Ông Nguyễn Văn Bền quê ở Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Nhập ngũ năm 1982, ông tham gia đơn vị 950 thuộc Quân khu 9. Sau thời gian huấn luyện, ông tham gia chiến trường Campuchia và bị thương vào năm 1984 tại cảng Công Pom Xom và mất đi vĩnh viễn 2/3 cẳng chân phải, mang thương tật 3/4. Sau khi xuất ngũ, ông trở về với miền quê Chợ Lách, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Năm 1995, ông và gia đình quyết định lên Phước Long (trước kia thuộc tỉnh Sông Bé, từ năm 1997 đến nay thuộc tỉnh Bình Phước) chọn làm quê hương thứ hai để phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Bền về Phước Long lập nghiệp như một duyên nợ. Năm 2012, ông Bền được nhận vào làm quản trang tại Nghĩa trang liệt sỹ Thị xã Phước Long cho đến nay, có nhiều đóng góp giúp khuân viên nghĩa trang ngày càng xanh, sạch đẹp hơn. Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Phước Đinh Ngọc Ngạn cho biết: Trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Bền là người quản trang có trách nhiệm cao trong phần công việc được giao. Đồng chí Bền là người tích cực hướng dẫn giúp đỡ để các gia đình thực hiện phần việc của mình. Trong công tác quản trang, mặc dù là thương binh, nhưng ông Bền rất có trách nhiệm trong việc giữ gìn cảnh quan và vệ sinh toàn nghĩa trang.
Một ngày của ông Bền bắt đầu từ sáng sớm với việc quét dọn khu nghĩa trang rộng 3 ha gồm hơn 1.000 phần mộ. Nhiều năm nay, ông Nguyễn Văn Bền duy trì nếp thắp hương toàn bộ các phần mộ. Việc thắp hương tuần tự vào các ngày đầu tuần, mùng một, ngày rằm và các dịp lễ, Tết. Ngoài ra, ông còn xin hương từ khắp các chùa trong vùng để duy trì thắp hương. Ông Nguyễn Văn Bền chia sẻ: “Ý nguyện không để liệt sỹ lạnh lẽo của tôi đã được các nhà chùa đồng cảm. Mỗi khi cần, nhà chùa lại cho người chở hương đến ủng hộ. Nhờ vậy, việc hương khói được duy trì như tôi mong mỏi”.
Dù cuộc sống riêng còn nhiều vất vả, chân mang thương tật, nhưng ông Bền vẫn luôn tâm huyết tự nguyện với công việc nghĩa tình, nhiều năm không ngơi nghỉ. Ông Bền không chỉ chu toàn công việc tại nghĩa trang liệt sỹ mà còn đau đáu với những đồng đội chưa được "đoàn tụ" cùng gia đình.
Những năm qua, ông Bền không chỉ làm tốt công tác quản trang mà còn có ý tưởng nhân rộng hoa tươi trên các phần mộ liệt sỹ. Đến nay, hầu hết những phần mộ liệt sỹ đều có hoa mười giờ nở rực. Ông Nguyễn Văn Bền cho biết: Lúc trước, tại các phần mộ liệt sỹ cứ nhổ cỏ vài tuần lại mọc lên. Sau này, tôi thấy gia đình thân nhân liệt sỹ đem lên trồng hoa mười giờ thì cỏ mọc lên rất ít. Buổi sáng 8, 9 giờ, tôi thấy hoa nở trên phần mộ nên thấy tâm đắc. Tôi thấy loại hoa này có thể nhân rộng nên đã trồng dần dần. Từ đó, ngoài bản thân tôi trồng còn có chi đoàn của thị xã, các phường, xã hỗ trợ trồng dạm trên các phần mộ liệt sỹ.
“Những ngày gần đây, sáng sớm uống trà, nhổ cỏ, có hoa tươi nở trên phần mộ liệt sỹ là tôi vui nhất. Bản thân tôi không phụ lòng những người đã đề cử giới thiệu vô đây làm quản trang. Mình thấy vui và ấm áp khi làm việc ở đây”, ông Bền vui mừng nói.
Với những công việc làm của mình trong thời gian qua tại Nghĩa trang liệt sỹ Thị xã Phước Long, ông Bền mong muốn những sẽ có thêm nhiều nghĩa cử đẹp tiếp bước để quản trang tốt hơn. “Mình còn làm thì phải phục vụ hết sức cho đồng đội, những người đã nằm xuống. Công việc của bản thân cũng không được trọn vẹn lắm, nhưng trong lòng thấy ấm áp. Mình vui thì có lẽ đồng đội mình cũng vui”, ông Bên chia sẻ.
Thời gian qua, hình ảnh người thương binh với bước chân khập khiễng thắp từng nén hương trên từng phần mộ liệt sỹ đã không còn xa lạ đối với người dân nơi đây. Chị Nguyễn Thị Hường, một chủ cơ sở đá Hoa cương ở khu phố 4, phường Long Phước có nhiều năm gắn bó trong việc làm bia mộ tại Nghĩa trang liệt sỹ Thị xã Phước Long cũng thấu hiểu và trân trọng đối với việc làm thường ngày của thương binh Nguyễn Văn Bền. Chị Nguyễn Thị Hường chia sẻ: Tôi cũng hay làm ở nghĩa trang này. Thấy bác Bền quản trang ở đây cũng lâu năm rồi. Thấy bác làm việc trong nghĩa trang cũng tốt, bác Bền dọn vệ sinh, nhổ cỏ, quét dọn sạch sẽ lắm”.
Những ngày giữa tháng 7, thời điểm cả nước đang bước vào những ngày chuẩn bị cho lễ Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ 27/7 với nhiều hành động nghĩa tình tri ân, những người làm công tác quản trang cũng không khỏi bồi hồi càng nhủ lòng phải nỗ lực hơn với phần việc mình đang đảm nhận. Đối với thương binh Nguyễn Văn Bền, đây cũng là dịp đón tiếp nhiều thân nhân gia đình liệt sỹ, lắng nghe, chia sẻ những câu chuyện xúc động về người đã khuất cũng như gặp lại những người đã vào sinh ra tử một thời mưa bom, bão đạn.