Ngôi nhà thứ hai của các loài thú
Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, Vườn Quốc gia U Minh Thượng được thành lập từ tháng 6/2013. Trung tâm có nhiệm vụ tiếp nhận các cá thể sinh vật bị tịch thu từ các vụ vi phạm pháp luật hoặc được các cá nhân, tổ chức tự nguyện giao nộp để điều trị, phục hồi chức năng của sinh vật. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, các con vật sẽ được tái thả về môi trường sống tự nhiên sau thời gian cứu hộ, chăm sóc. Những sinh vật đã mất bản năng hoang dã, không đủ khả năng tự sinh tồn trong môi trường tự nhiên sẽ được Trung tâm tiếp tục nuôi dưỡng, chăm sóc. Từ đó, góp phần lưu trữ, bảo tồn nguồn gen các loài nguy cấp, quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng.
Các chuồng thú được xây dựng sát nhau, phù hợp môi trường sống của từng loài. Mỗi chuồng nuôi đều có gắn bảng nội dung ghi rõ tên, đặc điểm của từng loài. Đây được xem như những “ngôi nhà” thứ hai của các loài thú. Mỗi con vật đều được theo dõi và giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe thường xuyên. Môi trường nuôi nhân tạo đã và đang giúp một số loài thú quý hiếm thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
Theo ông Sử Hữu Song, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (Vườn Quốc gia U Minh Thượng), hiện Trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc 34 loài động vật hoang dã với 213 cá thể, trong đó có 17 loài động vật nguy cấp, quý, hiếm như rái cá lông mũi, rái cá vuốt bé, vượn má vàng, mèo Bengan, dơi ngựa lớn, cò lạo Ấn Độ, gà đãy Java, kỳ đà vân, cầy hương… Không chỉ đảm bảo an toàn cho các loài động vật, Trung tâm luôn cố gắng tạo môi trường sống tốt nhất, giúp chúng giữ được các tập tính tự nhiên. Mỗi con vật được đưa đến Trung tâm đều được chăm sóc cẩn thận, kỹ lưỡng, chu đáo để chúng mau phục hồi chức năng, đủ khả năng sinh sống khi tái thả về môi trường tự nhiên.
Với mong muốn các động vật hoang dã luôn được bảo tồn, Trung tâm đã thường xuyên tuyên truyền đến người dân không săn, bắt các loài động vật hoang dã trong rừng. Các nội dung tuyên truyền được nhân viên của Trung tâm lồng ghép vào nội dung thuyết minh cho các đoàn du khách đến tham quan. Nhờ đó thời gian qua, nhiều cá nhân đã trực tiếp liên hệ với Trung tâm để bàn giao một số động vật quý hiếm.
Những “bảo mẫu” của muôn loài
Đội cứu hộ động vật của Trung tâm gồm 8 người, tuổi nghề nhiều nhất là 5 năm, ít thì 2 năm. Các anh chị chăm sóc tỉ mỉ từng miếng ăn giấc ngủ của những loài thú và được ví như những “bảo mẫu” của muông thú. 7 giờ là lúc bắt đầu công việc mỗi ngày. Công việc của Đội là thường xuyên túc trực và kiểm tra tình hình sức khỏe của động vật; làm vệ sinh sạch sẽ để bảo đảm môi trường sống cho các loài thú. Thường thì công việc kết thúc vào lúc 17 giờ, nhưng có nhiều hôm phải thức trắng đêm để chăm sóc động vật bị ốm.
Chiếc chuồng sắt có mắt lưới chi chít, bên trong được bố trí những thân cây bắc ngang dọc là nơi ở của rái cá lông mũi. Thấy chị Néang Mala, một trong những “bảo mẫu” người dân tộc Khmer đến, rái cá chạy đến cửa nhận thức ăn là mấy con cá rô đồng. Đây cũng là con vật khiến các anh chị em ở Trung tâm “mất ăn mất ngủ” nhiều nhất.
Chị Néang Mala kể, con rái cá lông mũi được tiếp nhận từ du khách đi tham quan du lịch trong Vườn Quốc gia U Minh Thượng từ năm 2019. Khi ấy, con rái cá này vừa mới sinh và “đi lạc” lên bờ, còn đỏ hỏn. Sau khi tiếp nhận, các anh chị phải thay phiên nhau cho uống sữa, theo dõi sức khỏe hàng ngày. Thấm thoát đã gần hai năm, con rái cá lông mũi thuộc loài quý hiếm được chăm sóc tốt và nay đã lớn.
Ông Sử Hữu Song, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật là người gắn bó với công việc cứu hộ động vật hoang dã nhiều năm nay. Khi gợi đến chuyện cứu hộ, ông như được cởi mở tấm lòng. Ông cho biết, có thể khái quát một câu ngắn gọn thôi: Việc cứu hỏa cấp bách như thế nào thì việc cứu hộ động vật ở đây cũng khẩn cấp như vậy. Có khi chậm chút thôi, thiên nhiên mất luôn một loài động vật quý hiếm.
Làm công việc quen thuộc hàng ngày, anh Lê Thành Tâm xách xô đựng cá tạp và trái cây đến từng chuồng nuôi cá sấu, khỉ, rái cá, lợn rừng... Thấy bóng dáng anh Tâm vừa đến, mấy con vật trong chuồng mừng rỡ chạy đến để nhận thức ăn. Anh Tâm xem việc chăm sóc động vật như chăm sóc con người, cần tỉ mỉ và chu đáo, tận tâm và trách nhiệm. Hàng ngày, anh và các nhân viên ở Trung tâm lo từng miếng ăn, chăm sóc giấc ngủ của từng loài thú.
Dẫn chúng tôi tham quan từng khu chuồng trại, giới thiệu từng đặc điểm của từng loài thú, ông Sử Hữu Song cho biết, các nhân viên ở Trung tâm cố gắng tìm hiểu tập tính, môi trường sống đặc thù của từng loài, phương pháp chăm sóc phù hợp để chúng cảm nhận như mình được sống trong môi trường tự nhiên. Hàng ngày, nhân viên Trung tâm quét dọn các chuồng trại, rửa máng ăn cho các loài thú, cung cấp thức ăn cho phù hợp từng loài, đầy đủ theo nhu cầu. Trung tâm cử nhân viên thường kiểm tra từng con hôm nay ăn nhiều hay ít, ăn thừa hay thiếu để có phương pháp chăm sóc thú tốt hơn.
Khu cứu hộ động vật hoang dã chính thức đi vào hoạt động vào tháng 3/2013. Từ năm 2015 đến nay, Trung tâm tiếp nhận cứu hộ 745 cá thể động vật hoang dã và đã trả về tự nhiên 694 cá thể. Bên cạnh đó, Trung tâm gây nuôi phát triển 5 loài động vật hoang dã, có 3 loài sinh sản thành công trong môi trường nuôi nhốt. Hàng năm, Trung tâm triển khai sinh sản nhân tạo tái thả về môi trường tự nhiên trên 20.000 con cá bản địa (trê vàng, sặc rằn) để bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản.