Cơ sở sản xuất tranh thủ công từ tiêu bản bươm bướm Ánh Kim (thành phố Bảo Lộc) tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người khuyết tật. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm tốtNhững phân tích về xu hướng du lịch và khuynh hướng của nhu cầu thị trường cho thấy, du lịch hiện nay có thể tạo ra thị trường tiêu thụ tốt cho sản phẩm do người khuyết tật làm ra. Bản thân việc tham quan, tìm hiểu cơ sở sản xuất, giao lưu với người khuyết tật cũng có thể là đối tượng của hoạt động du lịch. Tiến sĩ Đỗ Cẩm Thơ, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nhận định: Người khuyết tật trong xã hội hiện đại là những người có nhiều nghị lực, khả năng học hỏi để sản xuất ra nhiều sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Thực tế hiện nay có rất nhiều cơ sở sản xuất của người khuyết tật, hoặc thu hút sự tham gia của người khuyết tật. Sức khỏe của người khuyết tật thường yếu nên việc sản xuất có thể kéo dài hơn người bình thường, nhưng họ lại kỹ lưỡng hơn trong công việc, chăm chút từng chi tiết để tạo ra sản phẩm. Người khuyết tật có những những khiếm khuyết, nhưng họ lại tự bù đắp được tính kiên nhẫn và sự tập trung cao. Chính điều này đã làm nên khả năng sáng tạo và tham gia sản xuất những mặt hàng thủ công truyền thống cần đến sự tỉ mỉ, tính kiên nhẫn của người khuyết tật.
Hiện các cơ sở sản xuất hay các trung tâm xã hội đã định hướng cho lao động người khuyết tật, cung cấp các khóa đào tạo về mỹ thuật để họ có thể sản xuất ra những mặt hàng ngày càng có giá trị tiêu dùng và giá trị thẩm mỹ cao hơn. Sản phẩm của người khuyết tật cũng đa dạng, từ tranh sơn dầu, tranh thêu, mỹ nghệ nan tre, quà lưu niệm, thú nhồi bông, móc khóa, thú giấy, hoa giấy... đến những mặt hàng cao cấp như tranh ghép gỗ, tranh sơn dầu, tranh ghép đá quý... Cũng có nhiều nơi tìm kiếm những hình thức sản phẩm có xuất xứ từ nước ngoài, phù hợp với khả năng sản xuất của người khuyết tật, như gấp giấy Origami, làm búp bê gỗ Matryoshka, búp bê Yoyo, hoa đất sét..., đồng thời hướng dẫn đào tạo người khuyết tật làm ra những sản phẩm có thiết kế công phu.
Một điển hình trong thu hút khách du lịch tiêu dùng sản phẩm của người khuyết tật hiện nay là những điểm dừng nghỉ giữa Hà Nội - Hạ Long, với lưu lượng khách du lịch qua lại khá lớn, các cửa hàng rộng lớn bán hàng thủ công mỹ nghệ, trang sức, trong đó có gian bán sản phẩm thêu thủ công của người khuyết tật với thực tế tham gia xưởng thêu của họ. Không chỉ về hình thức tiêu thụ và bán sản phẩm, đây cũng là điển hình của việc tìm kiếm ngành nghề truyền thống phù hợp khả năng của người khuyết tật, đào tạo việc làm để có sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tuy nhiên, hiện nay chỉ có một số ít những cơ sở, trung tâm hình hành được loại mặt hàng có giá trị thẩm mỹ cao, còn lại đa phần là các loại hàng hóa tiêu dùng và lưu niệm không có giá trị cao, khó có khả năng tiêu thụ. Đây cũng là thực trạng lớn hiện nay. Theo một số đánh giá, đa số hàng hóa, sản phẩm do người khuyết tật sản xuất thực tế không thể thu hút người mua so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường; trong khi các đồ thủ công mỹ nghệ cũng khó tiêu thụ được và chủ yếu do lòng hảo tâm của người mua. Các kênh phân phối tiêu thụ và thị trường hàng hóa, sản phẩm của người khuyết tật chủ yếu tại các chợ, chợ đêm, trung tâm thương mại. Một số nơi thu hút được thành phần tiêu dùng là khách du lịch.
Để giải quyết đầu ra cho sản phẩm người khuyết tật thời gian qua, một số đơn vị, cơ sở sản xuất đã liên kết với các khách sạn, đơn vị kinh doanh du lịch để bày bán sản phẩm cho du khách hoặc mang sản phẩm đi giao lưu, giới thiệu với những nơi khác. Nhưng do tổ chức chưa thường xuyên nên việc tiêu thụ sản phẩm chưa hiệu quả.
Khuynh hướng và xu thế du lịch phù hợpTheo Tiến sĩ Đỗ Cẩm Thơ, du lịch đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của bộ phận lớn người dân trên thế giới. Nếu như những năm 70-80, nhu cầu du lịch chỉ tập trung vào nghỉ ngơi, tắm biển; đến những năm 1990-2000, tập trung vào việc tham quan, tìm hiểu văn hóa và thập kỷ này, nhu cầu du lịch đã bước vào "thế hệ" thứ ba, đó là tìm kiếm, trải nghiệm, tham gia vào các hoạt động tại điểm đến, tìm hiểu cuộc sống và coi mình là một phần của điểm đến. Từ đó, khách du lịch mong muốn tương tác nhiều hơn với cộng đồng địa phương, tìm hiểu, lưu giữ những trải nghiệm, những sản phẩm của người dân tại các điểm đến.
Nhằm thúc đẩy hỗ trợ người khuyết tật thông qua hoạt động du lịch, bà Đỗ Cẩm Thơ cho rằng có thể tập trung vào một số điểm có khả năng trở thành yếu tố đầu vào của sản phẩm du lịch, đó là hoạt động tham quan xưởng sản xuất, giao lưu, tìm hiểu nghề của những lao động là người khuyết tật; mua sắm hàng hóa, sản phẩm do người khuyết tật làm ra.
Bên cạnh đó, cần tìm hiểu nhu cầu thị trường khách du lịch và loại sản phẩm, hàng hóa khách du lịch cần, ưa thích. Các đơn vị muốn có các sản phẩm bán được cho khách du lịch cần tập trung rà soát lại các sản phẩm để hướng dẫn lại loại mặt hàng, chú trọng vào thiết kế, tính thẩm mỹ, chú trọng yếu tố chất lượng, màu sắc thẩm mỹ, kể cả bao bì, đóng gói. Những cơ sở, xưởng sản xuất có khả năng đón tiếp các đoàn khách du lịch cần chỉnh trang lại để bảo đảm ngăn nắp, sạch đẹp, thuận tiện cho việc tham quan, tìm hiểu, giao lưu với lao động là người khuyết tật. Ngoài ra, cũng cần có sự hỗ trợ phối hợp của các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú du lịch trong việc tiêu thụ sản phẩm của người khuyết tật làm ra.
Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Văn Hồi kỳ vọng: Mỗi năm, nước ta đón hơn 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ hơn 70 triệu lượt khách nội địa, chỉ cần mỗi lượt khách bỏ ra 100 nghìn đồng mua sản phẩm của người khuyết tật thì đã thu được hàng trăm tỷ đồng. Khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm sản phẩm của người khuyết tật sẽ là giải pháp thiết thực góp phần tạo việc làm và tiêu thụ sản phẩm cho họ.
Bài 2: Để du lịch dễ tiếp cận với người khuyết tật.