Người cựu chiến binh đi tìm đồng đội

Đã thành thói quen, cứ đến 14 giờ 15 hàng ngày, ông Phạm Song Toàn (ảnh) (75 tuổi, thôn Văn Xá, Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội) lại bật đài lên nghe chương trình “Nhắn tìm đồng đội”, ghi chép lại thông tin liệt sĩ và gửi về địa phương với mong muốn thân nhân liệt sĩ sớm tìm thấy mộ liệt sĩ.



Ông Toàn kể: “Từng là người lính tham gia những trận đánh ác liệt tại chiến trường Quảng Trị từ 1966 -1973, chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh và sau này về công tác tại địa phương, là Xã đội trưởng rồi Phó Chủ tịch xã, rất nhiều lần gia đình các thân nhân đến hỏi tôi về nơi chôn cất liệt sĩ, khiến tôi rất day dứt. Năm 1995, thân nhân gia đình liệt sĩ Bùi Thanh Huệ, ở cùng huyện Thường Tín, biết tôi từng nhập ngũ cùng ngày và ở cùng đơn vị chiến đấu, cũng đã đến nhờ tôi hỏi thông tin và mong muốn đi tìm hài cốt liệt sĩ để đưa về quê. Chứng kiến nỗi đau mất mát của gia đình, tôi quyết tâm đi tìm hài cốt của bạn”.

Để xác minh thông tin địa điểm chôn cất liệt sĩ Bùi Thanh Huệ hy sinh, ông Toàn đã phải đi tới từng nhà 6 đồng đội cùng đơn vị cũ. Đến giữa năm 1995, khi được tin người chôn cất liệt sĩ Bùi Thanh Huệ đang là cán bộ quân đội đóng quân tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), ông Toàn đạp xe một mạch từ Hà Nội lên Bắc Giang, từ đó xác định nơi chôn cất liệt sĩ Bùi Thanh Huệ tại khu vực bãi Mít, xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Ninh, tỉnh Quảng Trị.

Khi đã biết chính xác nơi đồng đội hy sinh, ông Toàn đi nhờ xe khách của một người làng vào huyện Vĩnh Linh và mang theo cả chiếc xe đạp để tiện đi lại. Từ quốc lộ 1, ông Toàn đạp xe hàng chục cây số giữa trời nắng đến bãi Mít, thì được người dân cho biết khoảng chục ngôi mộ tại đây, trong đó có mộ liệt sĩ Huệ, đã được quy tập về nghĩa trang liệt sỹ huyện Đông Hà (Quảng Trị).

Ông Phạm Song Toàn thường xuyên chăm sóc các ngôi mộ tại nghĩa trang Liệt sĩ xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội.



Tuy nhiên, khi ông Toàn tìm tới Đông Hà thì dấu tích mộ liệt sĩ Bùi Thanh Huệ lại không còn. “Vào các nghĩa trang Đông Hà, tôi rất xúc động khi thấy hàng nghìn mộ liệt sĩ, trong đó có rất nhiều anh em là người Hà Tây (cũ), ông Toàn kể.

Nghĩ rằng không tìm được bạn, nhưng vẫn có thể giúp các gia đình khác tìm được thân nhân, nên ông Toàn vào các nghĩa trang, ghi chép thông tin về liệt sĩ đã hy sinh. Từ Quảng Trị trở về, ông ngồi viết thư gửi lên các báo Hà Tây (cũ), Quân đội nhân dân... đăng tin với hy vọng các gia đình có liệt sĩ biết nơi chôn cất người thân. Cũng bắt đầu từ đấy, một năm đôi lần, thậm chí ba, bốn lần, ông đi xe khách hoặc nhờ xe người quen để đi tìm đồng đội. Vật bất ly thân trong mỗi chuyến đi là chiếc xe đạp và đến đâu có nghĩa trang liệt sĩ, ông lại tìm vào.
Ngay trong xã Nhị Khê cũng có 2 trường hợp liệt sĩ được ông thông tin và đã đưa vê an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã. Anh Nguyễn Đắc Tính, em trai liệt sĩ Nguyễn Đắc Thắng cho biết: “Anh trai tôi hy sinh năm 1970, gia đình cũng đi tìm nhiều nơi nhưng không có thông tin. Vào khoảng năm 2000, ông Toàn báo tin thấy tên anh trai ở nghĩa trang Quảng Trị, gia đình mừng lắm, nên dù hồi đó nhà rất nghèo, đi đường chỉ ăn cơm nắm muối vừng, nhưng tôi vẫn nhờ ông Toàn dẫn vào nghĩa trang Quảng Trị đưa hài cốt anh tôi về. Gia đình chúng tôi rất biết ơn ông Toàn. Ngay trong xã, có nhiều gia đình giờ vẫn đang phải đi tìm hài cốt liệt sĩ nhưng vẫn chưa biết nơi chôn cất”.

Suốt 20 năm qua, ông Toàn đã có 39 chuyến đi đến nghĩa trang liệt sĩ các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế và ghi chép được thông tin của gần 3.000 liệt sĩ. Cũng từ những thông tin này, đã có hàng trăm gia đình tìm được mộ của người thân. Có 15 gia đình liệt sĩ khi nhận được thư đã tìm đến nhờ ông Toàn cùng họ đưa mộ người thân về.
Trong những chuyến đi ấy, có lần ông bị tai nạn, có lần bị bọn xấu trấn lột, có lần ốm suýt chết… nhưng ông vẫn không từ bỏ. Giờ đây, tuổi cao, sức yếu nên ông Toàn ghi chép lại thông tin qua chương trình “Nhắn tìm đồng đội” và gửi thư đến các gia đình với mong muốn người thân có được thông tin về nơi liệt sĩ đã hy sinh. Ở thôn Văn Xá, xã Nhị Khê, tuần hai lần, người ta đều thấy ông Toàn đạp xe lên bưu điện xã gửi thư đi. Ông Toàn cho biết: "Lúc đầu tôi chỉ ghi chép thông tin về người Hà Tây (cũ), nhưng về sau, tôi ghi chép hết".

Từ thực tế đi tìm mộ liệt sĩ, ông Toàn luôn mong muốn Bộ LĐTBXH sớm có dự án gửi thông tin chi tiết liệt sĩ đã hy sinh tại các nghĩa trang về gia đình thân nhân để họ xác định được nơi liệt sĩ hy sinh, giúp cho việc tìm mộ dễ hơn. Với những đóng góp của mình, năm 2013, ông Phạm Song Toàn được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” và Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội tặng bằng khen.
Xuân Minh
Viết để lưu giữ ký ức về đồng đội
Viết để lưu giữ ký ức về đồng đội

“Với thế hệ cầm bút của tôi, cái tên Châu La Việt đã trở nên khá thân thuộc từ những năm đầu chống Mỹ. Với Châu La Việt, thơ với đời, đời với thơ là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn chương và đời lính, hiện thực và mộng mơ”, lời tựa của nhà thơ Hữu Thỉnh...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN