Cụ thể, tại 4 tỉnh Lào Cai, Nghệ An, Thừa Thiên Huế và Bến Tre, mưa lớn kèm theo dông, lốc, sét đã làm 24 căn nhà bị sập, 218 căn nhà bị tốc mái, 3 con trâu bị chết, 2 ha ngô, hoa màu bị thiệt hại; 90 cây ăn quả bị gãy đổ, 15 ha keo và một số cây xanh bị gãy, đổ.
Tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai ngày 8/5, mưa lớn đã gây ngập cục bộ tại một số khu vực và cuốn trôi 3 người xuống suối Bà Lúa (phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa), trong đó 1 người được cứu sống còn 2 em Đỗ Xuân Kim, sinh năm 2003 và em Nguyễn Hoàng Minh Quân, sinh năm 2003 đã tử vong, thi thể được tìm thấy ngày 9/5.
Trong tuần (từ 6-11/5) hầu hết các khu vực trên cả nước có xảy ra mưa dông, một số trạm có lượng mưa lớn như: Bắc Mê (Hà Giang) 99 mm; Tĩnh Gia (Thanh Hóa) 129mm; Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) 138mm; Thành Mỹ (Quảng Nam) 112mm, từ ngày 6-7/5, các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên và khu Tây Bắc Bắc Bộ có nắng nóng trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 36-39 độ, có nơi trên 39 độ C.
Để tiếp tục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương đã tổ chức kiểm tra các khu vực bị thiệt hại, chỉ đạo người dân khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, trong những ngày tới, hiện tượng thời tiết mưa dông, lốc có thể tiếp tục diễn ra tại các khu vực trên cả nước. Để chủ động ứng phó có hiệu quả, các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng ngừa và kỹ năng ứng phó với nắng nóng, giông lốc để giảm thiểu thiệt hại. Các khu đô thị lớn cần rà soát phương án ứng phó với ngập lụt, lũ tại các sông suối khi xảy ra mưa lớn.