Người lầm lỡ khó tái hòa nhập cộng đồng

Mặc dù đã có rất nhiều chương trình hỗ trợ vốn, dạy nghề cho người sau cai nghiện, người bán dâm, người nhiễm HIV sau điều trị tại các trung tâm... được triển khai, tuy nhiên số người tìm kiếm được việc làm rất thấp. Việc tiếp cận với các nguồn vốn vay để tự tạo việc làm cũng rất khó khăn.


Đào tạo nghề chưa phù hợp


Có thể nói, để hỗ trợ cho người sau cai nghiện ma túy, người bán dâm… nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng và không quay trở lại con đường cũ, cách tốt nhất hiện nay vẫn là tạo cho họ có công ăn việc làm, thu nhập ổn định. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho những đối tượng này chưa được đạt kết quả như mong muốn.


Người sau cai rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng để hòa nhập vào cuộc sống.


Theo báo cáo của Cục phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), giai đoạn từ năm 2006 - 2010, các trung tâm trong cả nước đã tổ chức cho 30.697 người cai nghiện, 10.896 người bán dâm được học nghề và tạo việc làm. Tuy nhiên, chỉ có 353 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tiếp nhận 15.310 người vào làm việc. Riêng năm 2011, có 4.635 người được giải quyết việc làm sau cai nghiện và 389 người được hỗ trợ vay vốn. Điều đó cho thấy, số đối tượng được hỗ trợ vốn và tạo việc làm còn rất thấp. Lý giải về việc này, ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, cho biết những ngành nghề được đào tạo cho người sau cai nghiện, người bán dâm, người nhiễm HIV chưa phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Theo đó, các chương trình đào tạo chủ yếu dựa vào sự lồng ghép của các đoàn thể địa phương, thời gian dạy nghề còn thấp, chất lượng chưa cao… dẫn đến việc doanh nghiệp khi tiếp nhận những đối tượng này rất khó bố trí công việc phù hợp.


Bác sĩ Đỗ Hữu Thủy, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, cho biết: Qua kết quả nghiên cứu tại Hà Nội, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh cho thấy, người nhiễm HIV hiện nay ở Việt Nam vẫn chủ yếu là người nghiện ma túy, người bán dâm và không có nghề nghiệp ổn định. Đơn cử, tại TP Hồ Chí Minh có 50% người nhiễm HIV không có nghề nghiệp ổn định, 13,5% thất nghiệp và chỉ có 1,4% là công nhân. Đa số những đối tượng trên gặp những khó khăn đặc thù như thiếu vốn (93%), bị kỳ thị (56%), thiếu năng lực sản xuất (22%) do phần lớn trình độ học vấn thấp.

Đồng tình quan điểm trên, bà Phạm Ngọc Phượng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Cần Thơ, cho rằng việc dạy nghề cho các đối tượng sau cai nghiện, mại dâm, nhiễm HIV chưa đáp ứng được nhu cầu của họ. Cụ thể, trong hơn 100 trường hợp được dạy nghề, hỗ trợ việc làm thì chỉ có 3 học viên tìm được việc làm tại các doanh nghiệp. Khi được giới thiệu việc làm, đặc biệt là người nhiễm HIV, thường không đủ sức khỏe để làm việc trong các dây chuyền sản xuất công nghiệp… do vậy họ tự nghỉ làm ở các cơ sở sản xuất và đi làm những công việc khác và sau đó lại bị thất nghiệp.


Thiếu nguồn vốn hỗ trợ


Theo chính sách về hỗ trợ và tạo việc làm, người nghiện ma túy, người bán dâm, người nhiễm HIV sau điều trị sẽ được trợ cấp mức tối thiểu là 750.000 đồng/người để tự tạo việc làm tại nhà, ổn định đời sống. Đây là mức hỗ trợ mà theo các chuyên gia trong ngành là quá ít ỏi, bởi việc mở một cơ sở sản xuất tư nhân phải cần nguồn vốn hàng triệu đồng để đầu tư vào trang bị máy móc, thiết bị.


Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh - Phó Giám đốc dự án Nghiên cứu phòng chống HIV tại nơi làm (Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam), cho rằng người sau cai, người bán dâm, người nhiễm HIV có nhu cầu vay vốn rất lớn để tự tạo việc làm nhưng đa số họ khó tiếp cận vốn vay. “Từ đầu năm 2011, ở tại một số tỉnh thành trên cả nước, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ đã vận động các quỹ tình thương như: Quỹ TYM - do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Quỹ M7 thuộc Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh... cho nhóm đối tượng này vay vốn. Theo đó, những đối tượng trên được vay mức vốn tối đa từ 7 - 30 triệu đồng tùy theo từng ngành nghề, được đào tạo hoặc hướng dẫn về cách tổ chức sản xuất kinh doanh kết nối thị trường. Kết quả, những người được vay vốn đã chứng minh được khả năng hoàn trả vốn 100%, đồng thời họ cũng có được ngành nghề ổn định, tăng thu nhập, tiết kiệm tái đầu tư vào kinh doanh” - bà Ngọc Anh cho biết.


“Tôi cũng từng nghiện ma túy nhưng sau khi cai nghiện trở về nhờ sự hỗ trợ vốn, sự động viên của địa phương, gia đình… tôi đã mạnh dạn mở một cơ sở sản xuất giày, tất trẻ em. Đến nay cơ sở của tôi đã đi vào ổn định và còn giúp giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động khác có hoàn cảnh như tôi. Nếu xã hội bao dung, trao cho chúng tôi niềm tin vào cuộc sống, chúng tôi có thể đoạn tuyện hẳn với ma túy” - chị Mỹ Thanh, một người từng nghiện ma túy ở quận 3, tâm sự.



Bài và ảnh:Hoàng Tuyết

Hỗ trợ chị em trót 'lầm lỡ' tái hòa nhập cộng đồng

Trong thời gian tới, toàn bộ số gái mại dâm đang được quản lý tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội thành phố Hồ Chí Minh sẽ được đưa về địa phương để tái hòa nhập cộng đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN