Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre, mực nước đỉnh triều cao nhất hàng ngày trên các triền sông và kênh rạch trong tỉnh đã đạt đỉnh trong sáng 12/2, cao hơn báo động 3 từ 0cm đến 14cm; sau đó duy trì ở mức trên báo động II đến báo động III trong chiều 12/2, xuống dần từ ngày 13/2 đến ngày 16/2.
Bà Võ Thị Mỹ (75 tuổi), Thị Trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm cho biết, triều cường dâng cao gây ngập xung quanh khu nhà ở, mực nước cao hơn 20cm. Từ nhỏ đến bây giờ, bà Mỹ mới thấy cảnh nước ngập cao như năm nay. Theo bà Mỹ, các năm trước, nước cũng lên nhưng không nhiều, sân nhà bà Mỹ chưa từng bị ngập nước, nhưng năm nay ngập hơn 10cm. Tình trạng ngập nước ảnh hưởng đến đời sống của gia đình, nhất là trong dịp tết. Đường xá đi lại khó khăn, nước ngập còn gây thiệt hại cho ao tôm, ao cá của gia đình.
Để phòng tránh nước ngập, bà Thái Thị Mãi (ấp 7, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm) đã nâng nền nhà hơn 10cm, cao hơn mực nước triều gây ngập nhà bà Mãi vào cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, triều cường năm nay tăng cao, nền nhà bà Mãi vẫn bị ngập. Mặc dù bà Mãi đắp đất tạm xung quanh nhà để ngăn nước, nhưng nước vẫn tràn vào. Bà Mãi phải lên tục dùng xô để tát nước ra ngoài.
Bà Mãi chia sẻ, hai ngày nay triều cường dâng cao, nước ngập ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình. Ngày Tết, bà không dám đi đâu chỉ ở nhà để canh tát nước. Mặt khác, nước ngập ảnh hưởng đến sản xuất của người dân, nước ngập các khu vực nuôi cá, tôm của gia đình. Vườn dừa bị ngập nước gậy rụng trái giảm năng suất. Không chỉ riêng nhà bà Mãi, khu vực ấp 7, ấp 8 xã Châu Bình, nhiều nhà người dân bị ngập nước, đường giao thông ngập hơn 20cm gây khó khăn cho người dân di chuyển.
Ông Đặng Hoàng Lam, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre cho biết, mực nước đỉnh triều cao nhất hàng ngày trên các triền sông và kênh rạch trong tỉnh lên nhanh trong 24 giờ qua theo kỳ triều cường Đầu tháng Giêng Âm lịch ở mức cao hơn báo động 3 từ 0cm đến 14cm. Mực nước cao nhất được ghi nhận tại huyện Chợ Lách, đỉnh triều đạt 198cm, cao hơn báo động III là 8cm.
Ông Đặng Hoàng Lam khuyến nghị, các địa phương cần có kế hoạch bảo vệ, gia cố hệ thống đê bao, chủ động đối phó với tình hình ngập úng, sạt lở, xâm nhập mặn tăng cao do triều cường kết hợp gió Đông Bắc và các tác nhân khác. Đặc biệt là các khu vực trong đê bao nhưng cống mở, các khu vực nội vườn, nội đồng không có cống; các khu vực trũng thấp, khu vực đê bao yếu – ngoài đê bao, khu vực các cồn, cù lao, vùng ven sông rạch, ven biển.