Nghệ An: Khó quản việc dạy thêm, học thêm ở các nhà trường

Việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm ở các trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn gặp nhiều khó khăn. Thực tế, vẫn còn tình trạng giáo viên tự mở các lớp dạy thêm ở nhà, gây áp lực lên việc học của nhiều học sinh.

Quy định về dạy thêm, học thêm được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT. Thực hiện theo quy định này, trường Trung học cơ sở Nghi Liên (thành phố Vinh) đã tổ chức họp phụ huynh để lấy ý kiến và tổ chức dạy thêm cho những học sinh có nhu cầu đăng ký theo học.

Đến thời điểm này, theo tổng hợp của nhà trường có khoảng 80% học sinh trong trường đã đăng ký học thêm ở các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Riêng học sinh lớp 9, tỷ lệ đăng ký xấp xỉ trên 85% và học sinh theo học 6 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học và học sinh được tổ chức học thêm theo lớp chính khóa.

Một lớp học ở Trường THCS Hưng Dũng (TP Vinh). Ảnh minh họa - baonghean.vn

Thầy Nguyễn Xuân Mạn, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Nghi Liên cho biết: Chủ trương của trường là không bắt buộc học sinh theo học và học không quá 3 buổi/tuần. Số học sinh không đăng ký học thêm chủ yếu tập trung vào những trường hợp hoàn cảnh khó khăn, học sinh xác định sẽ học phân luồng và không thi vào cấp Trung học phổ thông.

Trường Trung học cơ sở Cửa Nam (thành phố Vinh) có khoảng 90% học sinh đăng ký học thêm ở nhà trường. Tuy nhiên, thay vì học theo lớp học chính khóa, nhà trường tổ chức phân loại cho học sinh và dạy học theo trình độ, năng lực. Mức đóng học thêm, nhà trường căn cứ vào quy định chung của Phòng Giáo dục và Đào tạo và không quá 20.000 đồng/buổi.

Toàn trường có 60 học sinh thuộc diện hộ nghèo, khó khăn được miễn học phí. Cô giáo Phan Thị Thanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường không ép buộc học sinh học thêm nhưng thực tế trong chương trình hiện nay nếu chỉ dạy chính khóa thì khó có thể đáp ứng đủ lượng kiến thức.

Theo tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, đến thời điểm này, Sở đã tổ chức cấp phép dạy thêm cho 87 trường Trung học phổ thông và 41 tổ chức, cá nhân. Ở các địa phương, cũng đã tổ chức thẩm định, cấp giấy phép dạy thêm, học thêm cho các trường Trung học cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý. Ngoài dạy thêm có thu tiền, nhiều trường (đặc biệt là ở vùng khó khăn), nhiều giáo viên tình nguyện phụ đạo, bồi dưỡng cho học sinh yếu kém không thu tiền.

Tuy nhiên, kết quả thanh tra của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cũng cho thấy công tác dạy thêm học thêm ở các nhà trường cũng còn một số bất cập. Trong năm học 2016 - 2017, qua kiểm tra cho thấy, nhiều trường tổ chức lớp học thêm còn xếp lớp theo lớp học chính khóa là chưa đảm bảo theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.

Việc xây dựng kế hoạch dạy thêm, học thêm  ở một số trường còn hạn chế như chưa thống nhất được thời lượng học thêm theo từng môn học cho từng khối, lớp; có trường còn để giáo viên dạy thêm tự xây dựng chương trình mà chưa có sự thống nhất của nhóm chuyên môn… Bên cạnh đó, việc quản lý kinh phí dạy thêm ở một số trường chưa đúng quy định, như thu, chi tiền học thêm chưa đưa vào cùng một hệ thống sổ sách kế toán để quản lý và theo dõi, chưa nạp tiền kịp thời vào Kho bạc Nhà nước…

Điều đáng nói, theo Thông tư 17 và các hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, cấm dạy thêm ở những trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày hoặc dạy học ở trường tiểu học. Tuy vậy, vẫn còn tình trạng giáo viên tự mở các lớp dạy thêm ở nhà, gây áp lực lên việc học của phụ huynh và học sinh.

Tại thành phố Vinh, ông Thái Khắc Tân, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết: Những năm qua, tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra trên địa bàn và  nhiều giáo viên tự ý tổ chức dạy thêm, học thêm dù không được cấp phép, không đúng đối tượng, bố trí thời gian không hợp lý (dạy thêm vào buổi tối hoặc ngày nghỉ) gây áp lực cho học sinh…


Để chấn chính tình trạng dạy thêm, học thêm, thành phố Vinh đã tiến hành xử lý 2 giáo viên vi phạm bằng hình thức luân chuyển. Cũng theo ông Thái Khắc Tân, dù đã tăng cường biện pháp xử phạt nhưng việc xử lý vi phạm dạy thêm, học thêm vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là ở các trung tâm.

Cụ thể, có những trung tâm đăng ký tổ chức học tiếng Anh, học kỹ năng nhưng lại tổ chức dạy không đúng chức năng và tổ chức dạy cả những môn văn hóa khác, tổ chức dạy trước cho học sinh chuẩn bị vào lớp 1. Tại trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng, trong dịp hè vừa rồi, nhà trường đã phải xử lý một số giáo viên tự ý tổ chức các lớp dạy thêm trái quy định và không được sự cho phép của nhà trường.

Liên quan đến công tác quản lý dạy thêm, học thêm ở các nhà trường, bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho biết: Nhu cầu dạy thêm và học thêm là nhu cầu thiết yếu và qua đó đã giúp nhiều học sinh từ học lực yếu đã có tiến bộ, giúp những học sinh có năng lực có cơ hội phát triển. Sở sẽ xử lý nghiêm những trường hợp tổ chức dạy thêm trái quy định và lợi dụng việc dạy thêm để gây áp lực cho học sinh.

Bà Nguyễn Thị Kim Chi cũng cho biết: Trước đây có dư luận cho rằng, để thi vào các trường chuyên, học sinh phải đi học thêm ở những giáo viên của trường đó. Để hạn chế tình trạng này, những năm gần đây khi tổ chức thi vào trường Trung học phổ thông chuyên Phan Bội Châu, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An hạn chế tối đa việc để giáo viên của trường này tham gia ra đề thi và chấm thi nhằm đảm bảo khách quan và công bằng cho học sinh.
          
Bích Huệ (TTXVN)
Thanh tra dạy thêm và các khoản phí đầu năm học
Thanh tra dạy thêm và các khoản phí đầu năm học

Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản 746/TTr-NV2 gửi tới Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo trên toàn quốc về triển khai công tác thanh tra năm học 2017-2018.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN