Theo người dân sống ven tuyến sông Cái, việc người chăn nuôi vứt xác lợn chết xuống sông đã xảy ra hơn nửa tháng nay, gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của họ.
Ông Đỗ Văn Sanh, ấp 6, xã Xã Phiên, huyện Long Mỹ cho biết: Xác lợn chết đủ kích cỡ, có con được bỏ trong bao tải, có con bị vứt thẳng xuống sông.
Theo ông Mai Văn Thiện, ấp 1, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, những ngày gần đây, cứ một, hai giờ là có bảy, tám xác lợn chết trôi ngang đoạn sông. Do chưa có lực lượng trục vớt nên xác lợn bắt đầu phân hủy, rất hôi thối. Người dân mong ngành chức năng sớm xử lý để giữ vệ sinh môi trường trên đoạn sông này.
Việc một bộ phận người chăn nuôi vứt xác lợn chết xuống sông không chỉ gây ô nhiễm môi trường xung quanh mà còn tăng nguy cơ dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh, khó kiểm soát hơn. Điều đáng nói, tình trạng vứt xác lợn chết xuống sông trên địa bàn huyện Long Mỹ đã từng xảy ra và được chính quyền, ngành chức năng địa phương trục vớt, xử lý xong nhưng đến nay lại tái diễn.
Trước tình trạng trên, ngành Nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản chỉ đạo các huyện tập trung chỉ đạo các xã tuyên truyền để người dân hạn chế vứt xác lợn chết xuống sông, đồng thời thành lập tổ xung kích thực hiện vớt xác lợn chết, tránh ô nhiễm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Thú y thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh. Khi có ổ bệnh xảy ra sẽ dập dịch đúng quy trình, nếu có hiện tượng người dân vứt xác lợn xuống sông sẽ tham gia cùng tổ xung kích vớt xác lợn. Ngành cũng kiến nghị ngành Tài nguyên và Môi trường tham gia cùng các ngành, địa phương kiểm tra để có hướng xử lý, đảm bảo an toàn môi trường.
Ông Trần Chí Hùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang khuyến cáo, hiện nay, dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc xin phòng ngừa và thuốc điều trị, Nhà nước cũng đã có chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi nếu bị thiệt hại. Do đó, khi xảy ra ổ dịch tả lợn châu Phi, người dân phải thông báo với chính quyền địa phương, lực lượng thú y gần nhất để được hỗ trợ dập dịch, tuyệt đối không vứt xác lợn chết ra môi trường.
Sở chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ phối hợp với huyện Hồng Dân (Bạc Liêu), thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) tuyên truyền người dân không vứt xác lợn chết xuống sông và phối hợp xử lý khi có tình trạng vứt xác lợn xuống sông.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang cho rằng thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã tuyên truyền, hướng dẫn xử lý, thông báo định mức hỗ trợ nếu xảy ra thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi đến người chăn nuôi nhưng do một bộ phận người dân nhận thức chưa đầy đủ nên vẫn xảy ra tình trạng vứt xác lợn chết trên các dòng sông, kênh.
Trong kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh cũng như các văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh đều nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu về công tác tuyên truyền, vận động người dân. Trong đó, nội dung đặc biệt quan trọng là không được vứt xác lợn xuống các dòng kênh cũng như giết mổ lợn bị nhiễm bệnh.
Ngày 5/8, UBND tỉnh Hậu Giang có văn bản yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo, thực hiện tiêu hủy, tổng hợp rà soát số lượng lợn bị tiêu hủy trên địa bàn từng huyện. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi; nếu tình trạng vứt xác lợn trên các dòng kênh xảy ra phức tạp, dư luận phản ánh sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tăng cường kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn các địa phương xử lý kịp thời, chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn quản lý. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức tốt các đội xung kích để xử lý kịp thời việc tiêu hủy lợn bệnh không để mầm bệnh phát tán ra môi trường xung quanh. Đặc biệt là ngăn chặn triệt để việc vứt xác lợn chết ra môi trường, xuống lòng sông, kênh, rạch trên địa bàn quản lý làm phát tán lây lan mầm bệnh.
Đối với trường hợp các địa phương xảy ra tình trạng người dân vứt xác lợn chết ra môi trường, xuống lòng sông, kênh, rạch trên địa bàn quản lý mà không có giải pháp xử lý kịp thời, gây bức xúc trong nhân dân thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.