Nhiều bất cập trong kiểm soát

Rất nhiều sai phạm về phương tiện đo lường bị phát hiện và xử phạt trong thời gian qua thêm một lần nữa báo động về tình trạng “cân điêu, đong thiếu” nhằm trục lợi, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Nhan nhản vi phạm

Nhằm tăng cường kiểm soát những sai phạm về phương tiện đo lường, Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã mở đợt thanh kiểm tra diện rộng tại các địa phương đặc biệt “nóng” vi phạm trong các lĩnh vực như kinh doanh xăng dầu, kinh doanh vàng bạc... Qua các cuộc thanh tra, đã phát hiện rất nhiều vụ vi phạm, cho thấy tình hình gian lận đáng báo động với những hình thức ngày càng tinh vi.

Việc tăng cường thanh, kiểm tra sẽ là giải pháp quản lý chặt hơn đo lường xăng dầu.

Vừa qua, tại Hà Nội, lực lượng thanh kiểm tra đã bắt quả tang Cửa hàng kinh doanh xăng dầu thuộc Công ty Cổ phần xăng dầu chất đốt Hà Nội tại địa chỉ 436 phố Trần Khát Chân và Cây xăng tại xã Yên Viên, Gia Lâm (Hà Nội) sử dụng chíp điện tử điều khiển từ xa gắn vào cột bơm xăng, dầu; gian lận về đo lường trong quá trình bơm xăng, dầu cho khách hàng, nhằm thu lợi bất chính. Cơ quan kiểm tra đã thu giữ toàn bộ số chíp điện tử kèm theo điều khiển từ xa, đồng thời niêm phong các cột bơm xăng, dầu được gắn chíp điện tử.

Cũng trong lĩnh vực xăng dầu, rất nhiều vụ vi phạm đã bị phát hiện tại các địa phương như: Vụ việc cửa hàng xăng dầu dùng điều khiển từ xa và lắp chip cùng bảng mạch điện tử vào cột bơm, làm sai lệch bộ đếm tại Tây Ninh; hay cửa hàng xăng dầu tại Đăk Lăk gắn chip IC điện tử để bán xăng dầu với sai số lên tới 0,3% so với mức cho phép...

Trong lĩnh vực kinh doanh vàng, cũng rất nhiều vụ gian lận đo lường bị phát hiện. Mới đây, cuộc thanh tra của Bộ KH&CN về kinh doanh vàng tại TP Hồ Chí Minh, đã phát hiện nhiều cửa hàng có mức sai số số đo gấp 10 lần cho phép. Cụ thể, khi đo hàm lượng vàng bằng máy đo tỷ trọng hàm lượng vàng đối với sản phẩm vàng 99,99%; thì nhiều nơi chỉ đạt 98%, tức sai số đến gần 2%. Với hàm lượng vàng thực tế đo được, trị giá thực chỉ khoảng hơn 32 triệu đồng/lượng, tức là, khách hàng bị gian lận khoảng gần 400.000 đồng mỗi lượng.

“Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), trong 6 tháng đầu năm, cả nước có tới 66 vụ vi phạm về đo lường trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Thanh tra Bộ KH&CN cũng đã kiểm tra hơn 1.700 cơ sở sản xuất kinh doanh vàng và có tới hơn 400 cơ sở vi phạm (chiếm 25%). Những sai phạm trên của các cơ sở kinh doanh đã trục lợi tới hàng tỷ đồng của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng”, đại diện Cục Quản lý thị trường cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Nam Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng: Tình trạng vi phạm về đo lường tại các cơ sở kinh doanh vẫn còn diễn biến khá nghiêm trọng. Rất nhiều doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, chưa thực hiện đầy đủ các quy định về tiêu chuẩn đo lường; hoặc chỉ thực hiện theo kiểu đối phó, thụ động. Các vụ việc vi phạm chủ yếu là sử dụng cân không qua kiểm định, không đạt yêu cầu về đo lường, không phù hợp về phạm vi đo và cấp chính xác... hoặc hàm lượng đo không đạt theo công bố.

Nhiều quy định chồng chéo

Thanh tra thì nhiều, nhưng theo đại diện Bộ KH& CN, việc xử lý lại chưa hiệu quả, do một số quy định của luật còn chưa thống nhất, gây khó khăn cho việc thực thi.

Đại diện Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Đồng Tháp cho biết: Vấn đề xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực đo lường trong kinh doanh xăng dầu còn chồng chéo; đơn cử như vẫn chưa thống nhất hình thức xử lý vi phạm theo Nghị định 97/2013/NĐ - CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, hay Nghị định 80/2013/NĐ - CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Chính vì vậy, các đơn vị địa phương rất khó trong việc xử lý, đành “tùy tình hình” mà áp dụng luật.

Bên cạnh đó, trong một số lĩnh vực vẫn chưa có những chế tài xử phạt vi phạm cụ thể, nên chưa đủ sức răn đe. Như trong lĩnh vực kinh doanh vàng vẫn chưa có chế tài cụ thể để xử phạt những gian lận về đo lường. “Vì vậy, khi đi kiểm tra, lực lượng chức năng chủ yếu chỉ dừng ở mức kiểm tra xem cơ sở có vi phạm về nội dung tem nhãn, chứng nhận sản phẩm, thiết bị cân đo... hay không”, ông Nguyễn Quyết Tiến, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Quảng Ninh cho biết.

Cũng theo ông Tiến, các chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tại các địa phương có nhiệm vụ thanh tra, nhưng lại không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để chủ động xử lý trong quá trình kiểm tra, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra.

Theo ông Trần Minh Dũng, Chánh thanh tra bộ KH&CN, hiện nay ở một số địa phương, việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng còn chưa đầy đủ, tích cực. Một số địa phương có số lượng cơ sở được thanh tra quá ít, chưa thực sự kiên quyết trong việc xử lý đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, kiến thức chuyên môn, trình độ năng lực của đội ngũ làm công tác này còn hạn chế; việc cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật về đo lường chưa kịp thời; việc đầu tư cho trang thiết bị, phương tiện đo lường, kiểm định vẫn còn thiếu.

Việc quản lý chặt chẽ các phương tiện đo lường rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng.

Ông Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở KH&CN Đồng Nai

Những chiêu trò gian lận về đo lường ngày càng nhanh gọn và tinh vi khiến các cơ quan chức năng cũng phải chạy đua mới có thể kiểm soát kịp. Ví dụ như gian lận trong kinh doanh xăng dầu, với các thiết bị hiện đại, chỉ cần một nút bấm là đã có thể gian lận về số đo, đặc biệt có thể dễ dàng xóa hết mọi dấu vết, dễ dàng qua mắt lực lượng kiểm tra. Vì thế ngay trong công tác thanh kiểm tra cũng phải tăng cường các giải pháp công nghệ hiện đại mới có thể kiểm soát được những công nghệ gian lận của các cơ sở kinh doanh. Ví dụ như có thể trang bị đồng bộ hóa các thiết bị điện tử trên mỗi cột xăng thì khi có gắn chip lạ sẽ dễ dàng bị phát hiện.

Anh Đinh Ngọc Thắng (phường Tân Phong, quận 7, TP Hồ Chí Minh)

Bằng mắt thường người dân chúng tôi khó có thể phát hiện ra các thiết bị đo lường có chính xác hay không, chỉ khi sử dụng hoặc mua đi bán lại mới vỡ lẽ. Sự gian lận trong đo lường chính là hành động “móc túi” người dân cần được giám sát chặt chẽ và các cơ quan chức năng khi phát hiện những hành động gian dối này, phải xử lý thật nghiêm minh để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng.

Chị Nguyễn Thị Linh (Phố Huế, Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Tôi đã từng gặp trường hợp mua vàng 99,99% ở cửa hàng này nhưng khi mang sang cửa hàng khác để bán, thì họ không mua hoặc đồng ý mua lại với giá rất thấp. Lý do là vì không phải cơ sở của họ gia công nên họ không biết hàm lượng vàng đạt bao nhiêu phần trăm. Sự mập mờ về tiêu chuẩn đo hàm lượng vàng giữa các cơ sở là những hành vi vi phạm trắng trợn, khiến người tiêu dùng chúng tôi phải chịu thiệt hại mà không biết kêu ai. Rất mong các cơ quan quản lý về tiêu chuẩn đo lường có bộ phận tiếp nhận phản ánh để người dân thông báo khi phát hiện những sai phạm.


Tạ Nguyên
Tăng cường các hoạt động thanh, kiểm tra
Tăng cường các hoạt động thanh, kiểm tra

Ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết: Trước tình hình vi phạm về đo lường diễn biến phức tạp, Bộ KH&CN đã quyết định triển khai các cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng trên phạm vi toàn quốc trong năm 2016, nhất là trong các tháng cuối năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN