Viết để lưu giữ ký ức về đồng đội

“Với thế hệ cầm bút của tôi, cái tên Châu La Việt đã trở nên khá thân thuộc từ những năm đầu chống Mỹ. Với Châu La Việt, thơ với đời, đời với thơ là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn chương và đời lính, hiện thực và mộng mơ”, lời tựa của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn viết cho tập thơ “5 bài thơ và 5 câu chuyện về lính” của tác giả Châu La Việt.

 

Nhà văn Châu La Việt .

Nhà văn đậm chất lính


Nhà văn Châu La Việt (bút danh Triệu Phong) là con trai của ca sĩ Tân Nhân, người nghệ sĩ gắn bó tên tuổi của mình với những ca khúc đã đi vào lịch sử của âm nhạc Việt Nam như Xa khơi, Tình quê hương, Ru con, Câu hò bên bến Hiền Lương… Anh cầm bút khá sớm, mặc áo lính càng sớm hơn. Những năm tháng ở chiến trường, anh đã tự thể nghiệm ở khá nhiều thể loại, nhưng say đắm nhất là thơ.


Anh là một cái tên ấn tượng trên văn đàn. Ấn tượng vì văn chương đậm chất lính và tính cách “anh cả” trong mọi cuộc vui. Cả một đời văn chỉ chuyên viết về người lính, Châu La Việt khiến người đọc choáng ngợp bởi vốn sống ngồn ngộn về chiến tranh cách mạng của anh. Nhiều nhà văn thế hệ của anh viết về người lính, song có lẽ, anh là một trong những người “bị ám ảnh” bởi những năm tháng ấy một cách “nghiệt ngã” nhất.


Nhà văn Châu La Việt kể: Lên đường nhập ngũ năm 1969, sau mấy tháng huấn luyện ở Ninh Bình trong đội hình Sư đoàn 320 B, chúng tôi sớm được tung vào mặt trận, bởi chiến tranh lúc này đã rất gay gắt, quyết liệt. Nhiệm vụ ban đầu của tôi là pháo thủ chiến đấu ở một đơn vị pháo 37 ly thuộc Binh trạm 11, rồi Binh trạm 13 (Cục Vận tải quân sự) bảo vệ con đường vào mặt trận Cánh đồng Chum. Khép lại những vần thơ rạo rực tuổi thanh xuân, khép lại một tình yêu văn học vô bờ bến, tôi trở thành người lính chiến, quần áo tả tơi vì lửa đạn, ngày và đêm đối mặt với máy bay, với bom đạn, ăn ở cũng ngay trên mâm pháo. Và cũng luôn sẵn sàng tinh thần bất kể lúc nào mình cũng có thể ngã xuống.

 

Năm tháng qua đi, 42 năm sau, không biết có là đáng trách hay không, tôi mới có thể bắt tay vào thực hiện được khao khát ngày ấy, dù khao khát này luôn day dứt trong tôi. Đó là vào năm 2011, tôi cùng những người bạn Nguyễn Hiệp, Nguyễn Hiếu, Trần Minh Văn, Trịnh Dũng… có một chuyến đi sang thủ đô Viêng Chăn của nước bạn Lào và được một người con trai của Chủ tịch Xuphanuvông đang giữ cương vị là Thứ trưởng trong Chính phủ Lào, cũng như đại sứ của ta ở Lào lúc ấy là nhà thơ Tạ Minh Châu đón tiếp rất ân tình. Đêm ấy trong một khách sạn ở Viêng Chăn, khi các bạn đã yên ngủ, riêng tôi lại nằm… khóc. Nước mắt cứ trào ra khi nhớ lại tuổi 17 của mình với chiếc ba lô cóc và khẩu súng trên vai.

 

Tôi nhớ những cánh rừng, những con đường, những trọng điểm… Nậm Tiền, Nậm Mật, đèo Đất đèo Đá, rồi Bản Ban, Phunokok… mà đồng đội của mình trong những ngày chiến tranh đã chiến đấu vô cùng gian khổ, vô cùng anh dũng để giúp các bạn Lào giành lại Cánh đồng Chum, để giải phóng nhân dân các bộ tộc Lào.


Tiểu thuyết được mang tên “Tiếng chim hót lánh lót trong rừng” và thật may mắn, nó được cùng 5 cuốn tiểu thuyết của các nhà văn từng khoác áo lính khác đưa vào Chương trình đầu tư sáng tác văn học đề tài Chiến tranh cách mạng năm 2014 của Bộ Quốc phòng, với số tiền 32 triệu đồng.


Nhà văn Châu La Việt chia sẻ: “Thêm một lần để tôi nhớ vô cùng những người đồng đội ở Binh trạm 13, mặt trận Lào ngày ấy. Những người anh, người bạn cùng với tôi một màu áo lính và một tình yêu văn học đến khôn cùng… Với sự đồng tình của nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ quân đội, được Bộ Quốc phòng trao trách nhiệm là thường trực chương trình này, tôi đã xin phép chia số tiền mình được nhận đầu tư thành 10 suất nhỏ hơn, mỗi suất 3 triệu đồng, gửi cho những nhà văn, nhà thơ từng mặc áo lính, từng có nhiều sáng tác hay về đề tài này.

 

Các anh giờ đây đang chống chọi với bệnh tật như nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh; những cựu chiến binh 82 tuổi vẫn bền bỉ sáng tác về người lính như đạo diễn Khắc Tuế; những cây bút đã từng gắn bó với tôi những ngày tháng đạn lửa nơi chiến trường ngày ấy như nhà văn Phan Trung Nhân, nhà thơ Trần Hoàng Hàm… Tôi hy vọng dù giờ đây các anh tuổi đã cao, nhưng với tình yêu văn học vẫn tràn trề từ những năm tháng ấy, các anh có thêm một sự đầu từ nhỏ như một sự chia sẻ để rồi từ cuộc đời người lính của mình, các anh sẽ có thêm cho chúng ta những bài thơ, những trang văn về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng mà các anh hằng ấp ủ bao tháng ngày”.

 

Tình yêu Hà Nội


Hiện nay, nhà văn Châu La Việt đang sống ở TP Hồ Chí Minh, nhưng anh đi về giữa Hà Nội và Sài Gòn như “cơm bữa”. Anh chia sẻ: “Tôi yêu mảnh đất Hà Nội như yêu một thời tuổi trẻ của mình. Yêu cái ngày chúng tôi lên đường nhập ngũ tạm biệt thời hoa niên. Ở đây tôi có nhiều bè bạn, nhiều đồng đội giờ đã ở tuổi đầu hai thứ tóc nhưng chúng tôi vẫn thường gặp nhau mỗi khi có dịp để cùng kể về một thời chưa xa… Anh cũng gửi gắm tâm sự của mình vào 7 tập dầy dặn, bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, kịch: “Những tầng cây săng lẻ”, “Ký sự Miền Nam”, “Mai pi muôn”, “Một buổi sáng nhiều chim”, “Chim vẫn hót cúc cu bên đồi”, “Đất trời như vẫn vang hồi trống giục”…


Sách của anh in số lượng không nhiều, càng không phải để bán, mà hầu hết để tặng những đồng đội của mình năm xưa nơi lửa đạn, để rồi họ đọc như thể xem lại những thước phim chân thực thời trai trẻ của mình. Không chỉ thế, do may mắn có một cuộc sống sung túc hơn nhiều bè bạn, nên anh in khá nhiều sách (trên 30 tập) cho những liệt sỹ đã hy sinh như nhà thơ Lê Anh Xuân, nhà thơ Nguyễn Trọng Định và những tài năng văn học như Hồng Thanh Quang, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thành Phong…


Tôi cảm nhận rằng, với Châu La Việt, viết văn, làm thơ chỉ là cái cớ để anh lưu giữ ký ức về đồng đội, trả nghĩa cho cuộc đời đã cưu mang, bao bọc mình.

 

Nhật Huy

Cảm động khi đọc Nhật ký chiến trường
Cảm động khi đọc Nhật ký chiến trường

Nhật ký chiến trường không chỉ là một cuốn sách. Nó còn là một phần đời của người lính vệ quốc năm xưa được viết với tất cả cảm xúc và trải nghiệm ở nơi khốc liệt nhất của chiến tranh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN