Hai vụ cháy ở Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm ngày 13/7 và ở phố Vọng, quận Hai Bà Trưng ngày 19/7, khiến 6 người tử vong còn chưa kịp lắng xuống thì vụ cháy xưởng sản xuất bánh kẹo ngày 29/7 tại Hoài Đức khiến 8 người chết một lần nữa cho thấy, việc quản lý về an toàn phòng chữa cháy và kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy còn nhiều bất cập.
Vụ cháy nhà dân ngày 19/7 tại phố Vọng, Hai Bà Trưng (Hà Nội) khiến 2 người chết. |
Cấp phép xây dựng "lơ là" phòng chữa cháy
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức chiều 30/7, kiến trúc sư, TS. Ngô Doãn Đức (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cho biết, trong các vụ cháy nhà, xưởng vừa qua, hiện trường đều bị bịt kín, vật liệu cháy sập xuống như “cái bẫy chuột”. Điều đó cho thấy việc các công trình xây dựng bị cháy vừa qua chưa quan tâm đến an toàn phòng cháy, chữa cháy
Đây cũng là tình trạng chung ở các đô thị nước ta, nhất là tại những thành phố lớn, người dân tận dụng tối đa diện tích để sinh hoạt, không có khoảng phòng cứu hỏa cũng như đảm bảo thông thoáng môi trường. Lối thoát hiểm có thể có nhưng lại bị bịt kín, hoặc dùng làm kho…
“Người dân cần có ý thức trong đảm bảo an toàn cho chính mình. Hai việc phòng trộm và phòng cháy tưởng chừng như ngược nhau, nhưng nếu người dân có ý thức, có nghĩ đến tình huống cháy thì sẽ có cách xử lý. Chẳng hạn, nên thiết kế then, chốt cài bên trong để ở ngoài thì không mở được, mà bên trong thì có thể mở khi xảy ra cháy. Chứ chống trộm kĩ quá, khi xảy ra cháy sẽ gây khó khăn cho cả việc thoát hiểm và cứu hỏa”, kiến trúc sư Ngô Doãn Đức cho hay.
Cũng theo kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, một bất cập trong quản lý đô thị hiện nay là chia lô đất quá nhỏ. Các nước khác cũng có nhà ống nhưng họ quản lý cháy nổ tốt hơn ta. Đồng thời, có sự lơi lỏng trong cấp phép khiến nhà không đủ điều kiện an toàn, nhưng vẫn được xây dựng…
Khói đen bốc lên từ vụ cháy xưởng sản xuất bánh kẹo tại Hoài Đức, Hà Nội ngày 29/7. |
Phòng hơn chống
Còn theo Đại tá, PGS. TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy (PCCC - Bộ Công an), để hạn chế những hậu quả đáng tiếc, trước hết cần tăng cường an toàn phòng chống cháy nổ tại các khu đông dân cư, các khu chung cư và trong mỗi gia đình.
Khi xảy ra cháy nổ, người dân cần bình tĩnh để thoát hiểm và sử dụng những kỹ năng để đảm bảo tính mạng cho chính mình và người thân. Tuy nhiên, yếu tố khách quan về hạ tầng xây dựng thì rất khó thay đổi, khiến việc tiếp cận hiện trường của lực lượng chữa cháy khó khăn. Do đó, cần thay đổi về mặt chủ quan như tăng cường tuyên truyền về PCCC, cứu nạn cứu hộ trong cộng đồng, nếu lỡ xảy ra hỏa hoạn, các hộ liền kề đều có thể thực hiện các biện pháp tại chỗ, trước khi cảnh sát PCCC tới.
Thực tế qua các vụ cháy, người dân xây “chuồng cọp” quá chắc chắn, hay cửa ra vào chính có mấy lớp, nhất là hệ thống cửa cuốn đang được nhiều nhà ưa chuộng để chống trộm. Tuy nhiên, xây “chuồng cọp” hay lắp cửa cuốn cần phải có phương án dự phòng để thoát hiểm cho chính mình, chứ không nên để bị “nhốt” cứng bên trong khi có sự cố.
“Hộ nhà dân hay hộ chung cư liền kề nên có lối để thoát sang nhà nhau khi cấp thiết. Lẽ nào giữa hàng xóm láng giềng mà không tin tưởng được nhau? Nên có lối để thoát sang nhà hàng xóm như ban công, tầng thượng…”, ông Ngô Văn Xiêm cho hay.
Ngoài ra, khi xảy ra cháy nổ, việc đầu tiên là nghĩ đến thoát hiểm, phải tìm cách ra khỏi đám cháy đến khu vực an toàn, tránh vùng khói độc ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp gây tử vong càng nhanh càng tốt. Các hộ dân nếu có điều kiện cũng nên lắp thiết bị báo cháy, bởi thường các vụ cháy xảy ra trong đêm, nên khi phát hiện cháy lớn thì đã muộn.
Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cũng đã xây dựng nhiều nguyên tắc “vàng” tuyên truyền tới người dân, như: Không sử dụng nhiều đồ, chất dễ cháy nơi đun nấu; chú trọng thiết bị tự ngắt (Aptomat) cho hệ thống điện chung; để xa trẻ em đồ dễ cháy; bố trí nơi thờ cúng hợp lý bằng vật liệu không cháy; kiểm tra kỹ hệ thống điện, bếp trước khi ngủ, đi vắng; ít nhất có hai lối thoát hiểm trong nhà, để sẵn thang, thang dây; chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ tại các khu vực thoát hiểm; khi có cháy tìm cách báo nhanh nhất cho mọi người xung quanh và quan trọng nhất là trao đổi thường xuyên với các thành viên trong gia đình về PCCC.
Về vấn đề này, Trung tá Bùi Quang Việt, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) nhận định: Nguyên nhân các vụ cháy thì có nhiều nhưng chủ yếu là hệ thống thiết bị PCCC tại các khu dân cư, nhà dân thiếu và yếu, thiết bị điện xuống cấp dễ cháy, chập, nổ. Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức PCCC tới từng hộ dân thì mỗi hộ dân cần có ý thức thường xuyên tự kiểm tra các thiết bị an toàn PCCC và tìm hiểu các cách phòng hơn chống.