Cảm động khi đọc Nhật ký chiến trường

Nhật ký chiến trường không chỉ là một cuốn sách. Nó còn là một phần đời của người lính vệ quốc năm xưa được viết với tất cả cảm xúc và trải nghiệm ở nơi khốc liệt nhất của chiến tranh. Và vì thế Nhật ký chiến trường không chỉ là cuốn sách. Nó là thứ tài liệu - “hành trang yêu nước” cho nhiều thế hệ hôm nay và mai sau…


Tâm hồn cao đẹp


Nguyễn Tiến Bình là một vị tướng Quân đội nhân dân Việt Nam. Cuốn nhật ký của ông, như ông nói là không phải để in. Với ông, “nhật ký là những gì mình chắt chiu để lại cho cuộc sống”. Có lẽ vì thế mà cuốn Nhật ký chiến trường chỉ được in sau gần bốn mươi năm đất nước hòa bình thống nhất, sau khi tác giả đã qua đời (năm 2013) vì ảnh hưởng di chứng chiến tranh…

 

“Nếu mình ngã xuống trong cuộc chiến đấu này chăng nữa thì cuốn nhật ký cũng là cái còn sống của mình” - Trung tướng Nguyễn Tiến Bình viết như vậy trong cuốn Nhật ký chiến trường. Đó là phẩm chất người lính cụ Hồ: khiêm nhường và chân thật… Đọc Nhật ký chiến trường, chúng ta sẽ hiểu thêm về tâm hồn cao đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ thời chống Mỹ, cứu nước: “Dù có ngã xuống trên đường hành quân thì đầu cũng quay về hướng nam Tổ quốc”, hay: “Dù có phải là người ngã xuống cuối cùng trước giờ ngừng bắn chúng con cũng sẵn sàng vì chúng con hiểu rõ hơn ai hết: Không có chiến công nào không có mất mát, hy sinh.

 

Trung tướng, PGS,TS Nguyễn Tiến Bình sinh năm 1950, quê ở Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh. Gia nhập quân đội năm 16 tuổi (khai tăng tuổi để nhập ngũ), ông trở thành lính đặc công nước, thuộc binh chủng Đặc công. Nguyễn Tiến Bình trực tiếp tham gia vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, có mặt tại Sài Gòn vào trưa ngày 30/4/1075 lịch sử. Ông qua đời năm 2013 tại Hà Nội do căn bệnh hiểm nghèo là di chứng của chất độc hóa học trong chiến tranh… Ông từng giữ chức vụ Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Phó Cục trưởng Cục Chính trị Quân khu 2, Chánh Văn phòng Tổng cục Chính trị, Chính ủy Học viện Quốc phòng.

Những điều mà vì chúng, chúng con phải chấp nhận hy sinh, phải chịu đựng mất mát, đau thương hôm nay sẽ góp phần cùng cả nước giành lại cuộc sống yên vui, hạnh phúc vĩnh viễn cho toàn dân tộc. Những ai biết sống xứng đáng với tư cách của một con người thì không thể trốn tránh trách nhiệm lớn lao, nặng nề và vẻ vang đó”.


Gần 400 trang sách của cuốn nhật ký, có tới một nửa số trang được ghi ở chiến trường Campuchia. Nó được viết từ góc nhìn của người trực tiếp cầm súng trên chiến trường nước bạn, từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước với những góc khuất chưa giãi bày. Ông và đồng đội đã nhận ra bộ mặt phản bội, tráo trở của Khmer đỏ, đặc biệt là khi đơn vị được lệnh hành quân về nước, lính Khmer đỏ đã phục kích bắn chết người đồng đội, người chỉ huy, Tham mưu trưởng của Đoàn 367. Nhật ký chứa đựng những niềm vui, nỗi buồn, cả những mất mát hy sinh của người lính trên chiến trường. Với Nhật ký chiến trường, người đọc sẽ thấy tình yêu nước nồng nàn, tình yêu quê hương, gia đình tha thiết, tình cảm với mẹ cha, anh em, đồng đội sâu sắc của người lính vệ quốc một thời.


“Gần 30 năm trước đã đọc và nay đọc lại nhật ký của anh, tôi vẫn không hiểu tại sao trong những ngày gian lao, bom đạn đầy trời, nhiều khi sống chết chỉ cách nhau trong gang tấc, anh Bình của tôi vẫn tranh thủ viết nhật ký? Nhưng nếu anh không viết, tôi sẽ không bao giờ cắt nghĩa được tại sao gần 40 năm trước, lớp lớp bộ đội Cụ Hồ có thể vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” - nhà phê bình Nguyễn Hòa chia sẻ.

Thế hệ vàng”


Trong cuốn nhật ký, Trung tướng Nguyễn Tiến Bình không chỉ viết về những gian khó hy sinh của người lính trên chiến trường khốc liệt, mà còn dành cho tình đồng chí đồng đội, tình quân dân, về ý chí sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, mà còn gửi vào đó nỗi niềm riêng tư, tình cảm quê hương, gia đình.
Đất nước hòa bình, thống nhất, trung tướng Nguyễn Tiến Bình từ mặt trận trở về. Ông đã nỗ lực học tập và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ triết học. Ông trở thành một trong những tướng lĩnh của quân đội đã trải qua chiến tranh, được đào tạo cơ bản, có tư duy lý luận, có trình độ học vấn…; và đặc biệt, được mọi người rất quý trọng vì ông luôn sống chân thành, trung thực, chí tình, chí nghĩa với đồng chí đồng đội, với gia đình, bạn bè. Nhiều bạn đọc biết đến Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Tiến Bình là một trong những cây bút xuất sắc của quân đội, nhiều công trình nghiên cứu khoa học, nhiều tiểu luận, bài viết của ông được đánh giá cao.


Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Tiến Bình đã ra đi năm 2013. Vì giá trị của cuốn nhật ký, được sự đồng ý của gia đình ông, NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật đã thực hiện việc xuất bản cuốn sách. Qua các trang nhật ký, bạn đọc được biết thêm về thế giới tâm hồn cao đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ thời kháng chiến chống Đế quốc Mỹ, giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Có thể nói, có một “thế hệ vàng” như vậy của một thời oanh liệt. Thế hệ ấy được thừa hưởng, được giáo dục về lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng, về trách nhiệm của thanh niên khi Tổ quốc lâm nguy; và họ đã rèn luyện được nghị lực phi thường để vượt qua gian khổ hy sinh.


Tân Linh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN