Gia tăng lao động trẻ em do ảnh hưởng COVID -19
Tổ chức Lao động Quốc tế ước tính, vào tháng 4/2020, Việt Nam có từ 4,6 đến 10,3 triệu người lao động có thể bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID -19. Theo ước tính, có hơn một triệu trẻ em từ 5-17 tuổi đang tham gia lao động tại Việt Nam, hơn một nửa trong số đó đang làm những công việc lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Khi đại dịch ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình, những em này thậm chí còn có nguy cơ phải làm việc nhiều giờ hơn hoặc trong điều kiện tồi tệ hơn.
Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết, trong thời gian qua tình trạng lao động trẻ em tại Việt Nam đã giảm đi rất nhiều. Theo khảo sát lao động trẻ em năm 2012 đến khảo sát năm 2018 (sắp được công bố) thì tỷ lệ lao động trẻ em đã giảm từ 9,6%/số trẻ em xuống còn gần 5,4%/số trẻ em. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ tương tự của khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như tỷ lệ chung trên toàn cầu. Thành công này có được một phần nhờ công cuộc giảm nghèo của Việt Nam.
Tuy nhiên, đại dịch COVID – 19 đã ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội, dẫn đến suy giảm nguồn kinh tế, mất thu nhập, mất cơ hội việc làm và nguy cơ tái nghèo của các gia đình cận nghèo, các hộ nghèo, từ đó có nguy cơ làm gia tăng trở lại lao động trẻ em.
Ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh, nghèo không phải là nguyên nhân duy nhất nhưng lại là nguyên nhân lớn nhất làm gia tăng lao động trẻ em. Hầu hết trẻ em phải tham gia lao động, bị bóc lột sức lao động đều xuất phát từ chính yêu cầu, nhu cầu kiếm sống tăng thu nhập cho gia đình của chính các em và cha mẹ.
Đồng tình với quan điểm này, Bà Hoàng Tố Linh, Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam chia sẻ, đại dịch COVID – 19 đã có ảnh hưởng sâu rộng tới nền kinh tế thế giới và gây ra sự suy thoái kinh tế mà theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới là sự suy thoái tồi tệ nhất kể từ khi Thế chiến lần thứ II xảy ra. Thị trường lao động suy giảm làm giảm cơ hội việc làm của cha mẹ dẫn đến khả năng nhiều hộ gia đình sử dụng lao động trẻ em như một phương pháp để đối phó với việc bị mất việc làm, đẩy các em đi lao động để kiếm tiền cho gia đình.
Bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam lại bày tỏ quan ngại rằng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nhiều trẻ em đã không đi học lại khi trường học mở cửa trở lại vào tháng 5 vừa qua. Trong đó, một phần là do các em tham gia vào lao động để giúp đỡ gia đình. Bà Loan cho rằng, lao động trẻ em sẽ cướp đi tuổi thơ của các em; làm các em ko có tương lai tươi sáng; ảnh hưởng tới thể chất và tinh thần; đẩy các em đối mặt với các nguy cơ khác như: phải lao động trong môi trường độc hại, bị mua bán, bóc lột tình dục... đồng thời, các nghiên cứu đã chỉ ra khi tỷ lệ nghèo tăng lên 1% thì tỷ lệ lao động trẻ em sẽ tăng 0,7%. Điều này cho thấy nhà nước cần phải đầu tư vào an sinh xã hội và giảm nghèo để giảm thiểu lao động trẻ em.
Giải quyết lao động trẻ em cần có kế hoạch cụ thể, đồng bộ
Ở Việt Nam cũng như trên thế giới, lao động trẻ em vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Mặc dù luật pháp Việt Nam cấm sử dụng người lao động dưới 15 tuổi nhưng trong thực tế, trẻ em vẫn phải chia sẻ gánh nặng công việc và trách nhiệm gia đình ở cả nông thôn lẫn thành thị. Vấn đề này không thể giải quyết trong một sớm một chiều và đòi hỏi phải có một chiến lược tổng thể, có sự góp sức của cả hệ thống chính trị, cộng đồng trong nước và quốc tế
Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho rằng, trong thời gian qua Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp, thực hiện nhiều chương trình, dự án dài hạn như: chương trình phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em; dự án nâng cao năng lực quốc gia về phòng ngừa lao động trẻ em (ENHANCE); tăng cường truyền thông về bảo vệ trẻ em. Bên cạnh đó, thành tựu giảm nghèo của Việt Nam cũng góp phần giảm số lao động trẻ em tại nước ta…
Tuy nhiên, nhận thức của cộng đồng xã hội ở nước ta hiện nay về lao động trẻ em vẫn còn rất khác nhau; nhiều người còn nhầm lẫn giữa trẻ em cùng cha mẹ tham gia làm việc để hỗ trợ gia đình với các hành vi sử dụng lao động trẻ em vào các hoạt động kiếm sống, làm kinh tế, có dấu hiệu bóc lột, lợi dụng sức lao động của trẻ. Do đó, pháp luật cần có những quy định cụ thể và chặt chẽ về việc sử dụng lao động trẻ em và trẻ em tham gia làm việc.
Các đơn vị liên quan cần nỗ lực thực hiện các đề án, dự án cụ thể về phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em trong khu vực kinh tế không chính thức, nông nghiệp; đặc biệt trong khu vực làng nghề, hộ gia đình. Vì ranh giới giữa trẻ em làm việc và bóc lột trẻ em rất mỏng manh do đó cần phải tiếp tục thực hiện các mô hình, giải pháp giúp các hộ gia đình tiếp tục cải thiện kinh tế, tăng thu nhập mà không để con em mình bị bóc lột sức lao động; để các làng nghề tiếp tục truyền nghề mà không rơi vào tình trạng bóc lột lao động trẻ em; cải thiện nhận thức cho các doanh nghiệp về lao động trẻ em…
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết: “Những tác động của COVID-19 đến bảo vệ trẻ em và vấn đề lao động trẻ em sẽ được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, rút ra bài học để xây dựng kế hoạch tiếp tục lộ trình giảm thiểu lao động trẻ em đến năm 2025 và 2030. Hiện Cục Trẻ em cũng đang cùng Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và một số tổ chức khác xây dựng một chỉ tiêu về thực hiện quyền trẻ em là chỉ tiêu giảm nghèo đa chiều ở trẻ em, bảo đảm thực hiện các Quyền của trẻ em. Chúng ta hãy cùng nỗ lực hành động, đặc biệt trong năm 2021 là năm quốc tế về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em,để đại dịch COVID-19 không thể cản trở các quốc gia hướng đến việc hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, đặc biệt trong đó có mục tiêu về Quyền trẻ em".
Như vậy, giải quyết lao động trẻ em không chỉ là câu chuyện của hội nhập kinh tế, thương mại quốc tế mà là câu chuyện để bảo vệ quyền của trẻ em; tạo cho trẻ tương lai tốt đẹp nhất vì trẻ chính là nguồn nhân lực trong tương lai của đất nước. Nếu tiếp tục để xảy ra lao động trẻ em; trẻ em không được đi học; không được học nghề để có cơ hội việc làm bền vững, đất nước sẽ có nguồn nhân lực tương lai chất lượng thấp kém, vòng tròn nghèo đói sẽ còn luẩn quẩn mãi, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước trong tương lai.