Tiếp tục triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020, các đơn vị chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung hoàn thiện và trình một số chính sách sẽ có hiệu lực từ năm 2025 như: Quy định phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; Lộ trình lắp đặt hệ thống quan trắc chất thải tự động, liên tục; thực hiện trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất; Vận hành thị trường carbon sớm hơn theo quy định (theo quy định của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, thị trường carbon chính thức vận hành từ năm 2028)...
Trong năm 2025 và những năm tiếp theo, các đơn vị được phân công tiếp tục trình ban hành các quyết định về: Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước đối với sông, hồ liên tỉnh; Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; Cải tạo, phục hồi môi trường đất; phê duyệt tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính; các Thông tư quy định về hoạt động kết nối sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước với thị trường thế giới; Định mức kinh tế-kỹ thuật kiểm kê quan trắc đa dạng sinh học; các văn bản hướng dẫn kỹ thuật và định mức kinh tế-kỹ thuật theo lộ trình đã được Bộ phê duyệt…
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát tất cả các loại giấy phép, thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường liên quan đến người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là đánh giá tác động môi trường. Cùng với đó, kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định về giấy phép, thủ tục hành chính theo hướng phân cấp, phân quyền triệt để cho địa phương, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và người dân; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, công cụ kiểm tra, giám sát việc thực hiện cấp phép, thủ tục hành chính đảm bảo ngăn ngừa hiệu quả các hành vi tiêu cực.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, các đơn vị cần chú trọng công tác tham mưu, xây dựng các cơ chế chính sách, kiểm tra giám sát nhiệm vụ bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật hiện hành, không lấy việc cắt giảm thủ tục hành chính làm thành tích bởi đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Các đơn vị của Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, giám sát và phối hợp tốt với các địa phương để kịp thời xử lý các tồn tại, khó khăn trên tinh thần công khai, minh bạch…
Bộ trưởng giao Thứ trưởng Lê Công Thành chỉ đạo chung, thành lập tổ công tác xử lý dứt điểm các nhóm công việc còn tồn đọng do Chánh Thanh tra Bộ làm tổ trưởng, làm việc trên tinh thần khách quan, minh bạch, có lộ trình, kiểm tra gắn với trách nhiệm của người đứng đầu từng đơn vị.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực ngày 1/1/2022. Luật đã phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị trong việc tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, từ hoạch định chính sách đến tổ chức, giám sát thực hiện. Trong đó doanh nghiệp, người dân phải đóng vai trò trung tâm; Nhà nước đóng vai trò kiến tạo pháp luật, cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường.
Luật với nhiều quy định nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định: Thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào một giấy phép môi trường; đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án. Luật cũng đã thiết kế khung chính sách hướng đến việc hình thành đạo luật về bảo vệ môi trường có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế - xã hội.