Người dân bức xúc vì doanh nghiệp 'dây dưa' đền bù thiệt hại

Người dân xã Bình Phước, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) rất bức xúc khi Nhà máy bột giấy VNT19 (Nhà máy VNT19) đóng tại địa phương, trong quá trình thi công xây dựng đã làm bồi lấp phần lớn diện tích đất ruộng nhưng doanh nghiệp lại bồi thường không thỏa đáng.

Khu vực đất sản xuất bị bồi lấp do phía nhà máy bột giấy VNT19 gây ra. Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN

Báo cáo số 138/BC-ĐU ngày 4/3/2018 của Đảng ủy huyện Bình Sơn nêu rõ, kể từ khi bắt đầu triển khai thi công (năm 2015) đến tháng 11/2017, nhà máy này đã làm bồi lấp kênh mương, đất sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích không sản xuất được là hơn 25.800 m2, trong đó diện tích đất nông nghiệp là hơn 21.200 m2. Từ khi không còn ruộng để canh tác, cuộc sống người dân trong vùng bị đảo lộn, bởi lẽ từ trước đến nay, lúa là cây trồng chính mang lại thu nhập cho họ.

Theo ông Võ Mãi, trưởng thôn Phú Long 3, xã Bình Phước, phía nhà máy cố tình dây dưa việc chi trả tiền thiệt hại nên người dân đã nhiều lần kéo đến nhà máy phản đối, đòi quyền lợi. Điều đó, phần nào ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương.

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021 được tổ chức mới đây ở xã Bình Phước, cử tri đã đặt rất nhiều câu hỏi xoay quanh hoạt động của Nhà máy VNT19; trong đó, đa phần là ý kiến phản đối.

Về vấn đề này, ông Võ Thám, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Bình Sơn cho biết, Nhà máy VNT19 đã có những sai phạm trong quá trình triển khai xây dựng. Thứ nhất, đã “xóa sổ” tuyến đường dân sinh, sản xuất vốn có của dân khiến họ không còn lối lên rừng khai thác keo (70 - 80 ha). Nhiều lần người dân phản ánh, yêu cầu nhà máy hỗ trợ làm đường mới để dân có lối đi nhưng đến nay, nhà máy vẫn “chây ì” chưa giải quyết. Thứ hai, phần diện tích đất canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp nằm ngoài dự án của dân bị bồi lấp, nhà máy vẫn chưa hoàn tất việc hỗ trợ bồi thường. Đến nay, có đến 8 vụ người dân không sản xuất được nhưng nhà máy chỉ mới đền bù 1 vụ.

“Theo huyện, về lâu dài, nếu nhà máy không giải quyết được việc này thì đề nghị nhà máy có phương án thu hồi luôn phần diện tích đất bồi lấp, đền bù một lần cho người dân và giao lại cho địa phương quản lý” - ông Thám nói.

Trước tình trạng trên, đoàn công tác của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi đã trực tiếp xuống hiện trường khảo sát, đánh giá hiện trạng, mức độ bồi lấp. Tại đây, lãnh đạo Sở đã chỉ đạo đơn vị thi công - Nhà máy VNT19 phải sớm hoàn tất việc đền bù thiệt hại cho người dân hoặc có hướng hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho những hộ bị ảnh hưởng, không để tranh chấp kéo dài.

Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu xã Bình Phước nói chung, huyện Bình Sơn nói riêng phải có trách nhiệm thống kê cụ thể, phải làm việc với nhà đầu tư rạch ròi về công tác đền bù vì hiện tại Sở chưa nhận được bất kỳ văn bản nào kê khai số diện tích, số tiền mà Nhà máy VNT19 thực hiện bồi thường cho dân. Nếu huyện giải quyết không được, cơ quan có thẩm quyền sẽ vào cuộc tìm hướng xử lý theo hướng hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như quyền lợi hợp pháp của dân.

Vĩnh Trọng (TTXVN)
Kon Tum: Người dân thi nhau dựng lều chờ... đền bù
Kon Tum: Người dân thi nhau dựng lều chờ... đền bù

Dự án “Đường giao thông kết nối từ đường Hồ Chí Minh đi Quốc lộ 24” được tỉnh Kon Tum phê duyệt đầu tư năm 2017 với tổng mức đầu tư gần 761 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ và vốn đối ứng của địa phương. Từ khi dự án triển khai đo đạc, lập bản đồ địa chính, người dân tại khu vực dự án đã dựng lều, chòi ngay trên trục được quy hoạch cho dự án để chờ đền bù.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN