanh nhân trẻ huyện Krông Năng hoạt động, bước đầu có những khởi sắc thu hút đầu tư, tạo niềm tin cho thanh niên về khởi nghiệp lập nghiệp.
Với Thu Phương, để thành công phải “không sợ thất bại”, chú trọng chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm, cùng với đó phải có sự tự tin, kiên trì, ham học hỏi. Nhờ đó, cô gái 9X luôn cần cù nỗ lực này, là điển hình tiên tiến của tỉnh về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, điển hình thanh niên toàn quốc khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần đưa giá trị nông sản Việt tiến xa ra thị trường lớn.
Từ người làm thuê trở thành làm chủ
Trong khi đó, chị Lê Thị Thuận (xã An Điền, Thạnh Phú, Bến Tre) và chị Phạm Thị Ngọc Loan, (xã Vang Quới Tây, Bình Đại, Bến Tre) làm thuê, bươn chải mọi cách để lo cuộc sống, nhưng cái nghèo vẫn mãi đeo bám không buông. Để rồi từ các nguồn vốn nhỏ được hỗ trợ, hai chị đã tận dụng tối đa cùng với thay đổi cách làm ăn và tiết kiệm, tích lũy mỗi ngày mà nay đời sống gia đình họ đã ổn định, con cái được học hành đến nơi đến chốn, trở thành tấm gương thoát nghèo bền vững ở xứ dừa.
Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, hơn 10 năm trước, chị Phạm Thị Ngọc Loan, xã Vang Quới Tây “bỏ xứ” lên Thành phố Hồ Chí Minh làm thuê đủ nghề từ phụ bán quán cơm, làm công nhân may ở công ty… Lương công nhân may tuy đủ sống nhưng vì phải trang trải nhiều việc nên chẳng dư dả. Đúng thời điểm mẹ chị ở quê ốm cần người chăm sóc, vậy là chị Loan về quê.
Về quê, sẵn nghề may từ lúc còn làm công nhân, chị Loan mua máy may về may gia công quần áo cho mối quen ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ tay nghề khéo, chị được đặt thêm nhiều đơn hàng. Một mình làm không xuể, chị Loan gom góp mượn tiền mua thêm ba máy may để thuê thợ về may phụ.
Đơn hàng mỗi lúc càng nhiều, nhưng tài chính có hạn. Chị Loan đã tìm đến Ngân hàng chính sách xã hội và được hỗ trợ cho vay diện hộ cận nghèo 12 triệu đồng, đồng thời được Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre hỗ trợ chị 4,7 triệu đồng. Với nguồn tiền này, chị Loan đầu tư thêm máy may, nhận thêm thợ. Nhưng khó khăn xuất hiện, các chị em thợ may ở quê chủ yếu “tay ngang” nên may áo quần không được đẹp. Vốn kĩ tính, sợ hàng xấu, đối tác sẽ không làm ăn lâu dài nên chị Loan đổi hướng sang nhận hàng về may áo gối, chăn, ga. Vì đây là sản phẩm dễ may, không cầu kì, không đòi hỏi kỹ thuật, chỉ cần nhìn mẫu sẵn và chị Loan hướng dẫn là các chị em thợ may có thể may theo được.
Từ làm thuê cho công ty, sang tự làm, rồi trở thành bà chủ lúc nào không nhớ. Từ một máy may năm 2014 đến nay cơ ngơi của chị Ngọc Loan là 40 máy. Xưởng may lúc nào cũng nhộn nhịp tiếng nói cười của các thợ may hòa cùng tiếng máy may, tiếng kéo cắt vải lách cách.
Ngoài thợ ở xưởng may, còn có thợ nhận hàng về gia công tại nhà, tổng cộng khoảng 50 chị em ở xã làm công cho chị Ngọc Loan. Phần lớn các chị em ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, không có việc làm ổn định. Nhưng từ khi đến với xưởng may của chị Loan, họ có công việc và thu nhập ổn định mỗi tháng.
Chị Loan chia sẻ, chị ưu tiên nhận thợ may là các chị em có hoàn cảnh khó khăn, chưa có việc làm ổn định. Đối với những thợ mới vào, tay nghề chưa có, chị đào tạo không nhận tiền và còn trả lương cho chị em. Lương mỗi người thợ làm cho chị Loan bình quân từ 3 triệu đồng-9 triệu đồng/tháng.
Thời gian qua, nhiều công nhân làm việc ở một số công ty gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh thì các thợ may gia công ở xưởng chị Loan vẫn nhận hàng về nhà may và có thu nhập đều đặn.
Là người mới “chân ướt chân ráo” về quê chồng ở xã Vang Quới Tây, chị Hồ Thị Phượng Em, ấp Vinh Hội chưa biết làm nghề gì để có thu nhập. Chị Em được giới thiệu đến chị Loan. Mặc dù, xưởng may đã kín chỗ nhưng khi biết được hoàn cảnh của chị Phượng Em là hộ cận nghèo, không có đất sản xuất, hai vợ chồng chỉ đi làm thuê, thu nhập bấp bênh, chị Loan thương tình nhận ngay.
“Mới vào chưa may quen, chị Loan hướng dẫn cho may, không lấy tiền thù lao, mỗi tháng chị còn trả tiền công. Sau ba tháng may, hiện nay mỗi tháng tôi cũng thu nhập được 3 triệu đồng. Có việc ổn định, ở gần nhà lo cho gia đình thấy đỡ vất vả hơn lúc ở trọ đi làm công nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh”, chị Phượng Em chia sẻ.
Hiện, mỗi ngày xưởng may của chị Ngọc Loan xuất đi trên 1.000 bộ áo chăn, gối, ga. Chị Loan cũng có "tham vọng" mở rộng thêm xưởng may, mua thêm máy may, nhận thêm nhân công nhưng chị chia sẻ phải đi từ từ từng bước để cho chắc chắn. Đầu ra nhiều nhưng chưa dám nhận thêm vì sợ kiểm soát chất lượng không xuể, mất uy tín sẽ mất mối hàng.
Từ những thành công trong công việc và hỗ trợ các chị em phụ nữ khó khăn có việc làm ổn định, năm 2018, chị Phạm Thị Ngọc Loan được trao giải thưởng Doanh nhân vi mô tiêu biểu tại Việt Nam (gọi tắt là giải thưởng Citi Việt Nam). Mặc dù, giờ đã là “bà chủ” nhưng chị Ngọc Loan chỉ cười vui, không nhận mình là bà chủ, chị chỉ chia sẻ khiêm tốn: “Giờ mình làm chủ chính mình, chứ không phải làm thuê cho người ta nữa. Còn ở đây mọi người như chị em với nhau thôi”.
Thoát nghèo từ đồng vốn nhỏ
Cách đây 5 năm, gia đình chị Lê Thị Thuận, xã An Điền, thuộc hộ nghèo lại không có đất sản xuất. Vợ chồng và ba đứa con sống trong căn nhà tranh lụp xụp và chỉ có 4.000m2 đất ruộng. Vợ chồng chị chỉ có nghề làm thuê, làm mướn để lo cho ba đứa con ăn học và trang trải cuộc sống hằng ngày.
Mỗi khi đến năm học mới, để có học phí cho các con nhập học, vợ chồng chị phải nhận mấy chục công ruộng (mấy chục nghìn m2) để cấy cho người ta. Với hy vọng cho các con có nghề nghiệp ổn định, không phải cảnh "quần áo lấm lem bùn đất" như anh chị mà ai thuê, ai mướn gì cũng làm. Nhưng dù làm chăm chỉ ngày đêm cũng không khá lên được.
Thấy hoàn cảnh gia đình chị Thuận khó khăn nên Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre cho gia đình chị vay 4,7 triệu đồng. Với đồng vốn nhỏ, chị Thuận mua cua giống về nuôi dưới ruộng lúa. Một năm sau, từ tiền bán cua với tiền tiết kiệm từ làm thuê, chị mua con bò cái về nuôi.
Từ con bò cái giống, sau 5 năm chăm sóc, đến nay gia đình chị đã có 5 bò nái. Bình quân mỗi năm, bò cái đẻ được ba con bò con, con đực đem bán, con cái thì để lại tiếp tục làm giống. Chị Thuận nhẫm tính mỗi năm nếu có ba con bò đực con để bán thì cũng được 60 triệu đồng, nếu là con bò cái con thì tiếp tục đẻ giống.
Nuôi bò vài năm trở lại đây có giá, lại phù hợp với gia đình không có đất sản xuất, thích hợp với vùng ruộng lúa dễ bị nhiễm mặn như xứ An Điền này. Chị Thuận mạnh dạn, chuyển đổi 4.000m2 đất ruộng lúa sang trồng cỏ nuôi bò. Nhờ khéo léo cộng với bản tính siêng năng, chịu khó mà vợ chồng chị Thuận vừa có tiền cho các con ăn học vừa dần ổn định cuộc sống.
“Từ đồng vốn hỗ trợ ban đầu rồi nuôi bò mà đứa con đầu của tôi có thể theo học cao đẳng, nay đã có việc làm ổn định. Chúng tôi cũng có số vốn để cho đứa con thứ hai đi xuất khẩu lao động, mỗi tháng gửi tiền về phụ gia đình lo cho đứa thứ ba đi học. Nhờ vậy mà năm 2020, tôi mạnh dạn lên Ủy ban nhân dân xã nộp đơn xin ra khỏi hộ nghèo”, chị Thuận khoe.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Ba, Giám đốc Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tại Bến Tre, chị Phạm Thị Ngọc Loan và chị Lê Thị Thuận là hai trong nhiều gương phụ nữ tiêu biểu đã tận dụng được đồng vốn nhỏ được Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hỗ trợ.
Mặc dù, nguồn vốn của Quỹ đầu tư không lớn như những tổ chức tín dụng khác nhưng phù hợp với nhu cầu và khả năng của chị em, đáp ứng được những chị em cần có vốn để sản xuất nhỏ, mà không cần phải thế chấp.
Trong 5 năm qua, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre đã giúp đỡ 10.000 lượt khách hàng (trong đó phụ nữ chiếm 89%) tiếp cận nguồn vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh hộ. Các chị em vay vốn đầu tư vào mục đích trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán nhỏ,…
Trên 99% khách hàng vay vốn có tăng lên thu nhập, các chị em đã trả được vốn hàng tháng, còn gửi được tiết kiệm trong quỹ số tiền trên 11 tỷ đồng, số tiền tiết kiệm là nguồn lớn bổ sung vào nguồn vốn hạn chế của quỹ để giúp cho nhiều chị khác được vay vốn. Rất nhiều chị đã thay đổi được hoàn cảnh kinh tế gia đình, gần 500 thành viên thoát nghèo, trên 600 hộ chuyển loại hộ nghèo.
Đặc biệt có gần 20 chị em từ làm công nay chuyển lên làm chủ, như chị Lê Thị Thuận (xã An Điền, Thạnh Phú), chị Phạm Thị Thanh Lan (xã Long Thới, Chợ Lách), chị Phạm Thị Ngọc Loan (xã Vang Quới Tây, Bình Đại), chị Đinh Thị Hừng (xã Phú Phụng, Chợ Lách), chị Bùi Thị Lánh (xã Tân Phú, Châu Thành)…Ngoài ra, từ năm 2015-2019, có 7 thành viên vay được vinh danh là những doanh nhân vi mô tiêu biểu trong cả nước.