Để chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015), TP Hồ Chí Minh đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng, cải tạo nhiều công trình. Đây hầu hết là những công trình phục vụ dân sinh nằm trong chiến lược chỉnh trang, hướng tới một đô thị văn minh - sạch đẹp, được rất nhiều người dân trông đợi.Hoàn thành các công trình lớnNhững ngày này, khi tuyến đường đi bộ Nguyễn Huệ - được đánh giá là tuyến đường đi bộ hiện đại đầu tiên của cả nước, đã “ra dáng” và sắp được khánh thành, nhiều người dân thành phố đã nôn nao muốn đi xem. Ông Hồ Đức Lượng (nhà ở quận 12) cứ hỏi thăm con cháu: “Đường đã làm xong chưa bây? Khi nào xong, tụi bây chở ông xuống đó ngắm coi thế nào”. Ông Lượng bảo, thành phố đã đầu tư hàng tỷ đồng để làm tuyến đường đi bộ thì chắc là đẹp lắm, bởi Tết năm nào ông cũng phải ghé “thăm” đường hoa Nguyễn Huệ ít nhất một lần. Khi biết tuyến đường Nguyễn Huệ sẽ khánh thành dịp lễ 30/4, ông mừng lắm.
Kênh Tân Hóa - Lò Gốm sau khi cải tạo. |
Đường Nguyễn Huệ được UBND TP.HCM đầu tư gần 430 tỉ đồng để cải tạo, nâng cấp và xây dựng thành tuyến phố đi bộ kết hợp giao thông vào ban ngày. Tuyến đường có tổng chiều dài 670 m, kéo dài từ đường Lê Lợi đến đường Tôn Đức Thắng với bề rộng mặt đường hơn 60 m, trong đó phần xe chạy là 21 m, phần quảng trường và đường đi bộ rộng 27 m, vỉa hè hai bên rộng 12,6 m. Mặt đường và vỉa hè được lát bằng đá granite; có hệ thống chiếu sáng và trình diễn nhạc nước nghệ thuật hiện đại cùng hệ thống cây xanh phủ khắp tuyến đường. Bên cạnh đó, một khu điều khiển trung tâm, nhà vệ sinh công cộng và hệ thống hạ tầng phục vụ được đầu tư khá hiện đại. Theo đánh giá của các chuyên gia, với tổng mức đầu tư và hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đường Nguyễn Huệ được đánh giá là con đường hiện đại nhất Việt Nam hiện nay.
Phố đi bộ trước trụ sở UBND TP Hồ Chí Minh. |
Bên cạnh tuyến đường đi bộ, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trước trụ sở HĐND - UBND thành phố nhìn ra phía cảng Sài Gòn, nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, cũng đang được người dân mong đợi ngày khánh thành. Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh có chiều cao 7,2 m, trong đó phần tượng bằng hợp kim đồng cao 4,5 m và phần bệ tượng là 2,7 m. Tượng thể hiện sự thanh cao, cốt cách giản dị, trìu mến, gần gũi với nhân dân của Bác Hồ; đồng thời cũng khắc họa chân thực thần thái, vóc dáng, phong cách, trí tuệ, những đức tính quý báu, toát lên vẻ đẹp tinh thần, nhân cách cao cả của Người. Theo ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đây là một công trình có ý nghĩa hết sức đặc biệt nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh Bác Hồ kính yêu và 104 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.
Phối cảnh phố đi bộ và tượng đài Bác Hồ trước UBND thành phố. |
Trước đó, TP.HCM cũng đã tổ chức lễ khánh thành “Dự án Cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm”. Đây là công trình được đánh giá mang nhiều ý nghĩa khi làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của dòng kênh Tân Hóa - Lò Gốm và giúp cho hơn 1,2 triệu dân hưởng lợi từ công trình. Đây cũng là công trình nổi bật mà TP.HCM nỗ lực hoàn thành để chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 162 triệu USD (tương đương gần 2.000 tỷ đồng), trong đó gần 130 triệu USD do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Khi tuyến đường 2 bên dòng kênh được hình thành, đã xoá được tình trạng nhà lụp xụp, tạm bợ hai bên dòng kênh. Công trình này được kỳ vọng sẽ cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng của dòng kênh Tân Hóa - Lò Gốm và xử lý triệt để tình trạng ngập do triều cường cho khu vực 4 quận (11, 6, Tân Phú và Tân Bình). Đây là một trong những công trình trọng điểm của thành phố nằm trong kế hoạch chỉnh trang, nâng cấp đô thị và nâng cao điều kiện sống cho người dân thành phố.
Sơ đồ vị trí công viên tượng đài Thống Nhất ở Rạch Chiếc. |
Cùng với các công trình lớn, Trung tâm nghệ thuật cải lương Trần Hưng Đạo cũng được khánh thành vào cuối tháng 4. Đây là nơi gìn giữ, phát triển loại hình nghệ thuật cải lương truyền thống và quy tụ, đào tạo đội ngũ nghệ sỹ cải lương. Ngoài ra, dịp cuối tháng 4 này, TP.HCM còn khánh thành các công trình mang tính lịch sử như bia tưởng niệm Chiến sĩ Biệt động Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Dinh Độc Lập; nhà bia liên minh các lực lượng Dân tộc - Dân chủ - Hòa bình Việt Nam; khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định; khu tưởng niệm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968...
Nhiều công trình chuẩn bị khởi công
TP.HCM cũng chuẩn bị khởi công nhiều công trình trọng điểm, phục vụ dân sinh khác như Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, cầu vượt thép ở ngã 6 Gò Vấp, mở rộng đường Lương Định Của... nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng.
Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 sẽ được xây dựng tại phường Tân Phú (quận 9) trên diện tích đất rộng hơn 55 ha với tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng. Được đánh giá là bệnh viện hiện đại với quy mô 1.000 giường, được trang bị các thiết bị hiện đại có khả năng khám, chữa bệnh nội ngoại trú, xét nghiệm cận lâm sàng... bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 sẽ giúp giải bài toán quá tải tại bệnh viện Ung bướu hiện nay.
Dự án cầu vượt thép tại ngã sáu Gò Vấp được đầu tư gần 406 tỷ đồng sẽ có hình chữ Y với nhánh chính nằm theo hướng đường Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm dài 234 m, rộng 6 m và nhánh rẽ theo hướng đường Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Oanh dài 274 m, rộng 6 m. Đây là dự án trọng điểm nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe ở giao lộ này và nhằm giảm tình trạng ùn ứ xe vào giờ cao điểm ở khu vực. Dự án mở rộng đường Lương Định Của (quận 2) nhằm làm tuyến huyết mạch kết nối giữa đại lộ Đông - Tây với cầu Thủ Thiêm để vào trung tâm thành phố và từ trung tâm thành phố ra cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tạo thành hệ thống giao thông trục liên hoàn cho khu đô thị Thủ Thiêm.
Cùng với các công trình trên, TP.HCM cũng đang thực hiện các dự án mang dấu ấn lịch sử như Công trình tượng đài ASEAN Hòa bình - Hợp tác - Phát triển (dự kiến được xây dựng tại cửa ngõ Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình); Đền thờ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (tại Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc - quận 9); khu quảng trường và Tượng đài Thống nhất tại Rạch Chiếc (quận 2) nhằm tưởng niệm các liệt sĩ chiến đấu, bảo vệ cầu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh; đồng thời ghi dấu sự thống nhất đất nước.
Anh Đức - M.T