Ngày 20/4: Việt Nam 5 ngày liên tiếp không có ca mới mắc COVID-19; sẽ nới lỏng một bước hoạt động xã hội

Tính đến hết ngày 20/4 là 5 ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19, tổng số ca vẫn là 268 trường hợp. Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, sau khi nghe Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 báo cáo, Thủ tướng chỉ đạo nới lỏng một bước hoạt động xã hội nhưng phải kiểm soát đúng mức.

Hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 51.069 trường hợp, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện 308 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác 10.759 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 40.002 trường hợp.

Riêng trường hợp BN188 từng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 đến nay đã có kết quả xét nghiệm khẳng định âm tính. Cụ thể, xét nghiệm dịch họng và tỵ hầu của BN188 bằng phương pháp RT-PCR tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, BN188 tiếp tục được cách ly theo dõi sức khoẻ tại bệnh viện này.

Nới lỏng một bước hoạt động xã hội nhưng phải kiểm soát đúng mức

Chiều 20/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 báo cáo tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch đã triển khai từ sau cuộc họp ngày 15/4.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 với tất cả các hành khách đi tàu hỏa đến ga Sài Gòn. Ảnh: Mạnh Linh

Thủ tướng đánh giá, các địa phương nhất là thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, đã làm tốt công tác triển khai cách ly xã hội theo tinh thần Kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 ngày 15/4. Ban Chỉ đạo quốc gia đã tham khảo nhiều kênh thông tin, ý kiến chuyên gia để tham mưu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý những vấn đề cụ thể.

Thủ tướng cho rằng tình hình có nhiều tiến triển tốt hơn so với ngày 15/4, nên cần nới lỏng một bước (các hoạt động xã hội) nhưng vẫn phải kiểm soát đúng mức; tránh tư tưởng chủ quan, coi thường để dịch bệnh quay trở lại.

Nhắc lại một số sự việc buông lỏng kiểm soát dẫn đến bùng phát dịch trở lại ở một số nơi trên thế giới, Thủ tướng nhấn mạnh, việc thực hiện chủ trương cách ly xã hội cần tiếp tục được thực hiện nghiêm và đến ngày 22/4 sẽ có những biện pháp mới.

Đánh giá tình hình phòng, chống dịch bệnh, Thủ tướng cho rằng còn hai thành phố có nguy cơ cao và sẽ được xem xét vào ngày 22/4. Bên cạnh đó, các địa phương thuộc các nhóm nguy cơ đã giảm xuống nhiều so với trước đây. Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ để công bố và quyết định các chủ trương phù hợp trong ngày 22/4; đồng thời xem xét phương án hoạt động trở lại bình thường trong tình hình dịch bệnh vẫn xảy ra ở toàn cầu và chưa có vắc xin chữa trị.

Lưu ý rằng nguy cơ lây nhiễm vẫn còn cao, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương cần tiếp tục kiên định thực hiện các nguyên tắc phòng, chống dịch ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng dập dịch khi phát hiện, chữa trị theo phương châm 4 tại chỗ với tinh thần không lơ là, chủ quan, thỏa mãn.

Thủ tướng cho biết, phiên họp vào ngày 22/4 tới, trên cơ sở tình hình thực tế, cấp độ nguy cơ tại các địa phương sẽ được hạ cấp; đồng thời Thủ tướng tin tưởng rằng ngày càng có nhiều tỉnh, thành phố sẽ trở lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên, thời điểm này, vẫn phải tiếp tục thực hiện các biện pháp theo tinh thần Kết luận của Thủ tướng tại phiên họp ngày 15/4.

Thủ tướng lưu ý tinh thần tự quản tại các địa phương, vận động người dân đeo khẩu trang nơi công cộng, không tập trung đông người, không đi lại khi không cần thiết và hạn chế một số ngành, công việc không được khuyến khích hoạt động trong thời điểm này như: Lễ hội, sự kiện thể thao đông người, hoạt động massage, karaoke, vũ trường, trang điểm, sở thú…

Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ hoàn thiện dự thảo để ban hành mới Chỉ thị của Thủ tướng sau ngày 22/4.

“Tiến đến một tình hình bình thường sắp tới nhưng mà bình thường trong điều kiện mới”, Thủ tướng định hướng và nhắc lại rằng cần tránh tư tưởng chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng cũng đồng ý sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28/2/2020 của Chính phủ theo hướng mở rộng, tăng cường xuất khẩu khẩu trang.

Tận dụng thời cơ kiểm soát dịch bệnh COVID-19 để phát triển sản xuất kinh doanh

Cùng ngày, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã họp, thảo luận về các biện pháp "chung sống" với dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho người dân nhưng vẫn phát triển được kinh tế - xã hội.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng: Việc duy trì hoạt động của các doanh nghiệp lớn thời gian qua là kinh nghiệm tốt để các doanh nghiệp khác tham khảo nhằm tổ chức sản xuất lại trong thời gian tới. Bộ Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp phải xây dựng lại quy trình sản xuất kinh doanh, làm việc, đi lại, bảo đảm khoảng cách an toàn… trong thời điểm dịch bệnh hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn dự phòng COVID-19 trong cơ sở sản xuất; xây dựng bảng điểm về phòng, chống dịch bệnh trong nhà máy, xí nghiệp… Dù vậy, để bảo đảm các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch bệnh, Bộ Công Thương cần tổ chức các đoàn kiểm tra, hướng dẫn các địa phương kiểm tra, giám sát đơn vị sản xuất trên địa bàn.

Nhiều thành viên Ban Chỉ đạo nêu, thực tế cho thấy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, lao động tự do, người bán rong… sẽ gặp rất nhiều khó khăn để có thể bảo đảm hoạt động, làm việc trở lại. Vì vậy, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 để nghị Bộ Công Thương cần có văn bản chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn; cụ thể đối với loại hình nhà máy, công xưởng hướng dẫn từ lúc công nhân đi vào, giao nhận ca, ăn uống, đến khi tan ca, đưa đón…

Các địa phương chịu trách nhiệm chính trong hướng dẫn, kiểm ra, giám sát việc thực hiện các quy định an toàn, phòng, chống dịch đối với nhóm các cửa hàng, siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng nhỏ lẻ (sửa xe máy, cắt tóc), lao động tự do, bán hàng rong… trên địa bàn. Trách nhiệm của chính quyền các tỉnh, thành phố rất lớn, tùy vào điều kiện thực tế tại địa phương để có các quy định, hướng dẫn cụ thể, đầy đủ, không được bỏ sót, bỏ lọt.

Thêm 5 ca mắc COVID-19 khỏi bệnh, nâng tổng số người ra viện lên 207 trường hợp

Thông tin từ Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết: Ngày 20/4, cả nước có thêm 5 bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị ở ba cơ sở y tế được công bố khỏi bệnh, trong đó có hai bệnh nhân người nước ngoài và ba bệnh nhân quốc tịch Việt Nam.

Chú thích ảnh
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan (Ninh Bình) trao giấy xuất viện cho bệnh nhân 228. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Cụ thể, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, bệnh nhân số 228 (nam, 29 tuổi, quốc tịch Việt Nam) được công bố khỏi bệnh. Bệnh nhân này vào viện ngày 6/4/2020. Trong quá trình điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 lần 1 vào ngày 12/4/2020; lần 2 vào ngày 14/4/2020 và lần 3 vào ngày 19/4/2020.

Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh), hai bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Đó là bệnh nhân số 210 (nữ, 26 tuổi, quốc tịch Việt Nam), nhập viện ngày 30/3/2020. Bệnh nhân này có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên vào ngày 15/4/2020, lần 2 vào ngày 19/4/2020, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.

Bệnh nhân số 238 (nữ, 17 tuổi, quốc tịch Việt Nam) vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo ngày 4/4/2020. Bệnh nhân có kết quả xét nghiệm nhiều lần âm tính với virus SARS-CoV-2, trong đó các lần xét nghiệm gần đây nhất vào ngày 15/4 và 19/4/2020 đều có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Hiện tại sức khỏe bệnh nhân ổn định, không sốt, không ho, không khó thở, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.

Tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi Thành phố Hồ Chí Minh, bệnh nhân số 224 (nam, 39 tuổi, quốc tịch Brazil, ngày vào viện 1/4/2020) và bệnh nhân số 236 (nữ, 26 tuổi, quốc tịch Anh, vào viện ngày 4/4/2020) đã được công bố khỏi bệnh. Hai bệnh nhân này đã qua 3 lần xét nghiệm, đều cho kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 (lần 1 vào ngày 13/4/2020, lần 2 vào ngày 15/4/2020 và lần 3 vào ngày 17/4/2020), đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.

Các trường hợp trên sẽ tiếp tục được cách ly, theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

Như vậy, tính đến thời điểm này, 207/268 ca mắc COVID-19 ở Việt Nam đã được công bố khỏi bệnh, không có ca nào tử vong.

Học sinh Thủ đô có thể đi học trở lại từ trung tuần tháng 5

Lãnh đạo TP Hà Nội khẳng định, sẽ cho học sinh đi học trở lại nếu diễn biến phòng chống dịch bệnh COVID-19 tốt lên.

Chiều tối 20/4, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo chống dịch COVID-19 của Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Ngô Văn Quý cho biết, thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg đến ngày 22/4.

Liên quan đến việc thời điểm học sinh đi học trở lại, ông Ngô Văn Quý cho biết: “Khi hội tụ điều kiện cần và đủ, chúng ta sẽ triển khai cho học sinh đi học trở lại vào nửa đầu tháng 5/2020".

XC/Báo Tin tức
Thưởng thức điểm đến ngoạn mục, ẩm thực ngon, văn hóa hấp dẫn trong 'Ở nhà cùng Việt Nam'
Thưởng thức điểm đến ngoạn mục, ẩm thực ngon, văn hóa hấp dẫn trong 'Ở nhà cùng Việt Nam'

Ngày 20/4, Tổng cục Du lịch kết hợp với Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) ra mắt bộ sản phẩm “Ở nhà cùng Việt Nam” (Stay at home with Viet Nam) dành cho khách quốc tế, nhằm kết nối và truyền cảm hứng tới du khách trong giai đoạn toàn thế giới đang chống dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN