Nhức nhối nạn bạo hành trẻ mầm non

Liên tiếp những vụ việc về bạo hành trẻ mầm non được phát giác và đưa lên mạng xã hội gần đây khiến dư luận bàng hoàng, đau xót. Tuy nhiên, theo nhiều phụ huynh thì đây chỉ là phần nổi của “tảng băng”, khi mà ngay chính một số người làm giáo dục mầm non cũng cho rằng, việc dọa nạt, mắng trẻ để đưa vào kỷ luật là chuyện bình thường. Đây thực sự là tiếng chuông báo động về đạo đức giáo viên ở lĩnh vực này.


Trẻ không nghe lời thì đưa vào “kỷ luật”

Những ngày qua, dư luận rất sốc khi nhiều clip về bạo hành trẻ mầm non được đưa lên mạng xã hội. Ngày 5/10, xảy ra vụ bé trai 15 tháng tuổi ở Quảng Bình bị hai cô giáo đè xuống sàn, trói chân, tay và nhét khăn vào miệng. Ở Lạng Sơn, một bé khác bị cô giáo phạt đuổi ra khỏi lớp, gào khóc, bới thức ăn trong thùng rác, rồi bị dọa thả xuống bể nước. Tiếp đó, ngày 9/10, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một bé gái 17 tháng tuổi, bị bảo mẫu dùng hai tay ghì chặt, lắc mạnh và tát vào đầu khiến cháu bé bị ngã ra phía sau. Vụ việc xảy ra ngay giữa Thủ đô, tại một trường mầm non tư thục ở Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội.

Theo chuyên gia tâm lý, bé 15 tháng tuổi ở Quảng Bình bị hai cô giáo trói có thể bị sang chấn tâm lý. Ảnh: Chụp từ clip.

Trước sự việc này, nhiều phụ huynh đã có những chia sẻ về những hình thức “bạo hành” trong trường học. Chị Phạm Thanh Hà (Mễ Trì, Hà Nội) tâm sự: “Do điều kiện công việc, tôi phải gửi con từ khi 18 tháng tuổi. Cháu học trường mầm non tư thục gần nhà, tổng chi phí mỗi tháng là 2,8 triệu đồng. Có một dạo, con tôi rất sợ vào nhà vệ sinh. Cứ cho vào để tắm hoặc đi vệ sinh là khóc thét lên. Sau đó, mỗi giờ đón cháu tôi luôn ngồi lại nói chuyện với cô giáo và tìm ra nguyên do là cháu quá nghịch nên cô cho vào nhà vệ sinh để nhốt lại. Con tôi đã phải chịu sang chấn tâm lý hàng tháng trời. Phải rất kiên trì, tôi mới lấy lại được sự ổn định tâm lý cho cháu”.

Ông Võ Minh Thành, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, những bé bị bạo hành sẽ bị tổn tương về tinh thần khó lường. Đây là giai đoạn não phát triển mạnh mẽ nhất trong đời người. Sự tổn thương đối với trẻ giai đoạn này sẽ là những sang chấn tâm lý theo suốt cuộc đời. Sau đó, là những rối loạn về tâm lý, khiến trẻ có thể khó thích nghi trong một hoàn cảnh nào đó.

Cùng một nhóm phụ huynh đi tìm lớp học cho con, chúng tôi đã tìm đến một trường mầm non song ngữ ở khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội). Trường có cơ sở vật chất hiện đại, chương trình học theo phương pháp của Mỹ. Tuy nhiên, trước những trải lòng về lo lắng việc con đang ở độ tuổi nghịch ngợm, khó bảo, giáo viên sẽ không kìm chế được có hành vi bạo hành, đại diện lãnh đạo trường khẳng định: “Với những trẻ chưa nghe lời, cần thiết các cô giáo sẽ đưa vào kỷ luật để các con kịp theo bạn. Chỉ vài ngày khóc thì trẻ sẽ tự biết chấp nhận, hòa nhập và đi vào khuôn khổ. Phụ huynh cũng nên hiểu, chính cha mẹ ở nhà cũng đánh mắng con cái, thì tại sao các cô không được làm như vậy để con ngoan hơn ?”.

Một số phụ huynh cho rằng, những dọa nạt, đánh mắng trong trường mầm non là có thật. “Với những trường có camera thì giáo viên cho con vào nhà vệ sinh để “xử lý”, thậm chí là dùng roi nhỏ để vụt vào gan bàn chân, hoặc xử phạt bằng cách sỉ nhục các con. Nếu trẻ không nghe lời, hôm sau các con sẽ bị các bạn khác tẩy chay và chơi một mình một góc không có đồ chơi”, chị Phương Thúy (Tập thể trường Múa, Mai dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự.

Bộ GD - ĐT sẽ làm nghiêm minh

Theo ông Võ Minh Thành, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, giáo viên phải là người có kỹ năng quản lý cảm xúc. Kỹ năng này đã được dạy trong trường sư phạm, nếu mất đi kỹ năng này, giáo viên thực sự là mối nguy cho chính đứa trẻ.

Cùng quan điểm này, bà Lê Hương, khoa Giáo dục mầm non, trường CĐ Sư phạm Hà Nội cho biết: “Tất cả các khoa mầm non ở các trường đều có môn giáo dục mầm non, tâm lý lứa tuổi; đều dạy về giọng điệu, cách chăm sóc trẻ, dinh dưỡng của trẻ. Vì vậy, không thể nói rằng giáo viên không được học về vấn đề này. Tuy nhiên, áp dụng vào thực tế là cả một thách thức”.

Bà Lê Hương cho rằng, những vụ việc xảy ra hay việc giáo viên chưa có kỹ năng sư phạm xảy ra ở những nhà trẻ mở ra quá nhiều, trong khi việc kiểm duyệt về trình độ, kỹ năng chưa tốt; hay do chính những giáo viên mầm non tương lai khi còn ngồi trên ghế nhà trường cũng là ngồi “nhầm chỗ”, chưa thực sự yêu nghề.

Trao đổi về những hành vi bạo hành trẻ mầm non, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, những trường hợp xảy ra là đáng tiếc. Và là bài học về công tác quản lý, khi để cho một cơ sở giáo dục mầm non hoạt động không có phép trong một năm như trường mẫu giáo Xuân Mai, huyện Văn Quan (Lạng Sơn) mà không kiên quyết xử lý dừng hoạt động. “Bạo hành trẻ em trong nhà trường dưới bất kỳ hình thức nào cũng không thể chấp nhận được và cần phải xử lý nghiêm, nhất là ở trẻ lứa tuổi mầm non. Để hạn chế những vụ việc tương tự xảy ra, không chỉ cần những bảo mẫu có đạo đức và lương tâm mà cần hơn là sự tăng cường phối hợp giữa ngành giáo dục với chính quyền địa phương trong việc rà soát, kiểm tra các sơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Thời gian tới, Bộ sẽ có các giải pháp kép với những cơ sở giáo dục mầm non về chất lượng giáo viên”, Thứ trưởng Nghĩa khẳng định.
Lê Vân
Yêu cầu giải thể cơ sở giáo dục mầm non bạo hành trẻ em
Yêu cầu giải thể cơ sở giáo dục mầm non bạo hành trẻ em

UBND thành phố Đồng Hới đã ra quyết định xử phạt hành chính 22,5 triệu đồng và yêu cầu phải giải thể cơ sở giáo dục mầm non tư thục Sơn Ca do bạo hành trẻ em.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN