Công nhân Công ty cổ phần Dụng cụ Cơ khí Xuất khẩu trong giờ làm việc. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN |
Mới đây nhất, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trong đó có thông tin lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021 được nhiều người quan tâm.
Khi được hỏi về tuổi nghỉ hưu, phần đông người lao động, nhất là làm công việc tay chân đều khẳng định đến tầm 40 - 50 tuổi, sức khỏe bị suy giảm sau nhiều năm làm việc nên việc tăng tuổi nghỉ hưu khiến họ lo lắng. Anh Bùi Văn Học, có hơn 15 năm làm quản đốc tại xưởng cơ khí tại Khu công nghiệp Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết: Làm công việc cơ khí nặng nhọc nên từ tầm trên 40 tuổi nhiều người không theo nghề do sức khỏe yếu, bên cạnh đó là một số bệnh nghề nghiệp liên quan đến cột sống, mắt, đau khớp, ù tai…
Do đó, nếu tiếp tục tuổi nghỉ hưu với ngành nghề lao động là công nhân, người lao động sẽ khó đáp ứng nên người lao động sẽ tính bài toán thiệt hơn khi nghỉ hưu sớm. Đó là chưa kể điều kiện làm việc, thời gian làm việc thường không được tốt. “Ngay như tại phân xưởng của công ty, tiền lương chủ yếu đạt trên mức lương tối thiểu vùng một chút, còn lại phải làm thêm giờ, làm càng nhiều thì sức khỏe ngày càng yếu khi có tuổi”, anh Bùi Văn Học chia sẻ.
Trong khi đó, chị Hoàng Thu Minh, công nhân lắp ráp điện tử tại KCN Yên Phong (Bắc Ninh) chia sẻ, công việc lắp ráp mỗi ca là 8 tiếng, nhưng thường chị vẫn phải làm thêm 2 tiếng, có thời điểm 4 tiếng/ngày. Dù điều kiện làm việc cũng đã được doanh nghiệp quan tâm nhưng đứng lắp ráp chỉ 1 chi tiết lặp đi lặp lại dễ gây nhàm chán, mệt mỏi.
“Cho nên tầm hơn 30 tuổi, sau khi tích lũy được một ít vốn, hầu hết công nhân chúng tôi đều nghỉ việc về quê mở dịch vụ làm kinh tế gia đình. Nếu nâng tuổi nghỉ hưu sẽ rất khó theo nghề và phải tiếp tục tham gia đóng BHXH lâu hơn. "Trong khi chúng tôi mong muốn rút ngắn thời gian tham gia BHXH. Với điều kiện làm việc như hiện nay, chúng tôi chỉ mong muốn giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay và rút thời gian đóng BHXH xuống 15 năm”, chị Hoàng Thị Minh chia sẻ.
Chị Phạm Thu Thủy, nhân viên nhân sự tại doanh nghiệp nước ngoài Hàn Quốc cho biết: “Với lao động làm doanh nghiệp, lương hưu là tính bình quân cả quãng thời gian đóng. Có người lúc vào làm việc cách đây 15 năm chỉ có 900.000 đồng/tháng, nay khoảng 8 triệu đồng/tháng. Nếu chia bình quân ra đã rất thiệt. Trong khi lao động lớn tuổi, các doanh nghiệp thường đào thải do không còn nhanh nhẹn, năng suất lao động giảm, trong khi lương lại cao nên tăng tuổi hưu sẽ bị tác động nhiều nhất và cơ hội nhận lương hưu sẽ càng khó và sẽ có xu hướng rút BHXH một lần”.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Thanh làm tại tổ chức phi chính phủ chia sẻ: “Từ ngày 1/1/2018, theo lộ trình lao động nam đủ 35 năm, nữ 30 năm mới được hưởng lương hưu tối đa 75% thay vì 30 năm và 25 năm như hiện nay. Do vậy, nếu tôi 19 tuổi vào đại học thì năm 23 tuổi tốt nghiệp. Giả sử sau một năm ra trường tôi xin được việc làm và tham gia đóng BHXH. Sau 35 năm làm việc tôi gần 60 tuổi. Đó là trong trường hợp tôi làm việc liên tục thì được hưởng 75%. Nếu tuổi thọ trung bình của nam là 72 tuổi, nay tăng tuổi hưu lên 62 tuổi thì tôi chỉ hưởng lương hưu khoảng 10 năm".
“Hiện nay, lao động tại Việt Nam chủ yếu là lao động phổ thông, riêng lao động tại các khu công nghiệp trên 2 triệu người, chủ yếu là lao động chân tay, thu nhập trên mức lương tối thiểu; nay lại thêm tăng tuổi hưu sẽ rất khó đáp ứng. Việc tăng tăng tuổi về hưu chỉ đáp ứng một thiểu số lao động trí thức. Trong khi đó, đối tượng này đã có những quy định kéo dài thêm thời gian công tác, một số trường hợp sẽ được đơn vị hợp đồng làm việc khi có quyết định nghỉ hưu. Do đó, việc tăng tuổi nghỉ hưu cần hài hòa để phù hợp với đại đa số người lao động”, anh Nguyễn Văn Thanh chia sẻ.
Một trong những nội dung của Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội: Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung... |
Ông Lê Đình Quảng, Phó Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động) cho rằng: Trong quá trình nâng tuổi nghỉ hưu cần có sự phân biệt từng nhóm lao động, công việc, ngành nghề cụ thể trong phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ được bàn thảo tiếp khi sửa Luật Lao động 2012 tới đây. Vấn đề nâng tuổi hưu chỉ là một trong các giải pháp tổng thể của Nghị quyết về cải cách chính sách BHXH. Trong thời gian tới, các Bộ, ngành sẽ tiếp tục có những giải pháp cụ thể đưa vào Luật và các bản hướng dẫn khác.