Những người “hồn bướm thân sâu” - Bài 1

Chuyện phẫu thuật chuyển đổi giới tính không còn xa lạ đối với người Việt Nam, khi vừa qua có nhiều người nổi tiếng công khai việc chuyển giới của mình như Cindy Thái Tài, Hương Giang Idol, ca sĩ Khanh Chi Lâm… Tuy nhiên, dù chưa công khai hay đã công khai chuyển đổi giới tính, những người “hồn bướm thân sâu” (người chuyển đổi giới tính) dường như vẫn đang vất vả “tìm đường” để hòa nhập với cuộc sống bình thường.


Nhiều NCG đang mong một ngày được pháp luật công nhận để được hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng.

 

Trong khi chờ pháp luật công nhận, những người chuyển giới (NCG) dường như đang sống “ngoài vòng pháp luật”. Bởi khi đã phẫu thuật chuyển giới, họ không thể làm lại giấy tờ tùy thân có xác định lại rõ ràng giới tính và cũng chưa được pháp luật công nhận kết hôn...

 

Khái niệm mập mờ


Ông Trần Khắc Tùng, Giám đốc Trung tâm Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT (viết tắt của 4 từ: Lesbian-đồng tính nữ, Gaysexual-đồng tính nam, Bisexual-lưỡng tính, Transgender-người chuyển giới) tại Việt Nam, cho biết: “Chúng ta hiểu rất mơ hồ về NCG là gì, như thế nào... Thậm chí, chính những NCG cũng chưa có khái niệm rõ ràng về bản thân và cộng đồng trong giới của mình. Vì vậy, trong xã hội, mọi người đều gộp chung khái niệm người đồng tính với NCG và thường gọi họ là người đồng tính, pêđê, les, người bệnh hoạn dễ lây, bóng lộn, bóng chìm... Nguyên nhân căn bản của sự hiểu nhầm xuất phát từ môi trường giáo dục trong nhà trường, gia đình và xã hội, chúng ta hạn chế nói về tính dục của con người, giáo dục giới tính cho học sinh... Vì vậy, nhiều NCG, người đồng tính… thường bị trêu chọc, đánh đập, bị phân biệt đối xử”.


Theo ông Tùng, thực tế NCG là người có giới tính mong muốn khác với giới tính lúc sinh ra. Ví dụ sinh ra là nam nhưng nghĩ mình là nữ, hoặc sinh ra là nữ nhưng nghĩ mình là nam. Một số cách gọi khác của NCG là: người chuyển đổi giới tính, người hoán tính… NCG khác với người đồng tính, bởi NCG liên quan tới việc “bạn nghĩ bạn là ai” (cảm nhận về giới tính) còn người đồng tính liên quan tới việc “bạn yêu ai” (sự hấp dẫn về tình cảm). Bên cạnh đó, trong mối quan hệ tình cảm, NCG thường xem người mình thích là người khác giới với mình, còn người đồng tính xem người mình thích là người cùng giới với mình.


Jessica, một người đã chuyển giới từ nam sang nữ, cho biết: “Ban đầu khi em nói với mẹ, em sẽ đi chuyển giới làm con gái thì mẹ không đồng ý và nói em là đồ quái dị, đồ biến thái. Mẹ còn bắt em đi xét nghiệm hoócmôn. Khi bác sỹ hỏi sao phải đi khám, mẹ nói em bị pêđê, bệnh hoạn. Không chỉ mẹ không hiểu em, mà ba em còn dị đoan hơn. Ông đi kiếm thầy về cúng khắp nhà, dán bùa để trừ ma, trừ tà. Sống trong cảnh như vậy, em chịu không nổi và đã bỏ nhà đi. Tuy nhiên, sau này khi ba mẹ hiểu ra cũng kêu em về nhà, nhưng thực ra vẫn chưa chấp nhận sự thật. Mỗi khi nhà có khách hay tổ chức tiệc tùng, ba mẹ thường bắt em phải trốn trên lầu, không được bước xuống nhà. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khi em có công việc, kiếm được tiền tự nuôi sống mình, còn phụ giúp ba mẹ thì ba mẹ mới thấy tự hào và chấp nhận giới tính thực sự của em”.


Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA), NCG không phải là bệnh hay lệch lạc tâm lí. Mỗi người có quyền cảm nhận riêng về giới tính mong muốn của mình. Điều mà NCG cần là sự hỗ trợ để được sống đúng với giới tính mong muốn, được thể hiện giới tính mong muốn của mình và giảm kỳ thị, định kiến.

 

Áp lực kì thị


“Hiện tại vẫn chưa có quy định hay pháp luật nào bảo vệ những NCG khỏi sự phân biệt đối xử. Vì vậy, NCG gần như bị kì thị trong hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống. Những vấn đề mà NCG bị kì thị nhất là việc làm, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, văn hóa, pháp luật và gia đình. Thậm chí, họ còn là mục tiêu của ánh mắt ghẻ lạnh, lời sỉ nhục, soi mói và các câu hỏi thiếu tế nhị về cách ăn mặc, bộ phận cơ thể. Những sự kì thị khiến tình trạng sức khỏe, tinh thần của NCG bị ảnh hưởng. Nguyên nhân khiến NCG bị kỳ thị là do xã hội, gia đình chưa có khái niệm rõ ràng về họ mà chỉ biết phán xét, coi họ là những người bị bệnh hoạn khi có những ý muốn trái ngược với người bình thường”, ông Trần Khắc Tùng chia sẻ.

 

Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết: Hiện pháp luật Việt Nam vẫn chưa thừa nhận việc xác định lại nhân thân của người chuyển đổi giới tính. Đây là một trở ngại lớn trong quá trình “tái hòa nhập” cuộc sống mới. Cụ thể, điều 36 của Quyền xác định lại giới tính của Bộ luật Dân sự có viết: “Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần phải có sự can thiệp của y học nhằm xác định lại giới tính”. Có nghĩa việc xác định lại giới tính chỉ áp dụng đối với người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc chưa định hình chính xác. Do đó, trong thời gian tới, chúng ta cần nghiên cứu cẩn thận để thay đổi một số quy định trong luật để NCG được là chính mình. Bởi đã là con người thì ai cũng có quyền được đối xử công bằng như mọi người khác.

Chính vì sự kì thị của cộng đồng xã hội, nhiều NCG thường bị gạt ra ngoài lề của xã hội. Kéo theo đó, công việc của NCG cũng không ổn định, họ thường làm các công việc như: ca hát, biểu diễn, trang điểm, làm móng chân móng tay… Trong khi đó, thực tế nhiều NCG vẫn rất mong muốn có được những công việc như người bình thường như làm hành chính, văn phòng, công chức... Mặc dù về hình thể lẫn tâm hồn không khác gì phụ nữ nhưng trong công việc, trong tình yêu Jessica vẫn gặp không ít rắc rối. Jessica tâm sự: “Khi phải kí hợp đồng hay đưa giấy tờ này nọ cho đối tác, tôi luôn gặp phải những ánh mắt soi mói và những lời nói khó nghe. Tôi nhớ, có lần tôi đi làm tiếp cận viên cho một dự án, khi đi giao lưu, chia hai phòng nam nữ thì tôi lại bị xếp vào phòng nam. Sau đó anh phụ trách sực nhớ ra mới chuyển lại cho tôi ở phòng nữ. Còn về mặt tình cảm, tôi thương yêu một người, người đó cũng thương tôi nhưng do sự kì thị của xã hội mà người đó phải che đậy, không muốn bạn bè, gia đình biết là đang quen một NCG. Nhu cầu cơ bản nhất của một con người là được yêu thương thì tôi cũng bị hạn chế, phải giấu giếm chứ không được công khai…”.

 

Không chỉ gặp rắc rối trong công việc, hạnh phúc riêng tư, mà NCG còn gặp rắc rối trong giấy tờ tùy thân. Theo Jessica, chỉ chuyện đi nghĩa vụ quân sự hay ra đường gặp cảnh sát giao thông cô đã luôn gặp câu hỏi: “Sao trên giấy tờ ghi Nguyễn Hữu Toàn mà người trình diện lại là... nữ”. Vì vậy, Jessica chỉ mong muốn, dù pháp luật chưa chứng nhận mình là nữ thì cũng nên có thêm một ô riêng về giới tính trong sơ yếu lí lịch để khi ra đường, đi làm, những NCG và người đối diện không phải bối rối khi tiếp xúc với nhau.

 

“Một người nam để tiến tới chuyển giới hoàn toàn là nữ, đầu tiên họ sẽ phấn đấu và can đảm chịu ánh mắt soi mói của xã hội khi mặc đồ nữ ra đường. Khi đã tự tin mặc đồ nữ ra đường, họ lại phấn đấu để có kinh phí đi phẫu thuật chuyển giới thành nữ. Khi đã phẫu thuật chuyển giới, họ lại phải phấn đấu để tự mưu sinh trong cuộc sống. Giai đoạn nào NCG cũng vượt qua được, nhưng giai đoạn mưu sinh trong cuộc sống là khó khăn nhất. Bởi vì kỳ thị mà NCG nộp hồ sơ xin việc ở đâu cũng bị từ chối. Thực sự, tôi chưa bao giờ thấy một NCG được đi làm tại công sở, mặc đồ văn phòng đàng hoàng như bao người bình thường. Mặc dù trình độ học vấn NCG không thấp hơn người bình thường”, Nhã Kỳ, một người nam chuyển giới sang nữ, tâm sự.

 


Bài và ảnh: Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN