Ông Nguyễn Văn Trợ, nguyên Tiểu đội trưởng dân quân thuộc Trung đội Hiền Lương từng tham gia bảo vệ cầu, cột cờ và tuần tra dọc tuyến sông Bến Hải.
Nơi đây đã khắc ghi tên mình vào lịch sử đi cùng năm tháng với những con người bình dị góp phần làm bản anh hùng ca thầm lặng đã trở thành biểu tượng cho cả một thế hệ sống, cống hiến bằng tất cả tình yêu nước và niềm tin vào ngày mai thống nhất.
Những “cuộc chiến” không tiếng súng
Với những người con vùng giới tuyến như ông Nguyễn Văn Trợ (sinh năm 1936, 55 tuổi Đảng, ở xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh), ký ức về những ngày sống và chiến đấu bên cầu Hiền Lương vẫn vẹn nguyên. Năm 1954, sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, lấy sông Bến Hải, cầu Hiền Lương làm giới tuyến tạm thời, ông Trợ lúc này là Tiểu đội trưởng dân quân thuộc Trung đội Hiền Lương được phân công bám trục chiến đấu tại đây. Ban ngày, ông cùng mọi người lao động sản xuất bình thường. Đêm đến, ông phối hợp với lực lượng Công an Đồn Hiền Lương để bảo vệ cầu, cột cờ và tuần tra dọc tuyến sông.
Nhớ lại một thời kỳ lịch sử, ông Trợ chia sẻ: Thời điểm đó, các cuộc chiến đều khốc liệt từ đấu tranh chính trị, đấu màu sơn cầu, đấu loa đến đấu cờ... Ít ai hình dung rằng, màu sơn của cây cầu Hiền Lương từng là đề tài đấu tranh quyết liệt. Phía ta mong muốn sơn toàn bộ cây cầu bằng một màu xanh, biểu tượng của hòa bình và khát vọng thống nhất. Nhưng chính quyền miền Nam liên tục sơn lại nửa phần cầu phía họ bằng màu khác.
Cứ mỗi lần bị chia đôi bằng hai sắc màu đối lập, quân dân ta lại lập tức sơn lại để cây cầu mang một màu duy nhất như một thông điệp kiên định về khát vọng một lòng vì non sông liền một dải. Không dừng lại ở đó, bên bờ Bắc, một hệ thống loa phóng thanh lớn được dựng lên, phát đi tiếng nói của Chính phủ, của nhân dân, của khát vọng hòa bình. Âm nhạc, kịch nói, dân ca cách mạng vang vọng qua bờ Nam, thấm sâu vào lòng người. Phía đối phương cũng nhanh chóng dựng hệ thống loa lớn hơn, phát thanh xuyên tạc và bóp méo sự thật. Cứ thế, một “cuộc chiến âm thanh” diễn ra liên tục trong suốt thời gian dài.
Trong vô số những trận chiến âm thầm ấy, cuộc đấu cờ hay còn gọi là “chọi cờ” được xem là biểu tượng thiêng liêng và xúc động nhất. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh cột cờ bờ Bắc không chỉ là biểu tượng của Tổ quốc, mà còn là niềm tin, lời nhắn gửi đến đồng bào miền Nam. Mỗi lần cột cờ bị bom đánh gãy, mỗi khi cờ bị rách, lực lượng dân quân lại lập tức dựng lại. Những thân tre, cây phi lao được tìm kiếm, vác về dựng lên giữa bão đạn.
Đến năm 1962, Chính phủ điều Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam gia công một cột cờ đặc biệt, cao 38,6m, kéo lên lá cờ rộng 134 m², nặng 15 kg, trở thành cột cờ cao nhất giới tuyến. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, khi Hiền Lương là nơi chiến tuyến hứng “mưa bom, bão đạn”, ông Trợ cùng với đồng đội và nhân dân đã không quản ngại hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh tính mạng để giữ gìn lá cờ, từng tấc đất, nhành cây bằng tất cả ý chí và lòng yêu nước cho đến ngày non sông thu về một mối.
Người may cờ nơi giới tuyến
Ông Nguyễn Đức Lãng, thành phố Đông Hà (Quảng Trị), người đã có 13 năm may cờ Hiền Lương.
Với người dân Quảng Trị, không ai quên được hình ảnh một người lính đã dành suốt 13 năm cần mẫn từng đường kim, mũi chỉ để may những lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên kỳ đài Hiền Lương. Ông là Nguyễn Đức Lãng (sinh năm 1937), hiện cư trú tại phường 5, thành phố Đông Hà. Năm 1959, ông nhập ngũ, trở thành Trợ lý hậu cần thuộc Ban Hậu cần Công an giới tuyến huyện Vĩnh Linh. Từ năm 1960, ông được giao phụ trách công tác quân trang, trong đó có một nhiệm vụ tưởng chừng đơn giản, nhưng lại vô cùng đặc biệt và thiêng liêng - đó là may cờ Tổ quốc để treo trên kỳ đài Hiền Lương và dọc tuyến từ Hiền Lương lên tới xã Hướng Lập (huyện Hướng Hóa). Thời điểm ấy, lá cờ đỏ sao vàng không đơn thuần là biểu tượng của một quốc gia mà như một tuyên ngôn mạnh mẽ về chính nghĩa, khát vọng cháy bỏng về độc lập, thống nhất thể hiện ý chí kiên cường của miền Bắc đối với miền Nam ruột thịt.
Nhớ lại những năm tháng không thể nào quên, ông Lãng xúc động kể: Ban đầu, chưa có kinh nghiệm, để may một lá cờ lớn rộng 96 m², tôi phải mất đến 7 ngày. Sau này quen tay, có thể rút ngắn xuống còn 2,5 ngày. Để làm nên một lá cờ như vậy, phải cần tới 122 m² vải đỏ và 10 m² vải vàng. Khó khăn nhất là giai đoạn tháng 4/1965 - 1970, chiến tranh ác liệt, bom đạn giội xuống ngày đêm. Đây là thời điểm đế quốc Mỹ bắt đầu mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, với các cuộc ném bom dữ dội nhằm vào các mục tiêu quân sự và dân sự. Khu vực vĩ tuyến 17, nơi đặt cầu Hiền Lương, trở thành một trong những trọng điểm bị không quân Mỹ tập trung đánh phá.
Chúng tôi phải sơ tán, ẩn mình trong hầm trú ẩn, trải bạt để may cờ. Trong thời điểm thiếu thốn, từng mét vải đều quý như máu. Từ khâu đo, cắt đến may ráp đều phải tính toán kỹ lưỡng để tránh hao hụt. Cực nhất là lúc ráp ngôi sao vàng năm cánh, mỗi cánh dài 5m, phải trải ra mặt đất mà hầm trú thì chật hẹp. Ngồi khom lưng giữa bụi bặm, căng từng tấm vải, đưa từng đường chỉ, lúc ấy khát vọng và ước mơ về một ngày mai hòa bình, non sông về một mối luôn đầy ắp trong trái tim mình. Những lá cờ Tổ quốc ngày đó không chỉ là vải vóc, mà là tinh thần, máu thịt, hình ảnh của một dân tộc kiên cường không chịu khuất phục...
Những lá cờ ông Lãng may tung bay kiêu hãnh giữa khói lửa chiến tranh, rực sáng trên kỳ đài Hiền Lương. Hình ảnh đó vẫn sống mãi trong ký ức dân tộc như một phần của hồn thiêng sông núi. Ngày hôm nay, trở về với cuộc sống thường nhật, ông vẫn giữ thói quen may cờ Tổ quốc để treo vào những dịp trọng đại của quê hương như: Lễ Quốc khánh, ngày chiến thắng 30/4, Tết Nguyên đán... Với những đóng góp thầm lặng nhưng vô cùng to lớn, ông Nguyễn Đức Lãng đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến sỹ Giải phóng (hạng Nhất, Nhì, Ba) và Huân chương Chiến sỹ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba).
Lá cờ do ông Nguyễn Đức Lãng may để treo vào những dịp trọng đại của quê hương.
Những người chiến sỹ bình dị như ông Trợ hay ông Lãng chính là nhân chứng sống của lịch sử nhắc nhở chúng ta, những thế hệ trẻ hôm nay tri ân đến các thế hệ cha ông không ngại hy sinh, lặng thầm cống hiến, vun đắp cho ngày thống nhất. Đối với những người đã từng trải qua chiến tranh, hy sinh, đau thương, mất mát hơn ai hết mới hiểu thấu giá trị trọn vẹn của hòa bình. Để hôm nay, trên nền trời xanh của Hiền Lương, lá cờ đỏ sao vàng tung bay là biểu tượng của một dân tộc mạnh mẽ hồi sinh, vươn mình trong kỷ nguyên mới...
Thiếu tướng Hồ Thanh Tự, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Trị chia sẻ: Hai ông Nguyễn Văn Trợ và Nguyễn Đức Lãng là những tấm gương tiêu biểu góp phần quan trọng vào thắng lợi lịch sử của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước. Dù chiến tranh đã lùi xa hơn nửa thế kỷ, song những đóng góp của các đồng chí vẫn còn nguyên giá trị. Mỗi người ở một vị trí, một nhiệm vụ khác nhau nhưng đều có những đóng góp thầm lặng, bền bỉ để làm nên chiến thắng.
Trong kháng chiến, Quảng Trị đã có trên 20.000 cựu chiến binh tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhiều người trong số họ đã trở thành nhân vật lịch sử, góp phần viết nên bản anh hùng ca của dân tộc trên nhiều mặt trận từ chính trị, quân sự đến hậu cần, văn hóa. Cuộc sống hòa bình hôm nay, những người lính cụ Hồ năm xưa vẫn tiếp tục phát huy vai trò trong thời kỳ mới trên mặt trận xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương đất nước cũng như giáo dục thế hệ trẻ...