Trước nguy cơ thiếu điện có thể xảy ra sau năm 2020, do lượng điện tiêu thụ tăng trung bình 10%/năm và không có dự án điện lớn nào được triển khai nên điện mặt trời áp mái trở thành biện pháp hữu hiệu giúp đảm bảo cung cấp điện tại chỗ, không tốn tiền và thời gian đầu tư các dự án truyền tải điện.
Người dân vẫn còn băn khoăn
Anh Lục Văn Tân (TP Hồ Chí Minh) đang cân nhắc lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái cho gia đình mình để tiết kiệm chi phí điện hằng tháng. Với diện tích mái nhà khoảng 35m2, qua tìm hiểu, anh Tân có thể lắp đặt hệ thống tấm pin mặt trời công suất 3 kWp (10m2 tương đương 1 kWp).
Công suất điện phát sẽ khác nhau tùy theo từng vùng bức xạ nhiệt. Anh Tân được chuyên gia tư vấn lắp 1 kWp có thể cho 4 kWh điện/ngày, tương đương 120 kWh/tháng. Với dàn pin công suất lắp đặt 3 kWp như gia đình anh Tân thì có thể sản sinh khoảng 360 kWh điện mỗi tháng, bằng khoảng một nửa lượng điện năng tiêu thụ mỗi tháng của gia đình anh.
"Như vậy nếu lắp đặt điện mặt trời thì nhà tôi có thể tiết kiệm được số tiền đáng kể. Tuy nhiên điều tôi phân vân nhất là chi phí lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái dao động khoảng từ 25 - 30 triệu đồng/kWp tùy theo thiết bị của các hãng khác nhau. Chẳng hạn như nhà tôi lắp thì chi phí lên tới 90 triệu đồng", anh Tân băn khoăn.
Lo lắng của anh Lục Văn Tân cũng là điều mà nhiều hộ gia đình còn đang phân vân. Mặc dù biết lắp đặt điện mặt trời sẽ có tác dụng lâu dài, tiết kiệm tiền điện trong nhiều năm. Theo một số tính toán thì có thể hoàn vốn sau 5 năm. Tuy nhiên, không phải hộ nào cũng có đủ tiền để đầu tư ban đầu. Nhất là khi công suất lắp đặt lớn thì chi phí ban đầu bỏ ra lên đến vài trăm triệu đồng.
Ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhận định, giá thành lắp đặt 1 kWp điện mặt trời hiện còn cao, trong khi chưa có chính sách hỗ trợ về vốn vay và các chương trình hỗ trợ chi phí lắp đặt điện mặt trời. Đây là rào cản khiến các hộ dân chưa thể tiếp cận điện mặt trời dễ dàng.
Theo số liệu của EVN, sau 2 năm triển khai, mới có khoảng 1.800 khách hàng (là các công sở, doanh nghiệp, hộ gia đình…) tham gia lắp điện mặt trời áp mái với công suất lắp đặt khoảng 30 MWp, sản lượng điện năng phát lên lưới điện là 3,97 triệu kWh.
“Công suất này rất khiêm tốn so với tiềm năng. Vì vậy, cần phải có thêm chính sách để thúc đẩy việc phát triển nguồn năng lượng này. Bên cạnh đó, khách hàng còn e ngại đầu tư do thiếu thông tin về chất lượng sản phẩm, đơn vị thi công, lắp đặt, chế độ vận hành, bảo hành thiết bị”, ông Trần Đình Nhân nói.
Bên cạnh vấn đề tài chính thì người dân còn băn khoăn về cơ chế mua lại điện dư thừa nếu không sử dụng hết. Mặc dù theo quy định hiện hành tại Thông tư số 16/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời, EVN sẽ lắp đặt miễn phí công tơ 2 chiều để mua lại điện nếu khách hàng có nhu cầu bán.
Tuy nhiên thực tế hiện nay, ngành điện vẫn chưa thể ký hợp đồng mua bán điện mặt trời với khách hàng do chưa có hướng dẫn chính thức về cách thức thanh quyết toán cho khách hàng.
Đại diện EVN cho biết, ngành điện đang chờ hướng dẫn của Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính để thực hiện thanh, quyết toán tiền điện cho các hộ gia đình, công sở đối với phần sản lượng phát lên lưới điện. Lượng điện này hiện được ghi nhận hằng tháng thông qua công tơ 2 chiều.
Thêm ưu đãi để người dân tiếp tục đầu tư
Chính phủ đã ban hành Quyết định 02/2019 để tháo gỡ các vướng mắc về điện mặt trời áp mái, trong đó nêu rõ dự án điện mặt trời áp mái thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều. Khách hàng lắp điện mặt trời áp mái được thanh toán phần điện năng phát lên lưới điện quốc gia.
Tuy nhiên, để điện mặt trời áp mái "bùng nổ" như kỳ vọng, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết đã kiến nghị Chính phủ xem xét cơ chế hỗ trợ các hộ gia đình một phần kinh phí đầu tư ban đầu lắp đặt điện mặt trời áp mái; có cơ chế cho các nhà đầu tư cùng tham gia.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước chưa có cơ chế ưu tiên hỗ trợ cho vay đầu tư. Do vậy Ngân hàng Nhà nước các tỉnh thành cũng chưa thể hướng dẫn các ngân hàng thương mại triển khai cho vay.
Được biết, Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) đã tài trợ Việt Nam khoảng 14 triệu euro để phát triển điện mặt trời. EVN đang đàm phán với phía KfW và đề xuất Chính phủ dành toàn bộ số kinh phí này để khuyến khích, hỗ trợ cho điện mặt trời áp mái.
Nếu được thông qua, mỗi gia đình sẽ được hỗ trợ chi phí lắp đặt từ 2 - 6 triệu đồng, tùy vào công suất. Con số này tuy nhỏ nhưng cũng phần nào hỗ trợ và khuyến khích người dân lắp điện mặt trời nhiều hơn.
Bên cạnh đó, EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương sớm ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 16/2017 để EVN và các đơn vị điện lực chính thức ký kết hợp đồng và thanh toán tiền điện cho khách hàng; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời nói chung và điện mặt trời áp mái nói riêng sau ngày 30/6/2019. Thời gian qua các đơn vị thuộc EVN chỉ mới ký văn bản thỏa thuận với các hộ gia đình mà chưa có hợp đồng chính thức.
EVN cũng tính đến việc sẽ tuyển chọn và thông báo các nhà sản xuất, công ty uy tín lắp đặt điện mặt trời lên trang điện tử của Tập đoàn. Qua đó, người dân có thông tin tham khảo đáng tin cậy để quyết định "chọn mặt gửi vàng".
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều doanh nghiệp cung cấp và lắp đặt các hệ thống điện mặt trời với hàng trăm nhãn hiệu, xuất xứ khác nhau dẫn đến tâm lý người dân e ngại, không dám lắp đặt điện mặt trời. Đồng thời chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các thiết bị liên quan như tấm pin, khung đỡ, inverter để hạn chế các sản phẩm kém chất lượng lưu thông trên thị trường...