Sự việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc khắc phục hậu quả mưa bão cũng như cơ cấu tái sản xuất và gây bức xúc cho bà con nuôi trồng thủy sản nơi đây.
Theo thống kê của Hiệp hội Nuôi trồng thủy sản xã Hoằng Châu, cơn bão số 10 năm 2017 đã gây ảnh hưởng cho 157 hộ nuôi trồng thủy sản của xã với tổng thiệt hại hơn 15 tỷ đồng. Khi đó, cơn bão số 10 ập vào đúng thời điểm thủy triều dâng cao, cường độ bão mạnh nên các bờ bao vùng nuôi trồng thủy sản của các hộ dân xã Hoằng Châu bị vỡ, ngập nước khiến toàn bộ số tôm, cua, cá với diện tích trên 435 ha chưa kịp thu hoạch đã mất trắng.
Sau bão số 10 các hộ dân đã phải vay mượn để tiếp tục nuôi trồng thủy sản, nhưng đến tháng 5/2018, tại xã Hoằng Châu lại xảy ra dịch bệnh khiến tôm chết hàng loạt. Khó khăn chồng chất khó khăn làm nhiều hộ phải bỏ đầm tôm hoặc phải bán đầm tôm do không còn vốn đầu tư nuôi trồng vụ mới.
Anh Nguyễn Đình Bình, ở xã Hoằng Châu cho biết: “Gia đình tôi có hơn 3 ha nuôi tôm quảng canh là nguồn thu nhập chính của gia đình. Thế nhưng, sau bão số 10 năm ngoái và mới đây là dịch bệnh đã cuốn đi toàn bộ công sức của gia đình. Giờ đây chỉ còn lại các khoản nợ ngân hàng”.
Cùng chung thực trạng, gia đình ông Hoàng Ngọc Anh ở xã Hoằng Châu cũng chưa thể khôi phục sản xuất. Thiệt hại kép khiến gia đình ông Ngọc Anh mất gần 1 tỷ đồng. Tới nay gia đình tìm đủ mọi cách để khôi phục sản xuất cho vụ tới nhưng vẫn chưa tìm ra hướng để tìm nguồn đầu tư.
Cũng theo thống kê của Hiệp hội Nuôi trồng thủy sản xã Hoằng Châu, tính đến thời điểm hiện tại vẫn còn 140 hộ nuôi tôm chưa trả tiền vay vốn của ngân hàng do bị "thiệt hại kép" trong 2 năm liên tiếp vừa qua.
Theo quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai gây ra, mỗi héc ta nuôi thủy sản của người dân xã Hoằng Châu được Nhà nước hỗ trợ mức 5 triệu đồng. Như vậy, với 435 ha của 157 hộ nuôi tôm ở xã Hoằng Châu bị thiệt hại do bão số 10 gây ra, sẽ nhận được khoản tiền hỗ trợ khôi phục sản xuất từ Nhà nước là hơn 2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc chậm hỗ trợ các hộ dân nuôi trồng thủy sản khiến người dân nơi đây nghi ngờ các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đang thiếu minh bạch trong việc chi trả tiền hỗ trợ bão số 10. Bởi lẽ, nhiều xã trong huyện Hoằng Hóa như Hoằng Phong, Hoằng Đông, Hoằng Lưu đã được nhận đầy đủ kinh phí hỗ trợ tái sản xuất, nhưng riêng xã Hoằng Châu 157 hộ dân nuôi trồng thủy sản tại đây đến nay vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản kinh phí hỗ trợ nào.
Để tìm hiểu vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Sơn, Chủ tịch UBND xã Hoằng Châu và được ông Sơn cho biết, về phía UBND xã Hoằng Châu cho tới thời điểm hiện nay mới chỉ nhận được Quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc hỗ trợ Áp thấp nhiệt đới, còn hỗ trợ bão số 10 năm 2017 hiện vẫn chưa có. Do đó, xã chưa có kinh phí để hỗ trợ người dân nuôi trồng thủy sản trong xã. Còn việc các xã khác được nhận là do các xã khác làm hồ sơ sau đã ghép hồ sơ thiệt hại bão số 10 vào hồ sơ thiệt hại do áp thấp nhiệt đới gây ra sau đó nên đã nhận được tiền hỗ trợ sớm.
Ông Nguyễn Đình Tuy, Phó chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa cho hay, việc các hộ dân nuôi trồng thủy sản tại xã Hoằng Châu và một số xã khác của huyện Hoằng Hóa chưa nhận được khoản tiền hỗ trợ của Nhà nước do bão số 10 gây ra là có và lý do là huyện chưa được cấp khoản tiền hỗ trợ này.
“Riêng khoản tiền hỗ trợ cho hộ dân bị ảnh hưởng do áp thấp nhiệt đới gây ra sau bão số 10, huyện Hoằng Hóa đã nhận được và cấp cho người dân. Huyện Hoằng Hóa đã có công văn gửi lên UBND tỉnh Thanh Hóa để trình bày về sự việc người dân chưa nhận được hỗ trợ thiệt hại do bão số 10 gây ra nhưng đến nay vẫn chưa nhận được trả lời từ cấp trên", ông Nguyễn Đình Tuy thông tin.
Như vậy, cùng bị thiệt hại do bão số 10 và áp thấp nhiệt đới gây ra trong thời gian từ 9-14/10/2017 nhưng những vướng mắc trong khâu thống kê thiệt hại, lập hồ sơ của cấp cơ sở đã khiến người dân xã Hoằng Châu chưa nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước.
Do ảnh hưởng của bão số 10 và áp thấp nhiệt đới, từ 9-14/10/2017 trên địa bàn Thanh Hóa có mưa lớn trên diện rộng, kéo dài gây lũ lụt, sạt lở đất… Để khắc phục thiệt hại nặng nề do bão và áp thấp nhiệt đới gây ra, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phải chi tới 325 tỷ đồng; trong đó, nguồn từ ngân sách tỉnh là 50 tỷ đồng, Trung ương hỗ trợ 275 tỷ đồng.