Nạo vét, cải tạo hồ Sông Hỏa hay tận thu khoáng sản?

Việc thi công nạo vét, cải tạo hồ Sông Hỏa, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được triển khai và thi công từ tháng 6/2017. Công ty TNHH Dịch vụ sản xuất Cát Hà làm chủ đầu tư dự án, với thời gian triển khai là 4 năm. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi công nạo vét, cải tạo hồ Sông Hỏa đã có nhiều sai phạm.

Chú thích ảnh
Khu vực lòng hồ Sông Hỏa nước đã cạn gần như trơ đáy những phía chủ đầu tư dự án vẫn không nạo vét, cải tạo.

Dự án nạo vét, cải tạo hồ Sông Hỏa được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chấp thuận chủ trương nạo vét, cải tạo và tận thu vật liệu lòng hồ bằng hình thức xã hội hóa.

Đây là một trong năm dự án nạo vét, cải tạo hồ trên địa bàn tỉnh đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; Phương án cải tạo, phục hồi môi trường, cấp quyền khai thác khoáng sản và cấp giấy phép khai thác khoáng sản.

Với dự án nạo vét, cải tạo hồ Sông Hỏa, diện tích khu vực thực hiện việc nạo vét là 55 ha, mực sâu kết thúc khai thác cốt +20 mét, tổng trữ lượng khoáng sản được phép khai thác khoảng 780.000 m3 cát trong thời hạn 4 năm.

Tuy nhiên, những ngày qua khảo sát thực tế tại hồ chứa nước Sông Hỏa, phóng viên ghi nhận việc lòng hồ đang vào mùa khô, nước cạn gần như trơ đáy nhưng phía chủ đầu tư dự án vẫn chưa thực hiện việc nạo vét, cải tạo lòng hồ mà thay vào đó trong phạm vi hành lang bảo vệ hồ (nơi không được phép nạo vét) lại được doanh nghiệp đào bới để khai thác đất, cát một cách triệt để, diện tích nạo vét vượt từ 50 m đến 100 m so với ranh giới quy định, tạo nhiều hố sâu, dài lồi lõm rất nguy hiểm.

Việc khai thác đất, cát còn tạo nên những hố rộng, ăn sâu vào sát khu vực rừng tràm, trong khi đó lại không có hàng rào che chắn hay biển báo cho người dân qua lại. Hầu như việc thi công nạo vét hay vận chuyển khoáng sản đều do đơn vị thi công tự quyết định, không có sự giám sát của địa phương cũng như cơ quan chịu trách nhiệm chính trong quản lý là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh.

Chú thích ảnh
Những hố sâu, lồi lõm nằm ngoài khu vực được phép nạo vét, cải tạo do Công ty TNHH Dịch vụ sản xuất Cát Hà đào bới để khai thác đất, cát.

Ngày 15/5 vừa qua, HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã thực hiện việc giám sát tại dự án này. Thực tế kiểm tra cho thấy diện tích, khối lượng, độ sâu nạo vét tại các hồ thủy lợi trên vượt cao hơn so với quy định. Theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, đơn vị phải thực hiện thi công 2 hồ lắng, nhưng 2 hố lắng này lại không phải phục vụ cho việc nạo vét hồ mà chủ yếu là phục vụ cho việc rửa cát.

Theo ông Trần Đình Khoa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, qua khảo sát cho thấy khu vực thi công không phải là địa điểm cần nạo vét mà chủ yếu là nằm ngoài khu vực nạo vét.

Ông Khoa nhấn mạnh, mục tiêu chính của việc nạo vét các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh là bảo đảm dung tích chứa nước của hồ để phục vụ việc cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân.

Việc nạo vét các hồ chứa nước cần phải có sự giám sát chặt chẽ của các ngành chức năng; trong đó cụ thể là UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý đơn vị thi công.

Tuy nhiên, qua việc giám sát cho thấy, các ngành chức năng liên quan thời gian qua vẫn còn buông lỏng trong quản lý, giám sát dẫn đến doanh nghiệp thi công có sai phạm tại công trình nạo vét các hồ Sông Hỏa.

Cũng theo ông Khoa nếu không có biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết thì hầu như tất cả các hồ chứa nước đều giao cho đơn vị thi công thực hiện theo phương án của họ mà không đúng với những gì đã cam kết với nhà đầu tư. Như tại hồ sông Hỏa do quá chậm trễ trong việc giám sát, kiểm tra dẫn đến việc không thể khắc phục.

Chú thích ảnh
Những hố sâu, lồi lõm nằm ngoài khu vực được phép nạo vét, cải tạo do Công ty TNHH Dịch vụ sản xuất Cát Hà đào bới để khai thác đất, cát.

Để làm rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng trong vấn đề này, theo HĐND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được UBND tỉnh giao là cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc quản lý, giám sát thực hiện nạo vét, quản lý nguồn nước.

Tất cả các hồ nước có được nạo vét đúng kỹ thuật hay không, có đạt công suất thiết kế, có phát huy được công dụng trong việc cấp nước tưới tiêu và nước sinh hoạt hay không là trách nhiệm thuộc về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngoài việc giám sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thì Sở Tài nguyên và Môi trường, các huyện, thị xã cũng phải phối hợp trong việc giám sát thực hiện thi công nạo vét, cải tạo các hồ. Tuy nhiên việc kiểm soát theo đánh giá lại rất khó khăn, điều quan trọng phải phụ thuộc vào đơn vị thi công có tuân thủ theo những gì đã cam kết.

Ông Khoa kiến nghị, việc nạo vét, cải tạo các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh ngoài bảo đảm đạt được dung tích thiết kế cho các hồ, ngành chức năng còn phải quản lý việc tận thu cát trong việc nạo vét để bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản của tỉnh.

Trong quá trình triển khai nạo vét phải được thực hiện đúng theo pháp luật và cũng cần chú ý bảo đảm an toàn nguồn nước để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người dân.

 

Tin, ảnh: Hoàng Nhị (TTXVN)
Tăng cường giám sát quản lý khai thác khoáng sản tại Tây Ninh
Tăng cường giám sát quản lý khai thác khoáng sản tại Tây Ninh

Ngày 15/5, Thường trực hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh, tiến hành kiểm tra, giám sát đối với Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Tây Ninh về thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN