Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975. Cách mạng Việt Nam đã hoàn thành thắng lợi mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN
Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại La Habana, phóng viên chiến trường người Cuba Luis Arce, người vinh dự được chứng kiến những giây phút đầu tiên của chiến công vẻ vang đó, đã khẳng định rằng đây là một trong những cột mốc quan trọng trong lịch sử đương đại.
Ông nhấn mạnh chiến thắng này có tầm quan trọng vượt ra ngoài không gian-thời gian, bởi vì vào ngày 30/4/1975, nhân dân Việt Nam đã chứng minh một cách rõ ràng rằng các đế chế cho dù có được trang bị vũ khí tốt đến đâu, công nghệ quân sự tiên tiến đến đâu và ảnh hưởng quốc tế mạnh mẽ đến đâu cũng không thể chiến thắng một dân tộc yêu nước.
Theo ông Luis Arce, chiến thắng đó, tức là chiến thắng quân sự của một dân tộc chủ yếu là nông dân, tương phản với sự thất bại của đế chế hùng mạnh nhất thế giới bởi vì không chỉ sự kiêu ngạo của đế quốc bị phá vỡ, mà lịch sử và văn hóa của một dân tộc không gì và không ai có thể khuất phục cũng đã chiến thắng.
Nhà báo Luis Arce bày tỏ: “Tôi rất vui khi được nói về một chiến công vẻ vang đã diễn ra cách đây 50 năm và sẽ trường tồn mãi mãi, đó là sự nghiệp thống nhất đất nước, ước mơ vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặc dù Bác không được tận mắt chứng kiến để tận hưởng khoảnh khắc trọng đại đó, nhưng chúng ta biết rằng Người luôn luôn chắc chắn, cho đến phút cuối đời, rằng điều này sẽ trở thành hiện thực nhờ lòng dũng cảm của người dân Việt Nam và nền văn hóa lâu đời đã làm nên quốc gia đa sắc tộc này”.
Ông Luis Arce chia sẻ vinh dự lớn khi được chứng kiến một phần của cuộc thống nhất đó, và vì lý do này, ông rất biết ơn cuộc phỏng vấn của TTXVN cũng như sự quan tâm đối với một nhân chứng không phải người Việt Nam kể lại về những ngày vinh quang đó và những gì đã in dấu mãi mãi trong cuộc đời ông.
Ông Luis Arce nhấn mạnh rằng: “Tư duy chính trị và chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh là toàn diện và có tầm nhìn phi thường mà chỉ những vĩ nhân như Người mới có thể có. Bác đã nhìn thấy từ rất sớm hiện tại ngày hôm nay, khi tuyên bố rằng nhân dân sẽ chiến thắng quân xâm lược ngoại bang và sẽ xây dựng một đất nước tươi đẹp gấp mười lần”.
Theo ông Luis Arce, mặc dù câu nói của Người chứa đầy chủ nghĩa lãng mạn cách mạng và tình yêu quê hương, nhưng đã vượt lên trên những tình cảm đó vì đã thể hiện quyết tâm vững chắc để giành chiến thắng và đạt được sự thống nhất đất nước.
Ông Luis Arce chia sẻ: “Tôi đã có mặt chứng kiến khoảng khắc những người họ hàng đã không trực tiếp gặp nhau trong hai, ba hoặc thậm chí bốn thập kỷ khóc vì sung sướng. Đó là những khoảnh khắc cảm xúc không thể diễn tả thành lời, phá vỡ mọi khuôn mẫu và chứng minh rằng Việt Nam là một quốc gia duy nhất, không thể chia cắt, như Bác Hồ đã khẳng định, trái ngược với những tuyên bố sai trái của báo chí Mỹ khi đó rằng là Việt Nam có hai quốc gia khác nhau".
Theo đánh giá của nhà báo Luis Arce, đại đoàn kết dân tộc là chìa khóa cho chiến thắng cách đây nửa thế kỷ và vẫn là như vậy trong những trận chiến mới kể từ ngày 30/4 lịch sử đó, nhưng lần này là để đạt được sự phát triển kinh tế xã hội ấn tượng, với việc xây dựng một cơ sở công nghiệp, khoa học và kỹ thuật hiện đại, đưa Việt Nam lên tầm quốc tế, đứng đầu về phúc lợi xã hội và về đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần của người dân.
Nhà báo Luis Arce cho biết chiến tranh, đặc biệt là những cuộc chiến tranh xâm lược như ở Việt Nam, không chỉ để lại những vết thương hở rất khó chữa lành mà còn để lại nhiều bài học giúp nhìn nhận thời đại mới theo một góc nhìn khác. Việt Nam đã ở trong những thời đại mới trong nửa thế kỷ nay, và trong một khoảng thời gian ngắn như vậy, xét về khía cạnh thời gian, Việt Nam đã đạt được thắng lợi về kinh tế và thể chế trong mọi lĩnh vực tri thức và sáng tạo nhờ áp dụng cái mà một số nhà lý thuyết gọi là lịch sử hóa thời gian. Nghĩa là, đất nước, nhân dân, các nhà lãnh đạo, những chủ thể tích cực của mọi tiến trình xã hội, không đi chệch khỏi con đường của những nguyên tắc lâu dài tạo nên "tình cảm dân tộc".
Trong thời đại mới, hình ảnh biểu tượng của Việt Nam không còn là những phụ nữ trong trang phục quần lụa đen, áo bà ba, đội chiếc nón lá để lộ mái tóc đen, hay đứa trẻ cưỡi trên lưng trâu, người lính với khẩu súng trường trên vai, đôi chân trần cắm trên đất thiêng với đôi dép cao su mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tôn phong như một phần bản sắc dân tộc. Nhưng những hình ảnh, thuộc tính đó vẫn được lưu giữ trong tâm hồn và trong trái tim, làm nên con người Việt Nam, giống như Bác đã và sẽ luôn là Nguyễn Ái Quốc (Người yêu nước).
Chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975 đã để lại nhiều bài học quý giá, trong đó có tinh thần tự lực, tự cường, luôn vươn lên trong mọi hoàn cảnh khó khăn. Nhà báo Luis Arce khẳng định rằng, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay, Việt Nam là một ví dụ để noi theo về khả năng đạt được sự hội nhập toàn cầu, vì Việt Nam đã làm được điều đó trong thời gian kỷ lục sau một cuộc chiến tranh dài khiến lực lượng sản xuất bị tổn hại nghiêm trọng. Việt Nam đã thúc đẩy các yếu tố hòa bình để vượt qua tình trạng trì trệ kinh tế và vươn lên đỉnh cao của "kim tự tháp" hạnh phúc cá nhân và việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản.
Nhà báo Luis Arce nhấn mạnh Việt Nam và người dân có uy tín và tinh thần vươn lên từ đống tro tàn chiến tranh như “phượng hoàng”, để nói với thế giới rằng hội nhập toàn cầu là con đường phát triển, rằng cạnh tranh kinh tế không phải là xâm lược mà là công cụ hợp tác để đảm bảo hòa bình toàn cầu và phúc lợi của nhân loại.