Hiện nay, dọc các tuyến đường nội đô, ngoại thành TP Hồ Chí Minh đã tái diễn tình trạng người ăn xin quỳ lạy, bồng bế theo trẻ em để xin tiền. Phần lớn đối tượng xin ăn là người từ các tỉnh, thành khác đến TP Hồ Chí Minh (chiếm tới 80 - 90%). Khảo sát cho thấy, phần lớn đối tượng xin ăn có điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng cũng có một số còn là do ngại lao động nhưng muốn có thu nhập. Trong đó, có một số đối tượng có hành vi ăn xin tái đi tái lại, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của thành phố.
Các đối tượng lang thang, ăn xin thường kiêm luôn bán vé số để qua mặt các cơ quan chức năng. |
Để giải quyết tình trạng trên, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản mới chỉ đạo các cán bộ trên địa bàn quận, huyện, người dân khi phát hiện người ăn xin, lang thang cần hỗ trợ đưa các đối tượng này đến Trung tâm Hỗ trợ xã hội, Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần hoặc các cơ sở bảo trợ xã hội khác. Tại quận huyện, các trung tâm bảo trợ xã hội cần có kế hoạch trợ giúp cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, kịp thời ngăn chặn tình trạng chăn dắt ăn xin hoặc lợi dụng người già, trẻ em đi xin ăn để trục lợi…
Ngoài ra, UBND TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy văn hóa, dạy nghề, tổ chức lao động sản xuất cho đối tượng, đặc biệt là người trong độ tuổi lao động còn sức khỏe; tiếp tục thực hiện các giải pháp hồi hương, hồi gia, hội nhập cộng đồng cho đối tượng lang thang, ăn xin…; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa và huy động sự đóng góp của xã hội để chăm lo cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn...
Các đơn vị tiếp tục mở rộng khu lưu trú cho người cơ nhỡ, đồng thời hỗ trợ, tư vấn cho người các tỉnh thành khác vào TP Hồ Chí Minh tìm kiếm việc làm; xử lý triệt để người có hành vi tổ chức, xúi giục, ép buộc người khác đi xin ăn hoặc lợi dụng người già, trẻ em đi ăn xin nhằm trục lợi; phối hợp tốt ba môi trường (nhà trường, gia đình và xã hội) nhằm phát hiện kịp thời những em có nguy cơ bỏ học, bỏ nhà đi lang thang…