Ngoài ra, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh còn đang tiếp tục xử lý 55 trường hợp vi phạm với số tiền phạt dự kiến là 803.300.000 đồng (chưa kể số lượng kiểm tra liên ngành của quận, huyện). Bên cạnh đó, các Đội quản lý an toàn thực phẩm cũng đã phát hiện và xử phạt 14 trường hợp vi phạm về điều kiện thú y trong vận chuyển sản phẩm động vật với số tiền là 44.510.000 đồng.
Lực lượng kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Ảnh: CTV |
Ban quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh còn tổ chức triển khai đường dây nóng (số điện thoại 39301714) và đã tiếp nhận 57 cuộc gọi phản ánh về vi phạm an toàn thực phẩm. Theo đó, Thanh tra Ban quản lý an toàn thực phẩm đã tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm những cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm theo phản ánh, tố cáo.
Trong năm 2018, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh tập trung thanh kiểm tra theo chuyên đề như các cơ sở không phép, phụ gia, thực phẩm chức năng, nước đá...
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, mô hình thí điểm mới Ban quản lý an toàn thực phẩm thực sự nâng tầm công tác quản lý an toàn thực phẩm, mang lại nhiều hiệu quả trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, đặc biệt trong công tác phối hợp quản lý nhà nước đảm bảo an toàn thực phẩm với Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện và công tác phối hợp cung ứng chuỗi sản phẩm thực phẩm sạch, an toàn từ trang trại đến bàn ăn với các tỉnh thành nhằm bảo đảm nguồn thực phẩm cung cấp cho người dân toàn thành phố.
Bên cạnh đó, mô hình quản lý của Ban quản lý an toàn thực phẩm tạo ra sự thống nhất một đầu mối thực hiện các thủ tục hành chính trong công tác quản lý an toàn thực phẩm mà trước đây được phân cấp từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Y tế và Sở Công Thương; tạo nên sự thuận lợi, nhất quán từ khâu cấp phép, quản lý, thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống cũng như giám sát mối nguy, chất lượng thực phẩm.
Dự kiến trong các năm tiếp theo, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện theo chiều sâu các kế hoạch về xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn trên cơ sở sắp xếp kiện toàn bộ máy, tăng cường các nguồn lực, tập trung cải cách hành chính và đẩy mạnh truyền thông.