Nhiều địa phương chậm báo cáo thưởng Tết

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã yêu cầu các địa phương gửi báo cáo khảo sát tình hình nợ lương và kế hoạch thưởng Tết với thời hạn là ngày 27/12. Tuy nhiên, dù đến hạn nộp báo cáo lương thưởng Tết nhưng rất ít địa phương gửi về Bộ.

Chú thích ảnh
Một trong những  mối quan tâm của người lao động là tiền thưởng Tết dịp cuối năm.

Trao đổi về vấn đề báo cáo tiền lương thưởng Tết, ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐTBXH) cho biết, theo lịch gửi báo cáo của các địa phương về Bộ là ngày 27/12, tuy nhiên thông thường các địa phương sẽ gửi chậm hơn thời hạn trên là 2 tuần.

Sau khi Bộ có thông báo, Sở LĐTBXH các địa phương gửi thông báo xuống các doanh nghiệp. Doanh nghiệp tổng hợp và báo cáo Sở LĐTBXH. “Như mọi năm, sau thời hạn khoảng 1 tháng, chúng tôi mới tổng hợp được 50% số lượng các địa phương gửi báo cáo thưởng Tết về Bộ”, ông Hưng cho biết.

Báo cáo về tình hình thưởng Tết chỉ là thông tin thị trường tham khảo, không bắt buộc, theo nhu cầu của xã hội cũng như phục vụ quản lý nhà nước thì bộ, địa phương khảo sát nắm bắt tình hình.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội cho biết: "Sở chưa có số liệu thống kê chính thức về lương thưởng Tết của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội nên chưa có thống kê mức trung bình thưởng Tết. Dự kiến giữa tháng 12 âm lịch, Sở mới công bố lương thưởng Tết chính thức. Hiện mới có vài doanh nghiệp gửi báo cáo về sở. Năm 2020, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên các doanh nghiệp phải cân đối cụ thể các nguồn lực trước khi gửi về sở tổng hợp. Theo nhận định thì nhiều doanh nghiệp sản xuất đang gặp khó khăn".

Tại các phiên giao dịch việc làm mới đây do Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐTBXH) Hà Nội tổ chức, trao đổi về vấn đề thưởng Tết với các doanh nghiệp, bà Trần Thu Hằng, phòng Hành chính công ty TNHH Minh Tiến cho biết, dù tình hình kinh doanh khó khăn, song công ty vẫn sẽ cân đối, đảm bảo quyền lợi người lao động và tài chính doanh nghiệp. Hàng năm, mức thưởng Tết của các nhân viên khác nhau, tùy thuộc vào xếp hạng, đánh giá lao động cuối năm của từng người. Trung bình, lao động sẽ được hưởng từ 10-15 triệu đồng/tháng kèm với các hiện vật như các gói quà Tết, sản phẩm của công ty...

Bà Đặng Thị Nhạn, Phòng Nhân sự Công ty Bách Tường Phát cho biết, đơn vị chuyên hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, phân phối các sản phẩm nội thất, gia dụng, điện tử... Cuối năm, đơn vị đang gia tăng tuyển lao động để đáp ứng các đơn hàng. Tuy nhiên, do trong năm 2020, tình hình kinh doanh bị tác động mạnh do dịch COVID-19, nhiều tháng giãn cách xã hội nên doanh thu chung bị ảnh hưởng nên về chủ trương sẽ vẫn đảm bảo lương thưởng cho người lao động và thưởng căn cứ trên thực tế kinh doanh doanh nghiệp.

Theo Bộ Luật Lao động 2019 sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2021, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Tin, ảnh: XM/Báo Tin tức
Những trường hợp được thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trực tiếp
Những trường hợp được thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trực tiếp

Bạn đọc hỏi: Tôi đi khám chữa bệnh (KCB) ở phòng khám và chưa có liên kết thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT). Vậy những trường hợp nào được thanh toán chi phí KCB BHYT trực tiếp?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN