Long An là tỉnh nằm trong khu vực Tây Nam Bộ. Nhiều năm qua, Long An không ngừng đào tạo phát triển nguồn nhân lực vì đây là nhiệm vụ quan trọng vừa cấp bách, vừa lâu dài, có ý nghĩa quyết định đến phát triển kinh tế - xã hội.
Cơ cấu cán bộ mất cân đối
Theo ông Lê Tấn Dũng - Giám đốc Sở Nội vụ Long An, thời gian qua tỉnh Long An triển khai thực hiện Chương trình giải quyết việc làm và Chương trình đào tạo, phát huy nguồn nhân lực đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trình độ năng lực của đội ngũ các bộ các cấp, các ngành từng bước được nâng lên, tích lũy được kinh nghiệm qua thực tiễn lãnh đạo, quản lý, điều hành. Trong đó, cán bộ chủ chốt cấp tỉnh có 100% đạt trình độ đại học chuyên môn trở lên, 99,34% đạt cao cấp lý luận chính trị; cán bộ chủ chốt cấp huyện có 94,62% và cán bộ chủ chốt xã có 58,17% đều đạt trình độ đại học chuyên môn. Hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh được tập trung đầu tư xây dựng, tạo nhiều thuận lợi cho sản xuất, đời sống và tích cực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho người nghèo hàng năm đều tăng cộng thêm nhiều loại hình doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hình thành, phát triển, tạo ra nhiều việc làm mới, góp phần giải quyết việc làm cho lao động trong nông nghiệp, nông thôn.
Phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ lâu dài ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long |
Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ thuộc hệ thống chính trị các cấp, các ngành trong tỉnh còn tình trạng vừa thừa, vừa thiếu; cơ cấu đội ngũ cán bộ còn mất cân đối, thiếu đồng bộ, chưa hợp lý. Tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề còn thấp; cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; chất lượng dạy nghề tuy từng bước được nâng lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh. Nguồn cung lao động vừa thừa vừa thiếu nên còn một bộ phận lao động chưa có việc làm hoặc có việc làm nhưng thu nhập thấp và không ổn định. Chất lượng giảm nghèo thiếu bền vững, số hộ cận nghèo có nguy cơ tái nghèo cao (trên 20 ngàn hộ, chiếm 5,63% tổng số hộ). Việc huy động các nguồn lực trong cộng đồng phục vụ cho công tác giải quyết việc làm - giảm nghèo còn hạn chế... hệ thống tổ chức bộ máy quản lí chưa đồng bộ và chuyên sâu, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công tác.
Để tránh chảy máu chất xám, tỉnh Long An đã hỗ trợ từ 130-180 triệu đồng/người đối với bác sĩ, dược sĩ hệ chính qui trong và ngoài tỉnh với cam kết công tác tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh từ 10 năm trở lên. Hỗ trợ 100% tiền học phí, dụng cụ học tập, tiền ăn, ở, tài liệu, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho cả khóa học đối với sinh viên chính quy đang học tại các trường đại học y, dược với cam kết về Long An công tác ít nhất bằng 2,5 lần thời gian đào tạo đại học… Bên cạnh đó, ngành y tế dựa theo hình thức cử tuyển và đào tạo theo địa chỉ các đối tượng đào tạo là học sinh phổ thông thi vào các Đại học Y dược hệ chính quy và hệ vừa học vừa làm nâng cao trình độ từ trung cấp đến đại học thông qua chương trình đào tạo cụ thể tại các Trường Đại học Y dược Cần Thơ, Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh…. để đào tạo có hiệu quả tạo nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ bác sĩ phục vụ tốt sức khỏe cho nhân dân tỉnh nhà, đạt mục tiêu Bộ Y tế Quy định đến năm 2015 - 2020 nguồn nhân lực y tế cho tỉnh. |
Cũng theo ông Lê Tấn Dũng, nguyên nhân dẫn đến hạn chế là nhận thức về vai trò, trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền chưa đầy đủ nên thiếu tập trung trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện chương trình, thiếu sự phối hợp đồng bộ. Công tác tuyên truyền, vận động chưa được chú trọng. Cán bộ thực hiện chương trình ở cơ sở thiếu và năng lực hạn chế, chưa làm tốt vai trò tham mưu đề xuất. Còn một số bộ phận người dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thiếu ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững…
Cần phát triển đồng bộ
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, tỉnh Long An xây dựng Chương trình hành động với một số giải pháp trọng tâm, đột phá, trước hết tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tạo mọi điều kiện giải quyết việc làm, đặc biệt là cho lực lượng lao động nông thôn.
Long An đang tập trung xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý. Gắn kết đồng bộ giữa phát triển nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; bảo vệ môi trường sinh thái. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; hệ thống chính trị ở nông thôn trong sạch, vững mạnh.
Tỉnh cũng hoàn chỉnh quy hoạch phát triển nông thôn mới trên địa bàn các xã đến năm 2020. Trên cơ sở quy hoạch, tỉnh tập trung triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2015 có 36 xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Trong nông nghiệp phát triển sản xuất hàng hóa, các ngành nông nghiệp, khoa học tích cực tổ chức tập huấn, hướng dẫn nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, lựa chọn mô hình, phương án sản xuất và có sự liên kết nhằm phát triển trang trại, các tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ liên doanh, liên kết để khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, sản xuất những sản phẩm có giá trị, mang thương hiệu và có sức cạnh tranh cao.
Tỉnh huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ các thành phần kinh tế để cùng với ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước. Phấn đấu từ nay đến năm 2015 huy động 40.000 tỷ đồng đầu tư vào hạ tầng như đường giao thông, điện, nước và tập trung đầu tư các công trình có ý nghĩa chiến lược cho phát triển công nghiệp. Đồng thời, Long An thực hiện đa dạng hóa phương thức tham gia, đóng góp, đảm bảo huy động đóng góp các thành phần kinh tế.
Ông Lê Tấn Dũng - Giám đốc Sở nội vụ Long An, nhấn mạnh, việc khuyến khích, đào tạo nhân tài là một trong những mục tiêu hàng đầu của tỉnh. Qua đây, Long An phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nâng cao đời sống của nhân dân. Đồng thời, tạo nền tảng đến năm 2020 đưa Long An cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp.
Thanh Bình
Ông Trần Hữu Phước, Phó Chủ tịch UBND Long An: Chú trọng đào tạo tại chỗ Hiện tỉnh tập trung thực hiện có hiệu quả “Chương trình phát triển đồng bộ nguồn nhân lực - giải quyết việc làm”; gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với phát triển giáo dục, dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ đáp ứng nhu cầu lao động có tay nghề cho các khu, cụm công nghiệp ở tỉnh và mỗi năm đào tạo từ 17.000-19.000 lao động có tay nghề, giải quyết việc làm từ 30.000-35.000 lao động. Tạo môi trường thuận lợi để các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thu hút nhiều lao động ở nông thôn, từng bước chuyển cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Ông Trần Thanh Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang: Tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU về phát triển giáo dục - đào tạo giai đoạn 2007 - 2010 và định hướng 2015, sự nghiệp giáo dục - đào tạo của tỉnh có chuyển biến tích cực, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao trình độ của con em nhân dân lao động. Từ đó, tạo ra bước ngoặt mới trong chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước nói chung, tỉnh Tiền Giang nói riêng. Bên cạnh đó, cũng còn những tồn tại, hạn chế như công tác lãnh đạo và chỉ đạo chưa tập trung, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên còn nhiều bất cập, tỉ lệ huy động học sinh ra lớp bậc mầm non còn thấp trong khi tỉ lệ học sinh bỏ học ở các khối lớp còn cao... Tiền Giang đề ra các nhóm giải pháp tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư phát triển cũng như xã hội hóa giáo dục. Mục tiêu phấn đấu đến 2015 huy động 20% trẻ trong độ tuổi vào nhà trẻ đồng thời với tập trung xây dựng trường mầm non theo hướng đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu 30% trường đạt chuẩn vào năm 2015. Ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Sở Y tế Long An: Hỗ trợ kinh phí trong đào tạo Nguồn nhân lực ngành y tế tỉnh đang gặp khó khăn so với yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân ngày càng cao, nhất là thiếu bác sĩ, ảnh hưởng đến chất lượng khám và điều trị. Tuy nhiên, tỉnh Long An vừa thu hút nhân lực bằng việc qui định chế độ hỗ trợ kinh phí đối với sinh viên, bác sĩ, dược sĩ trong và ngoài tỉnh về công tác tại Long An. Qua đây, góp phần tạo điều kiện bổ sung lực lượng bác sĩ, dựơc sĩ cho ngành y tế. |