Người dân vùng cao chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại

Do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh được tăng cường liên tục, từ ngày 30/1 đến ngày 4/2, rét đậm, rét hại trên diện rộng đã xảy ra tại tỉnh Điện Biên.

Người dân sống ở đèo Pha Đin đốt lửa sưởi ấm trong thời tiết giá rét. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN

Theo dự báo, tại Điện Biên rét đậm, rét hại tiếp tục diễn ra trên diện rộng đến ngày 6/2; nhiệt độ trong đợt rét đậm, rét hại này phổ biến từ 8 - 10 độ C. Vùng núi cao và khu vực đèo Pha Đin nhiệt độ giảm sâu, dao động từ 1 - 3 độ C, khả năng xuất hiện băng giá. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp độ 1.

Do ảnh hưởng của thời tiết diễn biến cực đoan, những ngày qua, cuộc sống của người dân, nhất là ở các địa phương vùng cao đã bị đảo lộn. Người dân phải thực hiện các biện pháp để ứng phó với giá rét, bảo vệ cây trồng, vật nuôi.

Tại các xã vùng cao Quài Tở, Tỏa Tình, Quài Cang, huyện Tuần Giáo, vào buổi trưa, hơi nước và mây mù vẫn bao phủ bản làng, nền nhiệt ngoài trời ở mức từ 7 - 9 độ C. Trên tuyến Quốc lộ 279 từ thị trấn Tuần Giáo lên đỉnh đèo Pha Đin, nhiều người dân ngồi quây quần quanh đống lửa to để sưởi ấm.

Anh Hà Văn Thanh ở bản Đông, thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo cho biết: Nhiệt độ giảm mạnh đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người dân trong bản. Do thời tiết quá lạnh, người dân chưa thể ra ruộng để canh tác.

Các bản vùng cao như Hua Sa A, Tỏa Tình, Háng Tàu, Chế Á, Lồng... xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo) nằm trên khu vực đèo Pha Đin ở độ cao từ 800 - 1.000 m so với mực nước biển là nơi có hơn 500 hộ với hơn 2.100 nhân khẩu đồng bào dân tộc Mông. Cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn khi nhiệt độ giảm sâu. Để chống chọi với giá lạnh, người dân đốt lửa sưởi ấm trong nhà, bên hiên nhà và ngoài đường. Người dân phải trì hoãn hoạt động sản xuất nông nghiệp nhiều ngày qua.

Người dân chủ động di chuyển đàn trâu từ đồi cao xuống thấp hơn để chống rét. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN

Trước diễn biến cực đoan của thời tiết, người dân các xã Quài Tở, Quài Cang, Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo) đã di chuyển đàn gia súc, nhất là trâu, bò, dê xuống vùng thấp hơn hoặc sang vùng có nhiệt độ cao hơn để tránh rét; chủ động che chắn chuồng trại, bổ sung nguồn thức ăn để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi trong thời tiết giá lạnh.

Bà Phạm Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết: Từ đầu tháng 1/2018 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, huyện đã tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các xã để phòng chống rét cho đàn vật nuôi; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân tập trung các biện pháp phòng chống đói, rét cho gia súc, gia cầm, bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Ngành Nông nghiệp huyện phối hợp với các xã phun tổ chức tiêu độc khử trùng môi trường, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi.


Tại các thôn, bản thuộc các huyện vùng cao của tỉnh Điện Biên như Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Mường Nhé, Mường Chà…, công tác đảm bảo sức khỏe cho người dân; phòng tránh rét cho cây trồng, vật nuôi đang được các địa phương triển khai, thực hiện.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết rét đậm, rét hại, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên đề nghị, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các sở, ngành, đơn vị, các huyện, thị, thành phố thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết; hướng dẫn, thông báo đến các cấp chính quyền, người dân chủ động các biện pháp phòng tránh, nhất là đảm bảo sức khỏe cho người già, trẻ em... Các trường học căn cứ tình hình thực tế chủ động cho học sinh nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp.

Các địa phương tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các hộ chăn nuôi che chắn chuồng trại, giữ khô nền, ấm chuồng và đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi; chủ động dự trữ thức ăn tinh và thô, đảm bảo phòng chống đói rét cho đàn gia súc; đưa gia súc, gia cầm về nơi tránh trú, không thả rông...

Văn Dũng - Hải An (TTXVN)
Đắk Lắk 'khát' lao động thu hoạch hồ tiêu
Đắk Lắk 'khát' lao động thu hoạch hồ tiêu

Đắk Lắk đang bước vào vụ thu hoạch hồ tiêu nhưng các nhà vườn cho biết, năm nay, mặc dù giá nhân công tăng lên 200.000 đồng/lao động/ngày (tăng hơn so với vụ thu hoạch năm ngoái 50.000 đồng), bao luôn cơm trưa, ăn nhẹ giữa buổi nhưng vẫn khó khăn trong việc tìm lao động thuê để thu hái hồ tiêu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN