Đồng thời, độ mặn trên các sông chính của tỉnh có xu hướng tăng dần và dự báo đạt đỉnh trong các ngày 8 - 10/2, sau đó xuống dần cho đến ngày 14/2. Do đó, ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh cần theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình để chủ động ứng phó.
Trên sông Cổ Chiên, tại xã Trung Thành Đông, huyện Vũng Liêm, cách cửa sông khoảng 50 - 52km, độ mặn cao nhất là 3 phần ngàn xuất hiện từ ngày 8 - 10/2, sau đó giảm dần. Trên sông Hậu, tại xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, cách cửa sông khoảng 60 - 64 km, độ mặn cao nhất là 1,5 phần ngàn, xuất hiện từ ngày 8 - 10/2, sau đó giảm dần.
Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long yêu cầu trong dịp Tết, các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến, phổ biến thông tin về triều cường, nắng nóng, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, nhất là tại điểm có nguy cơ bị sạt lở và đã sạt lở thời gian gần đây. Ngành chức năng, các địa phương tổ chức kiểm tra mực nước và đo độ mặn thường xuyên, vận hành công trình thủy lợi để lấy nước ngọt, trữ nước tối đa vào hệ thống kênh, rạch, mương, ao, hồ phục vụ sản xuất, dân sinh khi độ mặn xuống thấp.
Đối với cây trồng vụ Đông Xuân 2023 - 2024, ngành chức năng, các địa phương vận động nhân dân tranh thủ nguồn nước ngọt đảm bảo tưới cho diện tích đã xuống giống; tranh thủ lấy, trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; chủ động phòng, chống, ứng phó ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến sản xuất và dân sinh.
Ngành chức năng, các địa phương kiểm tra, hướng dẫn neo đậu lồng, bè nuôi trồng thủy sản đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn, đồng thời nhắc nhở chủ cơ sở nuôi trồng không di dời lồng, bè vào sát bờ, đề phòng sạt lở bờ sông sau khi triều rút gây thiệt hại về người và tài sản.
Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mùa khô năm 2023 - 2024, nắng nóng, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Thời kỳ cao điểm khoảng tháng 2 - 4/2024 có thể xảy ra thiếu nước ngọt cục bộ, xâm nhập mặn vào sâu cửa sông, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.