Người đếm sếu đầu đỏ ở Núi Mây

Ở ấp Ba Núi, xã Bình An, huyện Kiên Lương, ai cũng đều biết anh Danh Hiền, người Khmer đã sinh sống ở Núi Sơn Trà suốt hơn 30 năm qua. Gia đình anh sống bằng nghề đập đá thuê cho các công ty khai thác đá, lao động cực nhọc, vất vả lắm mới đủ ăn và nuôi con. Nhưng đổi lại, Danh Hiền và gia đình rất vui khi được người dân ở đây tặng cho danh hiệu “Người đếm sếu”.

Như thường lệ hàng năm, sếu đầu đỏ di trú về Kiên Lương sinh sống. Nhà anh Danh Hiền cách Bãi Sếu ngủ hơn 100 m. Những năm đầu sếu về đây đông lắm, trên 300 con.

Vào những buổi chiều, anh Danh Hiền có thói quen thường ra bờ đất ngắm và đếm sếu. Thế rồi ngắm và đếm sếu trở thành thói quen của anh, như một món ăn tinh thần sau một ngày lao động vất vả.

Tiếng lành đồn xa, vị Đại sứ Đan Mạch và Tiến sĩ Trần Triết trong Hội Sếu Quốc tế đến tìm anh và được anh hướng dẫn đi đếm sếu, tìm đến những bãi ăn, bãi nghỉ, bãi uống của chúng. Tại đây, Tiến sĩ Trần Triết đã chỉ dẫn và tư vấn cho anh nhiều kiến thức về loài chim quý hiếm này.


Qua đó, anh tiếp thu và truyền đạt rộng rãi cho bà con địa phương hiểu và tham gia gìn giữ, bảo vệ môi trường sống của sếu. Và cũng từ đó anh Danh Hiền trở thành cộng tác viên của Tiến sĩ Trần Triết để theo dõi đếm sếu và tuyên truyền bảo vệ bãi ngủ của chúng.

Anh Danh Hiền cho biết: Từ khi được cộng tác với Tiến sĩ Trần Triết, anh được trang bị ống “dòm” hiện đại để đếm sếu và biết ghi chép vào sổ sách được khoa học hơn. Trước đây, mỗi khi mùa sếu về, anh chỉ đếm sếu cho vui theo sở thích.


Bây giờ như thêm một trách nhiệm, mỗi chiều, anh thường xuyên có mặt để đếm sếu. Ngày nào anh bận thì vợ con anh ra đếm và ghi chép vào sổ cẩn thận. Nhờ vậy mà số lượng sếu tăng hay giảm là anh biết ngay.

Nhiều năm gắn bó với công việc đếm sếu đầu đỏ, anh Danh Hiền biết rõ từng đặc tính, đường đi, nước bước của sếu. Hàng năm, sếu di trú về Kiên Lương từ tháng giêng đến tháng 4 dương lịch. Khi trời sa mưa thì chúng “chia tay”.


Mỗi sáng từ 6 giờ, sếu gọi nhau bay đi kiếm ăn. Chiều khoảng 18 giờ là sếu bay về bãi ngủ. Gia đình sếu thường chỉ có 3 con. Con màu đỏ vợt là sếu trưởng thành. Sếu hót là gọi bạn tình… chỉ cần nhìn hướng bay của sếu là anh biết chúng ăn ở cánh đồng nào.

Việc làm của anh Danh Hiền thật đáng trân trọng và qua đó đã có thêm nhiều người đồng hành cùng anh bảo vệ loài chim sếu quí hiếm. Hiểu rõ hoàn cảnh gia đình và lòng nhiệt tâm của anh Danh Hiền, mới đây, một người bạn đã vận động Công ty Dược phẩm TENAMYD PHARMA COP, Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo tỉnh và Tiến sĩ Trần Triết tặng nhà tình thương cho anh trị giá 43 triệu đồng. Và Tết Tân Mão năm nay, gia đình anh Danh Hiền được vui Tết đón xuân trong căn nhà mới ấm áp.

Hoàng Vân – Thanh Nhã

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN