Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đắk Lắk cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 51 trẻ em vị thành niên bị các đối tượng môi giới dụ dỗ đi lao động trái pháp luật tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tính từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có 137 trẻ em bị dụ dỗ bỏ học đi lao động.
Số trẻ em bị các đối tượng dụ dỗ đi lao động trái phép tập trung ở các huyện Ea Kar (13 em), Lắk (20 em), Krông Bông (12 em), Ma Đrắk, Krông Ana… Đa số các em là con hộ đồng bào dân tộc thiểu số, độ tuổi từ 13 - 16, nhiều em còn đang đi học. Qua xác minh, bố mẹ của các em đều không biết thực tế điều kiện làm việc, thời gian làm việc, môi trường sinh hoạt, ăn ở của con em mình. Số trẻ em trên ký hợp đồng lao động rất sơ sài, không có tính pháp lý. Đặc biệt, tiền công của các em không được trả hàng tháng, chỉ được trả một phần nhỏ khi các em về thăm gia đình hoặc khi làm việc hết 2 năm mới được thanh toán tiền công (18 triệu đồng/2 năm).
Theo bà Từ Thị Khanh, Trưởng Phòng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đắk Lắk), tình trạng trên đã được phát hiện từ năm ngoái, năm nay vẫn tiếp diễn. Nguyên nhân chủ yếu là gia đình các em có hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn, thiếu hiểu biết nên dễ bị các đối tượng môi giới dụ dỗ, lôi kéo. Mặt khác, chính quyền nhiều địa phương chưa quan tâm đến công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, khi phát hiện sự việc đã xử lý lúng túng, không dứt điểm.
Để ngăn chặn tình trạng trên, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đắk Lắk chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các ban, ngành hữu quan thực hiện tuyên truyền cho nhân dân các thôn, buôn, trường học những quy định của pháp luật về lao động trẻ em. Đồng thời, nâng cao cảnh giác, nếu phát hiện trẻ em bị dụ dỗ đi lao động trái phép cần báo cho công an khu vực hoặc chính quyền địa phương để xử lý. Bên cạnh đó, phải thường xuyên theo dõi nắm bắt tình hình trẻ em đang trong độ tuổi đi học nhưng không có mặt tại địa phương để có hướng giải quyết...
Anh Dũng