Nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả và lâu dài trong phòng chống, đuối nước trẻ em

Tổ chức dạy bơi miễn phí, kêu gọi xã hội hóa hồ bơi phòng, chống đuối nước, tạo sân chơi cho trẻ và tuyên truyền nâng cao nhận thức về hậu quả của tai nạn đuối nước… là những giải pháp đang được các cấp, các ngành tỉnh Đắk Lắk triển khai nhằm giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ em.

Xây dựng một mùa hè an toàn

Mùa hè năm 2018, hoạt động trọng tâm của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk là dạy bơi miễn phí cho trẻ nhằm giúp các em có một mùa hè vui tươi, an toàn, bổ ích và "nói không với tai nạn đuối nước". Từ ngày 15/6 đến ngày 5/8, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức chương trình dạy bơi miễn phí cho 1.000 học sinh là con em gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Bùi Hữu Thành Cát chia sẻ, chương trình dạy bơi miễn phí là giải pháp cấp thiết để giảm thiểu tai nạn đuối nước- nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em trên địa bàn tỉnh. Trong gần 2 tháng hè, các em được học kỹ thuật đứng nước, kỹ thuật bơi, kiến thức phòng, chống tai nạn thương tích do đuối nước, kỹ năng cứu đuối.

Tỉnh Đoàn Đắk Lắk xác định tổ chức hoạt động hè, xây dựng các điểm vui chơi và dạy bơi miễn phí cho thiếu nhi là nhiệm vụ trọng tâm được triển khai xuyên suốt 3 tháng hè. Bí thư Tỉnh Đoàn Đắk Lắk Y Nhuân Byă cho biết, ngoài việc nâng cao chất lượng các hoạt động hè, phối hợp tổ chức dạy bơi miễn phí, các cấp cán bộ Đoàn đặt ra mục tiêu xây dựng, bàn giao được 50 điểm vui chơi cho trẻ em.

UBND Đắk Lắk cũng đã ban hành công văn về tăng cường phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em. Tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng tỉnh, chính quyền các địa phương kiểm tra, rà soát, cắm biển cảnh báo, biển cấm, hàng rào bảo vệ tại các công trình thủy lợi, công trình dân dụng, kể cả bãi tắm tự phát để đảm bảo an toàn cho học sinh trong dịp hè và mùa mưa lũ sắp đến. Các địa phương tăng cường vận động người dân rào chắn xung quanh khu vực giếng, ao, hồ gần nhà.

Ông Phạm Đình Trọng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cư M’Gar đề xuất: Mỗi địa phương nên chủ động đổi mới cách tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt thôn, buôn để nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả của tai nạn đuối nước.

Xã hội hóa các hồ bơi

Bên cạnh sự nỗ lực của hệ thống chính trị, việc chung tay góp sức của doanh nghiệp trong phong trào xã hội hóa hồ bơi là giải pháp cấp thiết nhằm giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ em. Huyện Cư M’Gar, tỉnh  Đắk Lắk đang thực hiện tốt phong trào này.

Huyện Cư M’Gar, điểm sáng trong phong trào xã hội hóa hồ bơi phòng, chống đuối nước.

Cuối năm 2014, hồ bơi Hòa Phát là hồ bơi đầu tiên ở huyện được khai trương và đưa vào hoạt động. Sau 4 năm, hiện huyện Cư M’Gar có 19 hồ bơi ở 6 xã, thị trấn và 7 trường học. Anh Nguyễn Đức Hòa, chủ hồ bơi Hòa Phát chia sẻ, khi mới bắt đầu ý tưởng, anh không nghĩ mình sẽ xây dựng hồ bơi do chi phí xây dựng hồ bơi rất lớn. Anh cũng băn khoăn rằng mở hồ bơi ở huyện liệu có ai học không. Tuy nhiên khi thấy báo chí đưa tin nhiều về các vụ đuối nước ở trẻ em, anh quyết tâm xây hồ bơi. Sau gần 4 năm kinh doanh, hồ bơi của gia đình anh thu hút ngày càng nhiều trẻ em và người dân tới học bơi, rèn luyện sức khỏe.


Còn tại xã Cư Suê, huyện Cư M’Gar là địa phương có hơn 60% đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã khai trương khu liên hiệp thể dục thể thao gồm sân bóng đá, bóng chuyền, hồ bơi với tổng trị giá hơn 11 tỷ đồng. Xã đã cùng doanh nghiệp tổ chức khai trương, quảng bá để thu hút người dân đưa con em đến học bơi.

Phó Chủ tịch UBND xã Cư Suê Nguyễn Văn Ninh cho biết, trước đây tai nạn đuối nước trên địa bàn diễn biến phức tạp, từ khi hồ bơi hoạt động đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân, tai nạn đuối nước được kiểm soát và trong vòng một năm nay, không có trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Trong phong trào xã hội hóa hồ bơi, khó khăn cho doanh nghiệp là đất đai và vốn, do vậy, huyện đã có chính sách ưu đãi như miễn tiền thuê đất trong 5 năm đầu và cùng với doanh nghiệp vận động, giải tỏa dân. Ngoài ra, huyện còn tổ chức tập huấn kỹ năng bơi lội cho trên 150 giáo viên thể dục và tổ chức Giải bơi hè cho đối tượng thanh thiếu niên trong năm 2017 để nâng cao chất lượng dạy bơi, kích thích trong trào bơi lội trong quần chúng nhân dân.

Ông Y Wang, Phó phòng Văn hóa Thông tin huyện Cư M’Gar cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung các nhóm trẻ ở thôn, buôn để ký hợp đồng dạy bơi với các hồ bơi, vận động các trường không có hồ bơi ký hợp đồng đưa học sinh đến học bơi theo lớp. Huyện tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi có nhu cầu xã hội hóa hồ bơi; tổ chức các giải bơi lội, mở các lớp dạy bơi miễn phí để tạo động lực phát triển mạnh phong trào học bơi.

Cùng với các giải pháp tỉnh Đắk Lắk đang triển khai, thiết nghĩ để  phòng, chống tai nạn đuối nước ở  trẻ em được hiệu quả, các bậc phụ huynh và nhà trường cần quan tâm hơn đến trẻ, thường xuyên cảnh báo về tai nạn đuối nước cho trẻ khi ở nhà, ở trường. Tỉnh Đắk Lắk cũng cần nhân rộng các giải pháp phòng, chống đuối nước hiệu quả như phong trào xã hội hóa hồ bơi ở huyện Cư M’Gar. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh sẽ được giảm thiểu, giúp  trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.

Bài, ảnh: Hoài Thu (TTXVN)
Phòng, chống đuối nước ở trẻ em - Bài 1: Những vụ tai nạn thương tâm
Phòng, chống đuối nước ở trẻ em - Bài 1: Những vụ tai nạn thương tâm

Thời gian qua, mặc dù các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm chỉ đạo công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em song tai nạn đuối nước vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm đã để lại nỗi đau cho gia đình, bạn bè, nhà trường và xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN