Lo không làm đến tuổi nghỉ hưu
Đó là thông tin được Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp - Khu chế xuất Hà Nội Ngô Thị Liên chia sẻ tại Hội thảo đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.
Cụ thể, qua khảo sát nhanh, ngẫu nhiên tại 30 doanh nghiệp trong khu công nghiệp, đơn vị này cho biết có khoảng 7 doanh nghiệp xuất hiện tình trạng 1-10 người rút bảo hiểm xã hội một lần. Bên cạnh đó, cũng có nhiều doanh nghiệp không có tình trạng trên.
Theo bà Liên, nguyên nhân của việc rút bảo hiểm do một số công nhân nghe thông tin nếu đóng 20 năm sẽ không được rút bảo hiểm xã hội một lần.
Bên cạnh đó, một số người lao động khác cho rằng, không thể làm việc đến tuổi nghỉ hưu đủ 60 tuổi của nữ và đủ 62 tuổi đối với nam; do từ 45 tuổi trở đi, sức khỏe của họ giảm dần, nên độ linh hoạt và khả năng hoàn thành công việc, sản lượng sản phẩm được doanh nghiệp giao rất hạn chế. Từ đó, nhiều công nhân đã rời khỏi thị trường lao động và có nhu cầu hưởng bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, một số người lao động tính toán thời gian tham gia bảo hiểm xã hội chưa đủ số năm để hưởng hưu và xác định không tiếp tục đi làm nữa. Vì vậy, họ chủ động lấy về một phần tài chính để đầu tư hoặc trang trải cuộc sống, phát triển kinh tế tự sản xuất kinh doanh...
Về hệ lụy của việc rút bảo hiểm xã hội một lần, bà Liên phân tích, người lao động xin nghỉ việc để hưởng bảo hiểm xã hội một lần khiến doanh nghiệp lo lắng sẽ biến động lao động. Đáng lưu ý, việc rút này ảnh hưởng an sinh cho người lao động khi về già không có lương hưu, bảo hiểm y tế.
Chuyển đổi nghề cho người lao động quá tuổi
Cũng góp ý về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho biết, có nhiều cách hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần, song tốt nhất vẫn nên để người lao động rút tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Từ đó, khi về già họ vẫn còn bảo hiểm xã hội bảo vệ.
Ông Lợi dẫn chứng câu chuyện có người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần được 80 triệu về kinh doanh quán phở. Sau một năm phá sản, người lao động không biết đi đâu, về đâu.
Thực tế cho thấy, Nhà nước cần có chính sách cho vay, hỗ trợ từ ngân hàng chính sách với lãi suất thấp. Người lao động phải thấy được rằng có nhà nước hỗ trợ sinh kế, sẽ không còn câu chuyện rút bảo hiểm xã hội.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban chính sách pháp luật Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định, hai phương án đều có ưu, nhược điểm.
Phương án 1 tạo ra sự mâu thuẫn, phân chia nhóm đóng bảo hiểm xã hội trước và sau khi luật có hiệu lực cũng như nguy cơ dẫn tới làn sóng rút một lần trước ngày luật có hiệu lực.
Phương án 2 không tạo ra sự phân chia giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội trước và sau khi luật có hiệu lực song vấn đề rút một lần không được giải quyết tận gốc.
Ông Quảng đề nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ người lao động như duy trì việc làm, vượt qua khó khăn kinh tế, song song với tuyên truyền, khuyến cáo không rút bảo hiểm xã hội một lần để có lương hưu, đảm bảo an sinh lâu dài.
Theo Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi mới nhất đã được tiếp thu, chỉnh lý sau lần đầu đưa ra thảo luận tại Quốc hội, 2 phương án quy định việc rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn được giữ.
Phương án 1 chia thành 2 nhóm. Nhóm 1, tiếp tục cho rút bảo hiểm xã hội một lần với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025). Nhóm 2, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày luật có hiệu lực trở đi thì không được rút bảo hiểm xã hội một lần nữa.
Phương án 2, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết chế độ một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội.