Năm 2018, Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Ðông đã nhận được trên 60 tác phẩm tham dự. Trong đó có 32 bài tham dự giải thưởng Báo chí với hình thức đa dạng từ báo điện tử, báo in, phát thanh, phim từ 10 cơ quan báo chí khác nhau trên khắp cả nước; 29 bài nghiên cứu Biển Đông và 3 công trình nghiên cứu. Các tác phẩm tham dự thể hiện nội dung phong phú trên các lĩnh vực như: chính trị, kinh tế, lịch sử, giáo dục, quan hệ quốc tế, luật pháp quốc tế, thông tin truyền thông.
Các tác giả tham gia phần lớn là các nhà nghiên cứu đang công tác, học tập tại nhiều tổ chức, viện nghiên cứu, trường đại học và các phóng viên trẻ của nhiều cơ quan báo chí từ mọi miền tổ quốc và từ nước ngoài như Hoa Kỳ, Australia, Đức.
Phát biểu tại buổi Lễ, Đại sứ Lê Công Phụng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Ðông đánh giá, đây là một sự kiện tuy thường niên nhưng rất đặc biệt. Từ khi phát động cuộc thi đến nay đã có nhiều tác phẩm tham dự góp phần thúc đẩy làn sóng trong giới học giả, thanh niên suy nghĩ, đào sâu, theo sát Biển Đông. Nghiên cứu Biển Đông đã bắt đầu lan rộng và có sức lan tỏa rất lớn bởi nó xuất phát từ tâm nguyện của mỗi người Việt Nam.
Đại sứ Lê Công Phụng mong muốn công tác nghiên cứu Biển Đông sẽ ngày càng được đẩy mạnh hơn nữa. Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Ðông sẽ hỗ trợ những tác giả có mong muốn, đam mê nghiên cứu Biển Đông.
Nhận xét về các bài tham dự Giải thưởng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cho biết, các tác phẩm dự thi năm nay có chất lượng không thua kém so với các năm trước đó, phản ánh đa chiều, cập nhật tính thời sự. Các tác giả thể hiện lòng nhiệt huyết và đam mê trong nghiên cứu về Biển Đông và khẳng định Biển Đông vẫn là chủ đề lôi cuốn đối với tầng lớp nhân dân.
Đặc biệt, ông Lê Văn Cương đánh giá cao sự tham gia nghiên cứu của các học giả trẻ, các sinh viên tới từ Học viện Ngoại giao và một số trường đại học khác trên cả nước. Các tác phẩm dự thi đều là những công trình nghiên cứu được đầu tư công phu, đáp ứng được sự quan tâm của dư luận và đưa ra được rất nhiều nhận xét, đánh giá có tính tham mưu cao tới việc hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước.
Tại buổi lễ, chúc mừng các tác giả nhận giải, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Ðông bày tỏ mong muốn, Quỹ phát huy hơn nữa, phục vụ công tác tuyên truyền, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia.
Ông Nguyễn Vũ Tùng cho rằng, thông điệp của các tác phẩm đoạt giải cần được lan tỏa hơn nữa thông qua việc đăng tải trên nhiều ấn phẩm tuyên truyền hoặc tham dự thêm nhiều cuộc thi với những nội dung tương tự. Bên cạnh đó, Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Ðông cần phối hợp với các ban, ngành liên quan tiếp tục tuyên truyền rộng rãi về Biển Đông, nhằm thu hút sự tham ra đông đảo của các trường đại học, góp phần củng cố các cơ sở lập luận của Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo, thúc đẩy phát triển hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Về phía Học viện Ngoại giao, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Ðông khẳng định sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng các lớp học cho các phóng viên trên phạm vi cả nước về các vấn đề biển, đảo để cập nhật kiến thức cũng như khơi dậy được đam mê tìm tòi, nghiên cứu.
Thay mặt cho các tác giả đoạt giải, anh Lê Văn Chương, Báo Biên Phòng, tác giả của bài nghiên cứu đặc biệt xuất sắc năm 2018 “Phương pháp neo tàu trên vùng nước cạn ở quần đảo Hoàng Sa để trụ bão và bám đảo” bày tỏ niềm vinh dự khi lần thứ 3 được nhận giải thưởng, đồng thời đánh giá cao sự nhiệt tình và công tâm của Hội đồng chấm giải.
Theo anh Lê Văn Chương, các tác phẩm nghiên cứu không những là mong muốn đóng góp vào nghiên cứu khoa học của các tác giả mà còn thể hiện tình yêu quê hương, đất nước. Tham gia cuộc thi là cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm quý báu giữa những nhà nghiên cứu, chuyên gia, sinh viên, nhà báo; đồng thời giúp thu nạp thêm kiến thức, theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu khoa học, đóng góp nhất định vào công cuộc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Ban Tổ chức đã chọn lọc và trao “Giải thưởng Nghiên cứu Biển Đông 2018” cho 14 tác phẩm, bài nghiên cứu, công trình nghiên cứu xuất sắc nhất. Trong đó, 5 tác phẩm được trao giải “Bài nghiên cứu xuất sắc”; 3 bài nghiên cứu được trao giải “Bài nghiên cứu đặc biệt xuất sắc”; 1 Công trình nghiên cứu xuất sắc Biển Đông 2018; 5 Giải thưởng Báo chí xuất sắc về Biển Đông.
Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) có 2 tác phẩm đoạt Giải thưởng Báo chí xuất sắc về Biển Đông: Chùm bài "Hướng về Hoàng Sa - Trường Sa" của tác giả Nguyễn Minh Hằng, Nhan Thanh Huyền, Ban Biên tập tin Đối ngoại; Tướng Hoàng Kiền và kỳ tích đưa đất ra Trường Sa của tác giả Trương Thị Xuân Phong, Nguyễn Viết Tôn, Trần Thắng, Báo Tin tức.