Nhà báo Vũ Đảo: 'Quên hết tuổi già lặng lẽ trôi'

Xuân Kỷ Sửu 2009, sau lễ thượng thọ 80 tuổi, ông Vũ Đảo viết câu thơ về chính cuộc đời mình: "Nhớ lại tháng năm thời trai trẻ. Quên hết tuổi già lặng lẽ trôi". 10 năm sau, ở độ tuổi cửu thập cổ lai hy, lão nhà báo coi cái chết nhẹ tựa lông hồng bởi ông đã hoàn thành trách nhiệm của mình với cuộc đời này.

Nhớ lại tháng năm thời trai trẻ

Lần đầu tiên gặp ông Vũ Đảo vào một chiều mùa thu tháng 9 trong căn nhà cổ 3 gian 2 chái xây từ năm 1973 tại làng Nam Quất, Phú Xuyên, Hà Tây (cũ), tôi được ông tay bắt mặt mừng như từng quen từ lâu lắm.

Chú thích ảnh
Nhà báo lão thành với mái tóc bạc trắng nhớ lại kỉ niệm xưa.

Trong sự ưu ái của ông với tôi, có lẽ có sự trìu mến của bậc “tiền bối” dành cho lớp hậu sinh của Thông tấn xã Việt Nam, nơi ông đã cống hiến cả cuộc đời.  

Ông Vũ Đảo, tên thật Vũ Văn Đảo, sinh năm 1929, nguyên là Trưởng Phân xã Thông tấn xã giải phóng (TTXGP) tỉnh Phú Khánh (Phú Yên – Khánh Hòa), Phó trưởng Ban biên tập Tin trong nước TTXVN. Ông đã dành trọn cả cuộc đời của mình cho sự nghiệp thông tấn.

Cơ duyên đến với nghề báo của ông Vũ Đảo thật tình cờ khi ông đang làm cán bộ văn hóa tại Ty thông tin Nam Định thì được cán bộ cấp trên phát hiện ra năng khiếu viết và đưa lên Hà Nội đào tạo trở thành phóng viên của TTXVN.

Trải qua thời gian làm việc tại nhiều nơi như Hà Nội, Cao Bằng, năm 1968, ông được biệt phái thẳng từ Hà Nội vào Bộ Tư lệnh Phân khu Nam, làm Trưởng Phân xã TTXGP Phú Khánh. Từ đó đến năm 1973, ông đã có 5 năm đáng nhớ trong cuộc đời, được sống với người dân địa phương, viết tin tức về tình hình chiến sự cũng như đời sống nhân dân, chuyển về Hà Nội.

Nhớ lại giai đoạn đó, ông Vũ Đảo không khỏi xúc động: “Đó là khoảng thời gian đáng nhớ nhất trong đời làm báo của tôi. Dù đời sống vô cùng khó khăn, gian khổ nhưng phóng viên của TTXVN đã vượt qua được”. Khắp chiến trường Khu V khi đó đều trong tình trạng "đói quay đói quắt", gạo không có mà ăn, thức ăn toàn là lá sắn, rau tàu bay... chấm với nước mắm cái.

Ông Vũ Đảo cùng những người đồng nghiệp phải sinh sống trong rừng để đảm bảo bí mật. Lương của Thông tấn xã chi trả chuyển cho gia đình của anh em tại Hà Nội, còn phóng viên tại phân xã phải tự lực cánh sinh, tăng gia sản xuất, tự trồng trọt rau củ để đảm bảo lương thực, thực phẩm. Thực phẩm chủ yếu là sắn và củ bá (củ nưa) trong rừng. Ấy vậy mà chẳng ai kêu than, tất cả đều tuân thủ chỉ đạo của tổ chức.

Ông Vũ Đảo là người sống thủy chung, tình nghĩa với đồng nghiệp. Nhắc về những đồng nghiệp năm đó, ông lại tràn đầy nhiệt huyết như tuổi thanh niên. Dù không nhớ được hết tên tuổi từng người do thời gian trôi quá lâu, nhưng ông vẫn nhớ có lần sau khi phát tin về tổng xã, bị lộ tín hiệu nên địch dò được vị trí đặt máy phát. Chúng mò tới, phóng viên TTX phải bỏ của chạy lấy người, thế là mất máy, không làm được gì, phải đợi máy của tỉnh chuyển lên.

Hành trình của phóng viên TTX đi nhận nhiệm vụ ngày đó vô cùng gian khổ, phải băng rừng lội suối và chủ yếu là cuốc bộ. Dù vất vả nhưng ông Vũ Đảo không kêu nửa lời. Ngược lại, ông rất lạc quan.

Chú thích ảnh
Niềm vui tuổi già của ông Vũ Đảo giờ đây là trông nom nhà cửa, hương khói cho tổ tiên.

Sau này khi về lại Hà Nội, và suốt tới khi nghỉ hưu, ông nhận nhiệm vụ Phó trưởng Ban biên tập Tin trong nước. Ông bảo: “Mình trình độ chỉ sơ học bổ túc lớp 5, chiến tranh gian khổ không có điều kiện đi học. Nếu muốn lên các vị trí cao hơn thì phải có bằng đại học”. Và ông hài lòng với điều đó.

Sau khi nghỉ hưu, ông còn dành nhiều năm đọc mo-rat cho báo Tin tức của TTXVN. Khi rời phố về quê sinh sống, gia sản của ông chẳng có gì ngoài căn nhà tập thể trên tầng 5 Khu tập thể Mai Hương được TTXVN phân. Căn nhà hiện được ông giao lại cho người con trai thứ sinh sống, còn ông nhiều năm về quê chăm nom cho cậu con trai lớn bệnh tật đến khi anh qua đời. Rồi lại vui thú điền viên, an hưởng tuổi già với người vợ hiền đảm đang.

“Giờ tôi chẳng có gì luyến tiếc”

90 tuổi nhưng sức khỏe của ông Vũ Đảo khiến nhiều người trẻ hơn phải ngưỡng mộ. Đeo kính vào, ông vẫn đọc được sách báo, chỉ tên từng người trên bức ảnh gia đình hay ảnh chụp cùng cán bộ hưu trí cơ quan. Hằng ngày, ông vẫn ra nhà văn hóa để tập dưỡng sinh với các cụ trong làng.

“Ở tuổi này rồi nhưng tôi chẳng mắc bệnh tật gì cả. Thuốc lá thì vẫn hút vì không bỏ được, mỗi khi có khách đến chơi phải mời. Còn lại cứ vui vẻ sống”, ông cười nói.

Là cán bộ lão thành của TTXVN, 70 năm tuổi Đảng, ông Vũ Đảo sống rất giản dị, chan hòa và dễ mến. Mỗi khi nhắc tới TTXVN, ông lại tỏ ra rất vui thích. Ông bảo, trước đây còn khỏe, mỗi dịp cơ quan kỉ niệm ngày thành lập hay gặp mặt cán bộ nghỉ hưu ông đều có mặt. Bây giờ yếu rồi nên không đi được, nhưng người con trai thứ vẫn chuyển quà Tết hay quà mừng thọ của cơ quan về cho ông.

Nhắc đến những người con của mình, ông Vũ Đảo thoáng buồn khi con trai lớn đã mất cách đây mấy năm. Anh bị mắc bệnh thiểu năng trí tuệ. Cô con gái cả năm nay đã ngoài 70 nhưng chưa lập gia đình, sống cùng bố. Sát vách là gia đình cô con gái út, có việc gì lại chạy ù qua chăm nom người bố già.

Chú thích ảnh
Ông Vũ Đảo chụp cùng con gái lớn năm nay đã ngoài 70 tuổi.

Ông Vũ Đảo hiện có một người con trai thứ công tác tại TTXVN, một con gái và con rể cũng công tác tại TTXVN nhưng mới nghỉ hưu. Chưa kể mấy người cháu cũng làm tại các đơn vị khác nhau của Thông tấn. Tính ra, gia đình ông có ba thế hệ công tác tại TTXVN. Quả là một chuyện hiếm có trong đại gia đình TTXVN. Hàng chục đứa chắt của ông, biết đâu sau này cũng sẽ có đứa đứng trong hàng ngũ TTX.

Mấy năm trước khi còn bà, ông vẫn cùng bà đi tập thể dục quanh làng. Ngước mắt nhìn di ảnh bà trên ban thờ, ông Vũ Đảo lại dâng tràn một thứ tình cảm thương mến, trân trọng. Không trân trọng sao được khi ông cưới bà khi mới 13 tuổi, bà hơn ông 4 tuổi. Cái thuở cha mẹ đặt đâu con cái không dám cãi. Bà đã đồng hành cùng ông qua chặng đường gần 80 năm, đi qua những cuộc chiến tranh và biết bao gian khó. Ông đi xa công tác, mình bà ở nhà tháo vát trông nom con cái, ruộng vườn.

“Đó đúng là một người phụ nữ Việt Nam chuẩn mực. Tôi không thể chê vào đâu được”, ông Vũ Đảo nhớ lại người vợ cùng làng yêu mến của mình.

Mặc dù bà đã mất được 5 năm, để lại ông một mình trên cõi đời này, nhưng, ông không quá cô đơn bởi các con các cháu vẫn sum vầy quanh ông. Mỗi dịp lễ Tết hay giỗ chạp, khoảng sân trước nhà lại nô nức người đi ra đi vào, bày ra 4 mâm cỗ để các con các cháu, chắt quây quần quanh cụ, quanh ông.

Dẫu biết ai rồi cũng sẽ phải ra đi, nhưng những gì chúng ta để lại trên cuộc đời này mới là điều để mọi người nhớ đến. Thác là thể xác, còn là tinh anh. Ông Vũ Đảo nói, từ giờ tới khi nhắm mắt xuôi tay về với người vợ thảo hiền ông không còn gì phải hối tiếc cả. Bởi ông đã sống cả một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và hoài bão, đã cháy hết mình cho niềm đam mê cầm bút và làm tròn bổn phận của một người chồng, một người cha cũng như trách nhiệm đối với đất nước.

Ấy thế nên giờ đây ông Vũ Đảo có thể ung dung, tự tại an hưởng những ngày tháng viên mãn bên con cháu và “quên hết tuổi già lặng lẽ trôi”.

 

Bài và ảnh: Hoàng Dương/Báo Tin tức
TTXVN giành giải nhất Cuộc thi ảnh 'Nét đẹp công đoàn và người lao động'
TTXVN giành giải nhất Cuộc thi ảnh 'Nét đẹp công đoàn và người lao động'

Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập công đoàn Việt Nam (1929-2019), ngày 10/9, tại Hà Nội, Công đoàn Viên chức Việt Nam tổ chức Lễ trao giải thưởng cho các tác giả có tác phẩm xuất sắc trong Cuộc thi ảnh "Nét đẹp công đoàn và người lao động" do Công đoàn Viên chức Việt Nam tổ chức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN